Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 11 năm 2021 | 16:50

Kích cầu tiêu dùng và sản xuất, tạo “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế

Nhằm tạo "đòn bẩy" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, các địa phương đang nỗ lực kích cầu tiêu dùng và khôi phục hoạt động sản xuất tăng tốc.

44.jpg
Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Trì.

 

Hà Nội: Kích cầu, xúc tiến thương mại, đảm bảo cung – cầu

Để kích cầu tiêu dùng, tạo "đòn bẩy" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô những tháng cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức chương trình khuyến mại tập trung.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, đồng thời phục vu nhu cầu mua sắm tăng cao của nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại lớn.

Thực hiện kế hoạch của thành phố về việc phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV-2021 và các năm tiếp theo, ngành Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2021 trong tháng 5, 7 và đang tiếp tục điều chỉnh, tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, trọng tâm vào các tháng 11, 12.

Tính chung trong các tháng 5, 7 và tháng 10-2021, Sở Công Thương đã tiếp nhận khoảng 10.700 thông báo, đăng ký chương trình khuyến mại của gần 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tổng giá trị khuyến mại ước tính trên 20.000 tỷ đồng, tập trung 40% vào lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng chiếm 30%, và các ngành hàng khác gồm thời trang, may mặc, bất động sản, ngân hàng… chiếm 30%.

Theo kế hoạch, các sự kiện, hoạt động khuyến mại trọng tâm của chương trình sẽ được kích hoạt, đẩy mạnh triển khai trong tháng 11 và 12 với nhiều hoạt động sự kiện hấp dẫn, ưu đãi khuyến mại lên tới 100% tại trên 30 trung tâm mua sắm tập trung và khoảng gần 2.000 điểm bán hàng khuyến mại của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được hỗ trợ tham gia miễn phí và có thể áp dụng mức giảm giá trên 50% đến 100%.

“Trong tháng 12, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện Tháng khuyến mại Hà Nội 2021 với các sự kiện: Lễ khai mạc, Ngày hội kích cầu Tháng khuyến mại Hà Nội, Ngày Vàng khuyến mại, Tuần lễ vàng khuyến mại trực tuyến với quy mô khuyến mại lên tới 1.000 điểm bán hàng và 50 điểm vàng là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhằm mang đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm hàng chục nghìn sản phẩm giảm giá lên tới 100% của tất cả các nhóm ngành, hàng dịch vụ trên toàn địa bàn thành phố”, bà Phương Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại... theo đúng quy định và chỉ đạo của thành phố về việc thực hiện các quy định tạm thời, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cụ thể như: Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố trên địa bàn Hà Nội; Tuần hàng Việt Nam; Hội chợ Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; các Phiên chợ hàng Việt tại các khu ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất; Hội chợ quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ; Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội; Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố  trên cả nước; Hội chợ đặc sản vùng miền...

Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm cho trên 10 triệu dân trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp lễ, Tết, thành phố Hà Nội phải kết nối các sản phẩm hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về để bảo đảm cân đối cung, cầu. Do đó, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm cung ứng trên địa bàn thành phố được chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ.

Tất cả các sản phẩm của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đưa về đều phải bảo đảm chứng minh được truy xuất nguồn gốc hàng hóa và các loại giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm; được kiểm soát chặt chẽ từ các nhà phân phối tiếp nhận, cũng như các lực lượng chức năng gồm: Thanh tra của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương.

Đối với các Tuần hàng, Hội chợ hàng Việt, Sở đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, khuyến mại hấp dẫn, bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, đúng quy định của pháp luật. Tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của các doanh nghiệp.

Hưng Yên: Xúc tiến tiêu thụ nông sản thế mạnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản, trong đó có cam, bưởi được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi...

 

22.jpg
Nông dân xã Đồng Thanh (Kim Động) thu hoạch cây ăn quả có múi.

 

Huyện Kim Động hiện có trên 700ha trồng cam, bưởi các loại. Năm nay, sản lượng cam của toàn huyện ước đạt 8.700 tấn, bưởi 5.800 tấn. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhà vườn tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh tổ chức; tăng cường tiêu thụ sản phẩm qua thương lái tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng an toàn; kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa cam, bưởi đến người tiêu dùng nhanh nhất với 3 tiêu chí: Chất lượng, an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch...

