Nuôi giun quế được nhiều nông dân lựa chọn, bởi giun quế vừa mang lại giá trị lợi ích kinh tế cao, vừa làm thức ăn chăn nuôi rất tốt cho gia cầm, đồng thời cũng là một biện pháp để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn hiện nay.
Giải quyết được ô nhiễm môi trường
Hàng năm, ở các vùng nông thôn lượng chất thải từ động vật, gia súc, gia cầm và các loại cây rau màu là rất lớn, trước đây toàn bộ những chất thải này đều được người nông dân thu gom làm phân xanh, phân chuồng để dung vào việc bón cho cây trồng và lúa ngoài đồng.
Từ khi kinh tế ở những vùng nông thôn phát triển đến nay, việc đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi không còn nhỏ lẻ như trước nữa, đã có những gia đình đầu tư diện tích, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lên đến hàng trăm, nghìn con, thậm chí cả một trang trại đã được đầu tư để chăn nuôi. Chính vì thế lượng chất thải ra môi trường rất lớn, nếu không có biện pháp xử lý sẽ dẫn đến nạn ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn là đương nhiên.
Nuôi giun quế là một trong những mô hình vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa đem lại nguồn thức ăn dồi dào cho gia cầm, đồng thời là biện pháp để xử lý nạn ô nhiễm môi trường rất hiệu quả.
Gia đình ông Cao Văn Hùng ở thôn Hoà Sơn, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) đã sử dụng diện tích 70m2 đất của mình để nuôi giun quế, ông Hùng cho biết: "Với mô hình nuôi giun quế, gia đình tôi giải quyết được lượng phân do đàn bò 30 con thải ra mỗi ngày nên không còn ô nhiễm môi trường như trước đây. Phân bò được ủ qua chế phẩm sinh học thì không còn mùi hôi thối, sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho giun quế. Lượng phân này sau khi thu hoạch giun thương phẩm thì tôi sử dụng làm phân bón hữu cơ cho rau màu, cây ăn quả... rất tốt".
Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, nên giun quế nhanh chóng “xử lý” phân động vật sau khi ngâm ủ cùng chế phẩm vi sinh được giúp khử mùi hôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Mô hình nuôi giun quế đặc biệt hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi, các vùng có nhiều gia súc, gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Thủy ở Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết. Nuôi giun quế rất dễ bởi đây là loại động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng từ phân gia súc và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, vì thế đã giúp việc sử lý những chất thải từ gia súc gia cầm, phụ phẩm nông nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn.
Nguồn thức ăn có giá trị dinh dương cao cho gia cầm
Ông Cao Văn Hùng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi giun quế làm thức ăn cho vật nuôi, chủ yếu là thức ăn chăn nuôi cho đàn gà hơn 300 con của gia đình.
Gà được nuôi bằng giun quế có sức đề kháng tốt hơn, ít mắc các bệnh thường gặp, như: khô chân, cúm gà, tiêu chảy... và được thị trường ưa chuộng hơn gà nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, gia đình ông Tin dự định sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi giun quế để chủ động nguồn thức ăn, giảm được chi phí sản xuất.
Anh Võ Văn Dũng ở xóm Xuân Đình, xã Châu Đình, (Quỳ Hợp – Nghệ An) với quy mô chuồng nuôi giun quế 150m2 và 300 con gà. Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, thức ăn cho gia cầm phụ thuộc vào cám công nghiệp và lúa, ngô. Từ khi tham gia thực hiện mô hình khuyến nông, tôi đã nắm bắt kỹ thuật nuôi giun quế nên thức ăn cho gà hoàn toàn chủ động, còn có giun quế xuất bán cho các hộ chăn nuôi khác...".
Theo anh Dũng, phân gà làm thức ăn cho giun, giun làm thức ăn cho gà tạo thành vòng tròn khép kín, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường. Đặc biệt, gà ăn giun quế, vừa là thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng, nhanh lớn, thịt chắc, thơm ngon và sạch nên được thị trường ưa chuộng”.
