Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 8 năm 2022 | 10:55

Cơ giới hóa góp phần vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp

Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

 

cghnn.jpg

Cơ giới hóa góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại như: tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, với mong muốn thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Gia tăng sự chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp để đạt các mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghệ tiên tiến, chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới.

“Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản chiếm khoảng 45% trong tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản của quốc gia. Đẩy mạnh cơ giới hóa ở đây sẽ làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá trị cho người nông dân” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Năng suất lao động bình quân của người lao động trong nông lâm thủy sản đạt hơn 16 triệu đồng năm 2010 tăng lên hơn 52 triệu đồng vào năm 2020, tăng 3,17 lần. Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản năm 2010 đạt hơn 15,2 tỷ USD thì đến năm 2021 đã tăng lên 48,6 tỷ USD.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Mức độ cơ giới hoá tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100%; chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%. Việc cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Theo ông Lê Đức Thịnh, mặc dù lĩnh vực cơ giới hóa đồng bộ và chế biến nông sản đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ gặp những khó khăn, thách thức như: mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu làm đất, nước, thức ăn và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực như lúa, mía, cà phê, gia súc, gia cầm, tôm nhưng vẫn chưa đồng bộ. Ngoài ra, chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại và số lượng. Vì vậy, máy móc đa phần được nhập khẩu từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.

Về mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 trồng trọt sẽ đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thuỷ sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50%. Đồng thời, phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp. Bên cạnh đó, phát triển cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, theo từng vùng sản xuất nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất có quy mô lớn và theo chuỗi giá trị nông sản:

“Thay đổi tiếp cận về cơ giới hóa thông thường chỉ là trang bị máy móc để mà giảm đi lao động thủ công mình phải chuyển sang cơ giới hóa đồng bộ. Cơ giới hóa đồng bộ là đồng bộ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ là đồng bộ giữa máy móc và hạ tầng cơ giới hóa và đồng bộ giữa trang bị máy móc và đào tạo người sử dụng máy và vận hành máy” - ông Lê Đức Thịnh nói

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa về làm đất, bơm tưới đã được cơ giới hóa hoàn toàn thông qua cách tổ, nhóm dịch vụ trong cộng đồng và đáp ứng 100% nhu cầu của người dân. Mặc dù tỷ lệ cơ giới hóa của Cần Thơ đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự tăng trưởng thời gian qua. Tuy nhiên, một số khâu cơ giới hoá còn thiếu đồng bộ, đối với những vùng sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ, cơ giới một số khâu còn hạn chế, khó khăn do thiếu điều kiện hạ tầng thực hiện, khi thực hiện chi phí cao, hiệu quả thấp.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, trong thời gian tới địa phương sẽ tập trung sản xuất lúa theo hướng liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thúc đẩy nông dân liên kết hình thành vùng sản xuất lớn, vừa tạo điều kiện doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật trong đó có khâu cơ giới hoá trên đồng ruộng.

“Việc ứng dụng cơ giới hóa phải thông qua tổ, nhóm dịch vụ nó mới làm nâng cao hiệu quả sử dụng và hiệu quả khai thác cũng như là lan tỏa nhanh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Chính vì vậy việc xây dựng, triển khai chính sách tiếp cận các máy móc, thiết bị cần có sự quan tâm để hình thành các tổ nhóm hợp tác xã nông dân làm dịch vụ, đó là thành phần nòng cốt trong giai đoạn cơ giới hóa hiện nay” - ông Trần Thái Nghiêm nói.

Các chuyên gia đánh giá về giải pháp cơ giới hóa trong nông nghiệp những vấn đề bất cập, hạn chế cần khắc phục để sớm đạt được mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến, chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới./.

 

 

 

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top