Những năm gần đây, xã Đồng Thanh (Kim Động) là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả có múi lớn của tỉnh. Toàn xã có trên 200ha trồng cam, bưởi, trong đó có 30ha của Hợp tác xã sản xuất rau, quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân trồng cam trong xã bắt đầu vụ thu hoạch từ cuối tháng 10 và kéo dài đến giáp Tết Nguyên đán. Anh Lương Văn Tươi, chủ vườn cam, bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Thanh Sầm cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 mẫu cam Hưng Yên, cam đường canh và bưởi Diễn. Mặc dù cuối tháng 11 mới vào chính vụ thu hoạch cam nhưng ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã kết nối với các đối tác, thương lái... để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện và các ngành chức năng đã chủ động hỗ trợ nông dân thêm kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Mong rằng việc bán hàng thuận lợi và được giá như những năm trước”.

Xã Tân Dân (Khoái Châu) hiện có trên 80ha trồng cam, bưởi, trong đó có gần 30ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Phú Quý, thôn Bãi Sậy 1 cho biết: “Hợp tác xã hiện có 13,5ha trồng cam, bưởi các loại. Vụ này, chúng tôi dự kiến thu hoạch 80 tấn cam và 20 tấn bưởi da xanh. Thời điểm này đã bắt đầu thu hoạch cam Hưng Yên, giá bán hiện ở mức 20.000 đồng/kg; bưởi da xanh 30.000 đồng/kg. Để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi thuận lợi, chúng tôi đã liên hệ với các đối tác để đưa sản phẩm vào bán tại một số chuỗi cửa hàng an toàn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, khác với mọi năm, năm nay chúng tôi còn bán lẻ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Khi khách đặt mua hàng online, chúng tôi sẽ thu hoạch, đóng gói sản phẩm rồi vận chuyển tới địa chỉ theo yêu cầu…”.

Những năm qua, để hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm cây ăn quả an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, cấp mã số vùng trồng cho nhóm cây ăn quả nói chung, trong đó có cây ăn quả có múi… Cùng với đó, hằng năm, tỉnh chú trọng đến công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi, góp phần tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm này. Năm 2020, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hưng Yên như: Phiên chợ Cam Hưng Yên tổ chức tại khu đô thị Ecopark (Văn Giang); sự kiện giao lưu văn hóa, giới thiệu, quảng bá du lịch - Cam và nông sản tỉnh Hưng Yên tại phố đi bộ được tổ chức tại Hà Nội; Tuần lễ cam - nông sản Hưng Yên tại Siêu thị MM Mega Market Hà Đông (Hà Nội); Tuần lễ cam và nông sản Hưng Yên tại Hà Nội năm 2020. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành Trung ương tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có trên 4,2 nghìn ha cây ăn quả có múi (trong đó, có trên 1.000ha cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP); sản lượng khoảng 65 nghìn tấn, chủ yếu là cam Hưng Yên, cam V2, cam đường canh, bưởi da xanh, bưởi Hoàng Trạch... Năm nay, dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước ảnh hưởng đến sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, trong đó, có cam, bưởi… Theo thông tin từ Sở Công Thương, để mùa vụ thu hoạch cam, bưởi năm nay được thuận lợi, đạt hiệu quả, Sở đang tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo kế hoạch, nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ cam sẽ được tổ chức như: Phiên chợ cam Hưng Yên tại khu đô thị Ecopark (Văn Giang), Tuần lễ Cam và nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2021 tại Hà Nội... Cùng với đó, sở đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; duy trì các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo sự kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhà vườn... Qua đó nhằm tăng cường quảng bá để việc tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi của nông dân trong tỉnh thuận lợi hơn.

Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ số đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT

Trước tình hình tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

 

33.jpg
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng cơ sở sản xuất Yến Thanh vẫn duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

 

Đây được xem là là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn…

Nhận thấy nghề nuôi chim yến lấy tổ mang lại giá trị kinh tế cao nên sau nhiều năm tham khảo, tìm hiểu về quy trình nuôi chim yến tại các tỉnh phía Nam, năm 2014 anh Nguyễn Văn Tú, thôn Tây Hòa, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng cải tạo, lắp đặt hệ thống chống rét tại tầng 3 của gia đình để nuôi chim yến. Đến nay, bằng sự sáng tạo, ham mê học hỏi và khả năng thích ứng, hội nhập với thị trường, sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh do anh Tú gây dựng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, là một người trẻ nên anh Tú rất chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay ngoài hệ thống các chuỗi cửa hàng phân phối ở các huyện, thị trong tỉnh, anh Tú còn đẩy mạnh việc bán hàng online và livestream lên các trang mạng xã hội và đưa sản phẩm Yến Thanh sàn thương mại điện tử.

“Ban đầu việc đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thấy việc bán hàng trên không gian mạng sẽ là xu thế thời gian tới nên bản thân đã không ngừng nỗ lực tìm tòi để đưa sản phẩm đến đúng trang có đông lượng tương tác. Đến nay, việc bán hàng trên không gian mạng đang được duy trì ổn định với doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng. Việc chọn đưa sản phẩm lên trang, chốt đơn, đóng hàng và vận chuyển đã được thực hiện bài bản. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, hạn chế tương tác, mua bán trực tiếp thì kênh bán hàng trên không gian mạng, điện tử sẽ là sự lựa chọn phù hợp để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện nhất….”, anh Tú chia sẻ thêm.

Với sự kiên trì cùng với nhiệt huyết và năng động của tuổi trẻ, anh Nguyễn Văn Tuấn ở tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn đã xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP tiềm năng của huyện Nga Sơn từ đông trùng hạ thảo gồm: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô, rượu trắng đông trùng hạ thảo và rượu ngâm đông trùng hạ thảo. Dự kiến cuối năm 2021, hai sản phẩm tổ yến trưng đông trùng hạ thảo và mật ong ngâm đông trùng hạ thảo do anh Tuấn xây dựng cũng sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP.

Với anh Tuấn, mỗi sản phẩm tham gia chương trình OCOP là một hành trình dài, đòi hỏi sự đầu tư, tập trung cao độ, trong đó khâu bán hàng, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Hiện tại, anh Tuấn đã xây dựng được đội ngũ khoảng 50 cộng tác viên chuyên bán hàng online trên facebook và zalo. Ngoài ra, anh tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số do các sở, ngành trên địa bàn tổ chức để có thêm kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng trên không gian mạng. Theo đó, đến nay, các sản phẩm OCOP do anh xây dựng đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn, với lượng khách hàng ổn định không chỉ trong tỉnh mà còn khắp các nơi trên toàn quốc đều biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm.

“Thời gian qua, lượng tiêu thụ sản phẩm trên các kênh bán hàng truyền thống giảm sút nhiều. Tuy nhiên, lượng khách mua hàng qua các trang thương mại điện tử lại tăng, nên cơ sở vẫn duy trì được sản xuất trong thời điểm dịch bệnh khó khăn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm tòi để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; cải tiến mẫu mã và đẩy mạnh kênh bán hàng online để quảng bá sản phẩm đến nhiều đối tượng người dân trên cả nước…”, anh Tuấn cho biết thêm.

Chia sẻ về quá trình nỗ lực của các chủ thể khi đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, ông Phan Xuân Hùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài việc các chủ thể chủ động tự tìm trang để bán sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử với tên miền: www.langnghethanhhoa.vn. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cũng xây dựng website Chương trình OCOP với tên miền: ocoptinhthanhhoa.com.vn để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, hàng năm Văn phòng phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho các chủ thể OCOP; mời đại diện các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki về trao đổi, hướng dẫn cách thức để đưa sản phẩm lên sàn thuận tiện nhất. Giai đoạn 2021-2025, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách và đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại. Đối với các sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để đăng tải và duy trì sản phẩm trên trang thương mại điện tử có thu phí…

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 120 sản phẩm OCOP của 64 xã, phường, thị trấn, với 77 chủ thể; trong đó có1 sản phẩm 5 sao, 30 sản phẩm 4 sao, 89 sản phẩm 3 sao. Trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh COVID diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, việc triển khai các hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua trang thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho sản phẩm lưu thông với doanh số ổn định./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top