Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 8 năm 2022 | 22:27

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới hóa vùng ĐBSCL

Làm việc với Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL bàn giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới hóa.

Cơ giới hóa góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay cơ giới hóa trong ngành hàng lúa gạo đạt tỷ lệ cao so với các ngành hàng khác, trong đó vùng ĐBSCL khâu làm đất đạt gần 100%, các khâu còn lại đạt tỷ lệ cao, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cơ giới hóa ngành hàng lúa gạo thuận tiện hơn so với các ngành hàng khác bởi quy mô sản xuất tập trung. Trong đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL có nhiều thuận lợi nhờ các địa phương có các vùng sản xuất lúa tập trung, diện tích lớn và ngành nông nghiệp cùng với nông dân cũng quan tâm đẩy mạnh ứng dụng nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới vào sản xuất.

 

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và các Sở Nông nghiệp và PTNT vùng ĐBSCL (Ảnh: Trung Chánh).

 

Điểm thấy rõ nhất là lượng giống trong gieo sạ đã giảm đến hơn 50%, nếu như trước đây người dân vùng ĐBSCL sử dụng từ 150 - 170 kg/ha thì nay đã giảm xuống còn 50 - 70kg/ha, việc giảm lượng lúa giống đã làm giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp cả nước nói chung và ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL chịu tác động lớn, nơi có hơn 114.000ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 78.000ha trồng lúa, với hệ số sử dụng đất khoảng 2,88 lần/hàng năm, với sản lượng trên 1,3 triệu tấn lúa, đã cơ giới hóa trên 95% gieo sạ, bón phân 60%, thu hoạch lúa trên 90%. Tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các vụ mùa, mùa thu hoạch rộ. Do đó, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, cơ giới hóa được áp dụng trong gieo trồng bằng máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu, máy bón phân. Việc xử lý rơm bằng máy biến rơm trở thành sản phẩm hàng hóa góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Xử lý rơm tốt còn góp phần giảm sâu bệnh cho mùa màng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở nước ta nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đã có một số thành tựu trên đường phát triển. Những tiến bộ này sẽ góp phần quan trọng trong sản xuất lúa, nông sản. Cơ giới hóa đồng bộ sẽ làm thay đổi thị trường lao động, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để sử dụng lao động hiệu quả, nâng cao đời sống người nông dân.

 

 Người dân vùng ĐBSCL dùng máy cày làm tơi đất (Ảnh: QT).

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cơ giới hóa là việc cần thực hiện để tối ưu hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra giá trị cao hơn. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp các địa phương cần quan tâm, rà soát làm sao để cơ giới hóa đồng bộ và tiếp tục tìm hiểu để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân.

Giá trị cơ giới hóa mang lại chưa cao

Cơ giới hóa trong gieo sạ và sau thu hoạch đang là vấn đề cấp thiết đối với vùng ĐBSCL. Dù cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL đã nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất còn manh mún, vấn đề cơ giới hóa trong gieo sạ và xử lý rơm, rạ chưa phát huy hiệu quả, làm tăng phát thải khí nhà kính và tỷ lệ sâu bệnh trên cây lúa.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư Trung tâm cơ khí vùng phục vụ chương trình này là một kế hoạch hay. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này còn gặp nhiều vấn đề trong việc triển khai. Ngành nông nghiệp cho cơ chế để địa phương đầu tư thực hiện.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, lúa hữu cơ có giá trị cao nhưng phát triển chậm. Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai canh tác. Tuy nhiên, đối với người nông dân, canh tác 2 ha lúa hữu cơ mới khá, canh tác 1,5 ha thì chỉ đủ ăn. Vấn đề này cần phải giải quyết khi nhiều nông dân không có đủ diện tích như vậy.

Ông Đào Thế Anh, Viện phó Viện nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với ĐBSCL, cơ giới hóa đồng bộ chỉ thực hiện được khi nông dân hợp tác với nhau chứ không thể mỗi người mua sắm 1 máy. Hiện nay, một số phương tiện dùng trong canh tác thì có hai hình thức hợp tác hoặc thuê mướn.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn phân tích, hiện nay Kiên Giang có diện tích đất nông nghiệp hơn 411.000 ha, riêng đất lúa là hơn 317.000 ha. Sản lượng lúa hằng năm cũng lớn hơn so với các tỉnh trong vùng. 6 tháng đầu năm Kiên Giang xuống giống 4 vụ, sản lượng hơn 2 triệu tấn và còn 1,2 triệu tấn chưa thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân trong vùng vẫn chưa vươn lên khá giàu dù Kiên Giang đã cơ khí hóa nông nghiệp khá mạnh mẽ.