Giun quế là loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, giá thành rẻ. Với đặc điểm rất giàu đạm, lượng protein thô chiếm tới 70% trọng lượng khô, giun quế trở thành một nguồn thức ăn lý tưởng cho gà và các loại vật nuôi khác. So với bột cá mà bà con thường dùng, giun quế có lượng đạm tương đương. Bên cạnh đó, giun quế còn mang nhiều ưu điểm mà bột cá không có được, đó là Giun quế có 17 loại axit amin, trong đó có 9 loại axit amin không thay thế; chứa nhiều loại vitamin như B1, B3, B12, B6 cùng các khoáng chất Phốt pho, canxi, sắt… cần thiết cho sự phát triển của vật nuôi vật nuôi. Trong giun quế có chứa các loại kích thích tố sinh trưởng tự nhiên, giúp vật nuôi tăng trọng hiệu quả. Vì giun quế có mùi thơm như quế, nên kích thích vật nuôi ăn ngon miệng hơn. Giun quế chế biến dạng bột cũng bảo quản được lâu hơn bột cá.
Theo thực tế, các mô hình nuôi gà sử dụng thức ăn có giun tươi thì hầu như gà không bị bệnh; trong khi nếu nuôi bằng thức ăn không có giun, tỉ lệ mắc bệnh cúm gà 16% – 40%. Như vậy để chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, bà con nên bổ sung giun quế vào thức ăn chăn nuôi của mình.
Đặc biệt, gà được cho ăn giun quế sẽ tăng trọng nhanh hơn hẳn. Gà nuôi lấy trứng sẽ đẻ sai, gà nuôi lấy thịt thịt sẽ cho thịt dai, thơm ngon vượt trội. Giá gà thả vườn nuôi bằng giun quế cũng cao hơn gà thường 3.000đ – 4000đ/kg, do thị trường rất ưa chuộng loại gà này.
Mang lại giá trị kinh tế cao
Nhiều gia đình nông dân nhận thấy việc nuôi giun quế vừa có lợi trong xử lý môi trường nhưng cũng có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập ồn định cho người nuôi giun quế. Vì thế, nhiều gia đình đã đầu tư để nuôi giun quế bán ra thị trường
Mô hình nuôi giun quế của bà Dương Thị Thái (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) càng phát huy hiệu quả, cho thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Bà Thái vừa phấn khởi cho biết: “Giun quế của gia đình bà nuôi được bán chủ yếu là từ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… thông qua trang facebook bán cảu bà, khách mua giun quế giống nườm nượp”.
Đến nay, bà đã có hơn 500 bạn hàng quen thuộc. Khách hàng “mách nước” nhau nên mạng lưới thị trường ngày càng phát triển. Có những lúc, bà Dương Thị Thái phải từ chối đơn hàng vì chưa kịp sản xuất giun quế giống.
“Mỗi tháng, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn giun quế giống. Với giá 150.000 đồng/yến, gia đình thu về khoảng 15 triệu đồng. Giun quế được sử dụng làm thức ăn gia súc gia cầm, phân giun quế được sử dụng bón cây xanh rất tốt nên gần đây, bà con nông dân tìm mua giun quế giống nhiều” – bà Dương Thị Thái cho biết.
Hiện nay, trên thị trường giá giun quế giống dao dộng từ 15.000 – 30.000đ/kg; Giá giun quế thương phẩm (giun tinh) dao dộng từ 80.000 – 120.000đ/kg; Phân giun quế dao dộng từ 3.000-7.000đ/kg tùy chất lượng; Các sản phẩm khác chế biến từ giun quế có thể dao động từ 250.000-700.000đ tùy loại.
Có thể nói việc nuôi giun quế có rất nhiều lợi ích, đây là một mô hình chăn nuôi khép kín vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường do chất thải từ động, thực vật thải ra, vừa là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, đồng thời giun quế cũng đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người chăn nuôi.
Hiện nay, nhiều gia đình ở các vùng nông thôn đang áp dụng mô hình chăn nuôi giun quế rất hiệu quả này trong điều kiện giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao liên tục. Đây cũng là một trong những giải pháp để người chăn nuôi không phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.