Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới gần 14%/năm; giống lúa; công nghệ sấy và bảo quản; logistics, chi phí; vật tư sản xuất đầu vào; vốn cho sản xuất và xuất khẩu là những điểm nghẽn cần được tháo gỡ cho vựa lúa vùng ĐBSCL.
Thất thoát khoảng 15.000 tỷ đồng/năm
Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn thông tin, Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm (chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới), trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Philippines.
Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao cũng chưa được thuận lợi. Bên cạnh đó, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế, đặc biệt xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa; trong đó, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng cao chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải bám đồng ruộng để làm nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và duy trì sản lượng gạo xuất khẩu. Nhờ vậy, hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL các giống lúa thơm, đặc sản chiếm 33,29%, lúa chất lượng cao chiếm 49,64%, lúa chất lượng trung bình chiếm 7,12%... Qua đó cho thấy, cơ cấu giống lúa đã dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và chưa thuận lợi khi vào thị trường cao cấp để bán với giá cao. Bên cạnh đó, hạt gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng ở khắp các nền kinh tế…
Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL lên đến 13,7%/năm. Nếu lấy trung bình sản lượng là 20 triệu tấn lúa/năm, giá bán 5 nghìn đồng/kg thì khu vực này thất thoát khoảng 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nguyên nhân được nhận định là do công nghệ và thiết bị sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Ngành lúa gạo đang gặp khó khăn trong vấn đề logistics và các chi phí liên quan, trong đó có điểm nghẽn nội tại là nguồn cung và chất lượng không ổn định.
Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL lên đến 13,7%/năm.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với ngành lúa gạo, như: thu nhập người nông dân từ việc sản xuất lúa; nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với phát triển bền vững ở những thị trường chiếm thị phần tiêu thụ lớn; cần xem xét thêm về vấn đề phối hợp giảm chi phí vận chuyển bởi hiện nay chi phí vận tải đang chiếm tỉ trọng cao; có chiến lược dài hạn để phát triển lĩnh vực logistics để thuận tiện vận chuyển hàng hoá trong vùng ĐBSCL…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho biết, để phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng, ngay từ đầu năm 2022 Chính phủ cũng đã đề ra những chiến lược đột phá cho ngành nông nghiệp, trong đó gạo cũng được xác định là ngành chiến lược. Do đó, tôi nghĩ rằng, không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn, chúng ta cần phải khơi thông cả những kỳ vọng, mong muốn đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khẩu 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến việc giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá thành, giá trị xuất khẩu.
Gỡ điểm nghẽn
Để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, theo các học giả sấy và bảo quản lúa là 2 công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm để cải tiến và phát triển trong quá trình sản xuất lúa gạo. Cùng với đó, các “điểm nghẽn” như giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu… Đây là những vấn đề quan trọng đối với thương mại gạo trong đó vấn đề vốn tín dụng và logistics được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, bởi 2 vấn đề trên đang là những điểm nghẽn lớn của dòng chảy hạt gạo ra thị trường toàn cầu.
Theo các chuyên gia, chất lượng gạo ngon không bởi do giống lúa mà còn do quy trình chế biến. Để giải quyết vấn đề này, hạt lúa sau khi thu hoạch cần được sấy khô và bảo quản đúng cách. Song, công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo. Không những vậy, công nghệ chế biến của ta vẫn còn lạc hậu, làm cho giá trị hạt gạo chưa cao.
Với giải pháp xử lý gạo sau thu hoạch và công nghệ kỹ thuật số, ông Balachandra Prashanth, Giám đốc Ngành gạo khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Bühler Group cho biết, giải pháp lưu trữ trong silo cho phép các nhà máy gạo bảo quản lúa ở chất lượng tốt trong thời gian mong muốn. Giải pháp này còn giúp giảm hư hại, thất thoát lúa bằng công nghệ bảo quản hợp vệ sinh và lâu bền.
Với ứng dụng kiểm soát tự động silo, chúng ta có thể theo dõi nhiệt độ, độ ẩm những chỉ số khác của lúa nằm trong silo. Từ đó chúng ta có thể trữ lúa ở những điều kiện tốt nhất và ngoài ra, còn có thể thực hiện truy xuất ngược. Sản phẩm được lưu trữ theo công nghệ số của Bühler có thể không cho ra sản phẩm chất lượng nhất nhưng sẽ đồng đều nhất.
