Hiện, các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong 2 tháng cuối năm 2021. Các bộ ngành cũng tích cực vào cuộc khơi thông thị trường, tạo "xung lực" mới đẩy mạnh xuất khẩu.
10 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 38,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng tốc sản xuất, khơi thông thị trường.
Những tín hiệu khả quan
Sau nhiều tháng trầm lắng vì dịch bệnh, tới nay hoạt động thông thương của mặt hàng gạo đã khởi sắc hơn. Giám đốc Công ty TNHH Vrice Phan Văn Có chia sẻ, hiện vụ Hè - Thu đã thu hoạch hết trong khi Chính phủ đang tăng lượng dự trữ quốc gia, từ đó kéo giá cả trong nước và xuất khẩu tăng lên.
Hiện tại, Vrice và các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong 2 tháng cuối năm 2021, cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau, quả dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể từ việc xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông... Điều đáng mừng là nếu như trước đây, rau, quả xuất khẩu phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc với tỷ trọng khoảng 70% thì nay giảm còn 58%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 37,5 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, như: Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây tre… Mỹ hiện vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.
Cụ thể, 10 tháng năm 2021 giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,8 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 7,5 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với trên 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nông nghiệp trở thành ngành tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...
Hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông thị trường
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5,6% năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và những hiệp định thương mại tự do sẽ giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu về nông sản của các nước tăng cao, nhiều nước thu mua dự trữ nông sản cho năm tiếp theo để đề phòng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Để tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây được coi là điểm tựa để các ngành hàng, DN kịp thời đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp khôi phục sản xuất. Còn Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Hữu Hậu thông tin, Hiệp hội đang cùng các DN thành viên rà soát nhu cầu của các thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời đề xuất địa phương hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân tại các nhà máy chế biến điều xuất khẩu.
Nhằm bảo đảm lưu thông thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, các tổ công tác của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh, DN, hiệp hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tại địa phương để có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời. Bộ cũng đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên cập nhật tình hình cung - cầu nông sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cùng với việc thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước ASEAN, Peru, Brazil, Nga... trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, DN những cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu. Cung cấp thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng như tăng cường các hoạt động đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các DN, hợp tác xã; các hiệp hội, ngành hàng nông nghiệp cần đổi mới tư duy, chủ động cập nhật thông tin, tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý hiệu quả tình trạng thiếu container rỗng, tăng cường các giải pháp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy dịch vụ hậu cần vận tải để giảm giá cước vận tải; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN, hợp tác xã trong vấn đề kho bãi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp cũng như hậu cần thương mại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nông, lâm, thủy sản nhanh nhất.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tạo những “xung lực” mới
Năm 2021, hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng trái cây đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức gây ra bởi dịch COVID-19. Đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở nhiều địa phương đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu cả nước.
Được đánh giá là một trong những quốc gia nhiệt đới, giàu tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng trái cây, thế nhưng, hiện nay, trái cây Việt Nam mới chỉ chiếm vỏn vẹn 1% thị phần toàn thế giới.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam đã và đang nhận được “xung lực” tăng trưởng rất lớn, đến từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đã có hiệu lực.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ: Trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan vài năm gần đây nhưng với số lượng cũng không nhiều.
Để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu, theo bà Diệp, là quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư lớn, từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần). Đặc biệt là nguồn cung ổn định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, bản thân các doanh nghiệp trong nước cần cải thiện hình thức mẫu mã, bao bì, chất lượng, không cạnh tranh giảm giá.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng nước sở tại cũng rất quan trọng. Nếu không làm điều này, sẽ rất ít người tiêu dùng biết đến trái cây Việt Nam.
Nhằm tạo tiền đề trong giai đoạn “bình thường mới”, Chính phủ cùng một số Bộ, ngành liên quan đã công bố hàng loạt giải pháp hỗ trợ ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam hồi phục và tăng trưởng.
Trong đó, Bộ Công Thương đã làm rất tốt việc xúc tiến thương mại, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam ra thị trường quốc tế. Thành quả rõ nét nhất, chính là thành công của trái vải xuất khẩu trong niên vụ năm nay vượt mức mong đợi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thúc đẩy quá trình chuyển đối số xúc tiến thương mại, thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định: Xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường thì lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm.
Chính vì vậy phải nhìn nhận thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh xuất khẩu truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp.
Về phía ngành nông nghiệp: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chủ trương hướng dẫn các địa phương thiết lập và quản lý các vùng trồng trọt nhằm đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp.
Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch, bền vững và trách nhiệm.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm phục vụ xuất khẩu, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp và hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng mới để chủ động kết nối thông tin với thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại quả tươi sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Thị trường Trung Quốc cũng đã có mặt 9 loại quả tươi của Việt Nam theo đường xuất khẩu chính ngạch, gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng. Nhật Bản cũng được coi là một thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng của Việt Nam khi đây là một trong 10 thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chuối, xoài, thanh long và vải sang Nhật Bản. Nhu cầu của thị trường Nhật Bản cho các loại quả tươi này là rất lớn, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Tương tự, Australia cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu các loại quả tươi vải, xoài thanh long và nhãn từ Việt Nam. Bên cạnh các quốc gia xuất khẩu truyền thống nêu trên, hoa quả, trái cây Việt Nam ngày càng phổ biến tại thị trường châu Âu, như Hà Lan, Bỉ, Ý hoặc tại một số quốc gia châu Phi. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.