Giá nhiên liệu tăng cao khiến cho việc canh tác của nông dân bị ảnh hưởng bởi giá các dịch vụ tăng. Người nông dân vẫn chưa tận dụng lao động dư thừa cải thiện cuộc sống. Phát triển ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hướng lao động nông thôn dôi dư làm việc tại các khu công nghiệp, đó là hướng mở giải quyết lao động nông thôn, ông Toàn cho biết.

 

 Nông dân ĐBSCL dùng thiết bị bay gieo sạ lúa (Ảnh QT).

 

Ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang cho biết, Hậu Giang hiện nay đang cơ khí hóa nông nghiệp mạnh. Tuy nhiên, tình hình chung vẫn thiếu máy, thiết bị. Theo đánh giá chung thì cơ giới hóa manh mún, chưa đồng bộ. Hậu Giang có Nghị quyết đầu tư nguồn lực tập trung, cơ giới hóa nhiều nhưng giá trị mang lại chưa cao.

Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp dôi dư? Ở Hậu Giang hiện nay phổ biến có gia đình 4 người, trong tháng ra đồng 4-5 ngày còn lại là thời gian nhàn rỗi. Chính vì thế cần phát triển nghề nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp để thu hút lao động này, tăng thu nhập cho họ. Cơ giới hóa phát triển sẽ làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi nhiều. Mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giúp lao động nông thôn thu nhập mỗi tháng tăng lên 4-6 triệu đồng sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống, ông Hùng nói thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động rất lớn tại khu vực ĐBSCL, nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Qua đó, phải đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp và phải giải quyết những nhu cầu đặt ra thúc đẩy phát triển nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp nền tảng là công nghệ 4.0, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới hóa

Đại diện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho rằng, cần phải nghiên cứu đầu tư công nghệ để chế tạo các thiết bị cơ giới đáp ứng nhu cầu “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”, sản phẩm nông nghiệp đủ năng lực cạnh tranh vươn tầm ra thế giới.

Cùng với đó, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: các biện pháp canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường sản xuất lúa gạo và giảm tác động môi trường; giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường công nghệ trong nông nghiệp.

 

 Giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ nông thôn cũng là bài toán đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCl (Ảnh: CXL).

 

Nói về vấn đề cơ giới hóa, ông Bùi Bá Bỗng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, ĐBSCL cần thành lập trung tâm cơ khí cấp vùng, việc làm này vô cùng cần thiết. Nhà nước cần có quy định cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho hợp tác cho đúng pháp luật, hiệu quả. Năm 2000 máy gieo sạ, máy gặt đập liên hợp ít, nay gặt đập bằng máy gần như toàn bộ. Cái khó là việc tồn trữ gạo của nước mình ngược thế giới. Thế giới tồn trữ lúa, mình tồn trữ gạo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp, máy móc, thiết bị để tạo ra được năng suất cao hơn trên nền tảng tổ chức lại sản xuất quy mô lớn. Trong đó, sự liên kết giữa người dân trong vùng nguyên liệu tạo ra hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng sử dụng chung được công nghệ, thiết bị, máy móc từ cơ giới hóa để đạt được hiệu quả tối ưu hóa sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, ngành Nông nghiệp hiện nay quy hoạch, kế hoạch là từ trên xuống, thực hiện là từ dưới. Bộ là cơ quan hoạch định chính sách. Cơ giới hóa chúng ta phải làm, phải xem xét cho hợp lý vì nó chỉ là phương tiện. Mục tiêu cuối cùng của cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ là để tăng thu nhập cho người nông dân. Cơ giới hóa thì lao động sẽ dôi dư, nếu không giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho họ thì họ sẽ đi địa phương khác tìm việc làm. Phát triển kinh tế nông thôn thì chúng ta không tính toán trên mảnh đất mà tính trên thu nhập của nông dân. Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, thiết bị máy móc để thay đổi nông nghiệp, nông thôn, thay đổi đời sống nông dân. Đó là mục tiêu phấn đấu của ngành Nông nghiệp.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, Văn Phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và ngành nông nghiệp các địa phương quan tâm rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới. Quan tâm tổ chức lại sản xuất để thuận lợi cho đẩy mạnh cơ giới hóa và có các hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Chú ý phát huy vai trò năng động sáng tạo tại địa phương...

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top