Theo thống kê, chi phí logistics chiếm 16,8% giá trị hàng hoá Việt, trong khi với thế giới chỉ là 10,6%. Thậm chí, chi phí logistics chiếm 30% giá thành nông sản ĐBSCL. Về vấn đề vận tải, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam mong muốn, Tân Cảng giờ là đơn vị mạnh, bình quân cước vận tải cần được xem xét để chi phí vận tải ĐBSCL giảm đi. Nhiều vùng lúa thơm không còn lời, vậy sao phát triển. Bình quân container quan trọng, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng cao. Vấn đề phối hợp giảm chi phí là quan trọng. Đến 2022 giá gạo hiện nay xuống, đến nay chưa nhìn thấy tương lai đâu cả. Chiến tranh có ảnh hưởng nhất định, hy vọng thời gian tới giá có thể lên nhưng lên cao sẽ khó.
Ngoài ra, ĐBSCL nếu không có trung tâm logistics lớn, hệ thống tàu bè, đường độc đạo hiện nay ảnh hưởng tới hệ thống vận tải. Có đường sông, hệ thống vận tải đường sông như thế nào đặt ra, cần có chiến lược dài hạn.
Đề xuất giải pháp tăng hiệu quả logistics trong xuất khẩu gạo, bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông như: các tuyến cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - TP. Hồ Chí Minh - Long Thành; giải quyết các điểm thắt đường thủy, tĩnh không cầu; cảng tàu con chuyên gom container cho tàu quốc tế khu vực ĐBSCL; đưa cảng về gần với doanh nghiệp tại ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cần có chính sách, thiết kế các chuỗi cung ứng, chính quyền địa phương có chính sách tốt thu hút các nhà đầu tư phát triển về chuỗi cung ứng hậu cần logistics, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có quỹ đất quy hoạch trung tâm logistics của vùng tại khu vực ĐBSCL.
Cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL.
Về vấn đề vốn, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối KHDN Vừa và nhỏ - Hội sở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, ngành Nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng, nhu cầu vốn rất lớn. Chính vì vốn cần nhiều, tài sản đáp ứng nhu cầu vay vốn có hạn chế nhất định. Ngoài khoản vay cung cấp thông thường dựa trên tài sản đảm bảo là sản phẩm truyền thống cơ bản thì cần sản phẩm tốt hơn, cấu trúc, có sự kết hợp các bên.
Đại diện Eximbank cho biết, phía ngân hàng có hợp đồng tín dụng thế chấp hàng ở kho tập trung, gồm dùng kho của chính khách hàng, hoặc có thể là kho trung gian. Theo đó, ngân hàng và khách hàng ký hợp đồng hạn mức tín dụng với tài sản thế chấp hàng hóa lưu tại kho do Eximbank chỉ định và giao đơn vị quản lý hàng hóa là Vinacontrol quản lý. Ngân hàng và Vinacontrol ký hợp đồng quản lý hàng hóa để giám sát nhập hàng, quản lý hàng hóa và kiểm định chất lượng hàng. Khách hàng đưa hàng hóa thế chấp vào kho chỉ định dưới sự giám sát của Vinacontrol.
Sau khi hàng nhập kho Vinacontrol cung cấp phiếu nhập kho cho Eximbank và phiếu kiểm định chất lượng cho ngân hàng. Eximbank tài trợ cho khách hàng dựa trên lượng hàng nhập kho. Khách hàng ký hợp đồng bán hàng cho bên mua. Bên mua chuyển tiền thanh toán tiền mua hàng cho bên bán tại tài khoản mở tại ngân hàng để Eximbank thực hiện thu nợ theo hợp đồng bán hàng khách hàng cung cấp. Vincontrol giám sát số lượng hàng hóa giải chấp cho khách hàng theo lệnh của Eximbank.
Giải pháp thứ hai, ngân hàng có L/C (thư tín dụng), dựa trên đó tài trợ. Các doanh nghiệp có nhu cầu tài trợ để mở L/C nhập khẩu hàng hóa/vật tư nông nghiệp. Mở L/C trả chậm bằng một phần vốn tự có (ví dụ 5-10%), phần còn lại vay thông qua UPAS LC. Khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các quy định nghiệp vụ Thư tín dụng của EIB, tuân theo yêu cầu mở L/C…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.