Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 6 năm 2021 | 15:32

Kinh tế trang trại phát huy hiệu quả trong sản xuất và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu

Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, nhưng kinh tế trang trại vẫn phát huy hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

 

thu-hoach-trung-ga-tai-mot.jpg
Thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). (Ảnh: Nguyễn Quang)

 

Hà Nội: Gỡ vướng tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 trang trại trở lên đạt chuẩn theo Thông tư số 02/2020/ TT-BNNPTNT ngày 28-2-2020 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất này còn không ít "rào cản" về chính sách đất đai, năng lực quản trị... Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2020, thành phố có 1.558 trang trại theo tiêu chí mới tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, cho doanh thu 6.785 tỷ đồng (bình quân 4,355 tỷ đồng/trang trại/năm); chưa kể còn có 10.000 gia trại ở tất cả các huyện, thị xã.

Điển hình như trang trại chăn nuôi 80.000 con gà đẻ trứng kết hợp trồng cây cảnh của gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn, xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) có quy mô 2,7ha. Nhờ tổ chức sản xuất hiệu quả, tiết kiệm tối đa các chi phí, mỗi năm, chỉ tính doanh thu từ chăn nuôi gà đẻ trứng, trang trại của gia đình ông Đoàn đạt hơn 43 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương. Tương tự, trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Đình Viện, xã Thư Phú (huyện Thường Tín) có quy mô 11ha, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng đã và đang cho thu nhập cao (doanh thu 7,5 tỷ đồng/năm), tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng...

Huyện Sóc Sơn hiện có 171 trang trại với tổng giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ mỗi năm lên tới 480 tỷ đồng. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, kinh tế trang trại là một trong những mũi nhọn, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, sản xuất hàng hóa, giúp nông dân trên địa bàn làm giàu từ đồng đất khó.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay ở Hà Nội đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Đình Viện, xã Thư Phú (huyện Thường Tín), cơ chế chính sách về đất đai đang là “rào cản” lớn đối với phát triển kinh tế trang trại. "Đất làm trang trại hiện chủ yếu là đất thuê, đất đấu thầu nên không đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng. Hơn nữa, đất công ích sau 5 năm thuê phải đấu thầu lại nên chưa tạo được động lực cho các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất lâu dài", ông Viện bày tỏ.

Từ góc nhìn khác, ông Hoàng Ngọc Đoàn, xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) chia sẻ, hầu hết các chủ trang trại đều tự thân học hỏi kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản nên khả năng quản lý, tổ chức sản xuất cũng như trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…

Để gỡ vướng cho các trang trại trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đang tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là về đất đai, vay vốn ưu đãi…, cho các trang trại lâm nghiệp kết hợp trồng cây xanh, cây công trình; trang trại trồng cây dược liệu; trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nên việc tạo ra quỹ đất có diện tích lớn để phát triển kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT (trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp phải có tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0ha trở lên) là rất khó. Do vậy, thời gian tới, Đông Anh sẽ chú trọng phát triển mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung; phấn đấu đến năm 2025 có từ 100 trang trại trở lên ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của trang trại đạt 70%. Đối với diện tích đất công do UBND cấp xã quản lý để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản..., Sở sẽ kiến nghị thành phố có quy định cho phép các địa phương được gia hạn khi hết thời hạn thuê quyền sử dụng đất 5 năm, với điều kiện các chủ thể thuê đất làm trang trại hoạt động hiệu quả và tại thời điểm gia hạn không vi phạm quy định sử dụng đất.

“Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ quản trị cho các chủ trang trại; lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao của các trang trại tham gia đánh giá phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố… Một vấn đề rất quan trọng khác, đó là bản thân các chủ trang trại cũng cần đổi mới tư duy, để gia tăng hàm lượng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Tạ Văn Tường thông tin thêm.

Nam Định: Bảo đảm nguồn cung con giống cho chăn nuôi

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các loại dịch bệnh động vật luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nguồn thức ăn chăn nuôi tăng giá từ 15-30%... nhưng chăn nuôi lợn của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng do người chăn nuôi đã chú trọng phát triển trở lại đàn lợn nái. Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng đàn nái hiện có cơ bản đáp ứng đủ lợn giống cho nhu cầu phát triển chăn nuôi tại địa bàn.


photo-2-15487425819781319709593.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn ở Nam Định. (Ảnh: Đăng Hải)

 

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, 5 tháng đầu năm 2021, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 633.228 con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Để có được kết quả này các huyện, thành phố luôn chú trọng đến việc phát triển đàn lợn nái để chủ động nguồn con giống. Huyện Hải Hậu là một trong những địa phương dẫn đầu chăn nuôi lợn của tỉnh với tổng đàn lợn nái khoảng 15 nghìn con. Để phục hồi ngành chăn nuôi lợn, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật phù hợp với chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học…

Thời điểm này, chăn nuôi lợn tại xã Hải Lý phát triển khá ổn định, với tổng đàn lợn luôn duy trì hơn 20 nghìn con. Hiện, trên địa bàn xã có hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 200-500 con lợn trở lên, có trang trại hàng nghìn con lợn. Để duy trì được tổng đàn, xã chú trọng chỉ đạo phát triển đàn lợn nái tại các hộ và trang trại, do vậy, luôn chủ động được nguồn con giống bảo đảm chất lượng cho tái đàn.

Trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học của chị Bùi Thị Hằng, xóm Lê Lợi duy trì ổn định đàn 3.000 con lợn thịt, lợn nái. Chị Hằng cho biết: Để bảo đảm nguồn lợn giống cho chăn nuôi lợn thịt, chị nuôi gần 500 con lợn nái. Nhờ đó, thời gian qua trang trại không phải nhập lợn giống từ bên ngoài nên hạn chế rất nhiều nguồn bệnh lây lan, xâm nhập từ bên ngoài vào, đàn lợn nuôi luôn an toàn, khỏe mạnh, phát triển đồng đều. Trang trại của gia đình chị không bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung hay giá lợn giống tăng cao ngoài thị trường. Đây là một trong yếu tố quan trọng để phát triển chăn nuôi, kể cả trong thời gian dịch bệnh, giá lợn giống tăng cao hay giá thịt lợn hơi xuống quá thấp… Không chỉ “tự cung” đủ nguồn con giống, trang trại còn xuất bán 40% số lợn giống sản xuất ra cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã.

Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Trực Ninh là 29.755 con. Chăn nuôi lợn của huyện được duy trì và từng bước phát triển trở lại nhờ duy trì đàn lợn nái gần 6.000 con. Những xã chăn nuôi lợn trọng điểm của huyện đều có đàn lợn nái lớn như: Việt Hùng, thị trấn Cát Thành, Trực Nội, Trực Hùng, Trực Thái… với mỗi xã 300-400 con.

Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh cho biết: Đàn lợn nái trên địa bàn duy trì tốt nên đáp ứng cơ bản nguồn con giống cho nuôi lợn thịt. Đây là yếu tố quan trọng để các xã, thị trấn của huyện thực hiện tái đàn lợn sau khi bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua tìm hiểu được biết, việc duy trì tốt số lượng đàn lợn nái nên các HTX chăn nuôi, trang trại và hộ nuôi lớn trên địa bàn huyện Trực Ninh đều chăn nuôi theo quy trình khép kín từ nuôi lợn nái đến sản xuất con giống rồi chuyển sang nuôi lợn thịt. Theo mỗi phân kỳ chăn nuôi từ 4 đến 6 tháng, số lượng lợn giống trên địa bàn đáp ứng đủ nhu cầu nuôi lợn thịt của địa phương.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua, trong quá trình chăn nuôi lợn, người dân trong tỉnh đã chú trọng phát triển trở lại đàn lợn nái. Hiện tổng đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đạt trên 90 nghìn con, tăng trên 15 nghìn con so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của ngành chức năng, với tổng đàn nái hiện có cơ bản đáp ứng đủ lợn giống cung cấp nhu cầu phát triển chăn nuôi của tỉnh. Việc duy trì và phát triển được đàn lợn nái đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi lợn thịt. Cùng với chủ động nguồn giống, người chăn nuôi giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thực tế cho thấy, việc tự sản xuất con giống đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chăn nuôi lợn. Cụ thể, hiện nay giá một con lợn giống trên thị trường dao động từ 2,5-3 triệu đồng, chiếm 30% giá thành sản phẩm lợn thịt. Khi giá lợn thịt xuống thấp, sản xuất rất dễ bị thua lỗ do đầu tư giống cao, chưa kể thức ăn chăn nuôi tăng giá. Nhưng khi thực hiện chăn nuôi theo quy trình khép kín từ đàn lợn nái sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt sẽ giảm được 50% tiền giống. Như vậy sẽ giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào, tạo cơ sở nâng cao lợi nhuận trong chăn nuôi lợn thịt; đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn cung lợn giống ngoài thị trường và hạn chế tối đa việc lây nhiễm các loại dịch bệnh động vật trong quá trình vận chuyển từ nơi khác về, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ thực tế trên cho thấy thời gian tới, các huyện, thành phố cần tiếp tục nỗ lực duy trì phát triển đàn lợn nái để “tự cung tự cấp” con giống chất lượng phục vụ chăn nuôi của địa phương. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai chương trình hỗ trợ nguồn con giống lợn nái hậu bị, tích cực hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi tạo nguồn con giống chất lượng hướng tới bảo đảm nguồn cung con giống chất lượng cao cho phát triển chăn nuôi lợn thịt của tỉnh

Hà Nam: Giữ đà tăng trưởng và phát triển cơ cấu vật nuôi đúng định hướng

Chăn nuôi là ngành chủ lực trong nông nghiệp. Trong những năm gần đây, công tác quản lý về chăn nuôi đã được tăng cường, có hiệu quả trên các lĩnh vực: chuyển dịch cơ cấu con vật nuôi; quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản trên đất lúa; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thanh tra, kiểm tra sử dụng vật tư phục vụ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi…

Để bảo đảm cho chăn nuôi lợn phát triển bền vững trong thời gian tới, đi đôi với công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ trương của tỉnh giảm quy mô tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh, không phát triển nóng về chăn nuôi lợn, giữ ổn định trong khoảng từ 360-400 nghìn con (đến năm 2025). Đây là định hướng cần thiết trong điều kiện thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, hoạt động giết mổ, chế biến thịt lợn chưa đáp ứng được yêu cầu và áp lực ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia tăng.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản từng bước được cơ cấu lại đối tượng cá có năng suất, giá trị cao, phát triển theo định hướng: thâm canh, tăng năng suất, ứng dụng công nghệ mới. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các đề án về phát triển sản xuất các khu nuôi trồng thủy sản tập trung và Đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết.

Có thể thấy, công tác quản lý về phát triển chăn nuôi, thủy sản đang được tăng cường, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu và phát triển sản xuất nông nghiệp.

 

tang-cuong-cong-tacquan-ly-chan-nuoi-thuy-san-56-0.jpg
Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Ngô Sỹ Tùng, HTX Nuôi trồng thủy sản Mộc Nam, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên). 

 

Tuy nhiên, phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản đang phải đối mặt với những trở ngại lớn cần tăng cường quản lý để phát triển đúng định hướng. Vì rằng, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, chưa tạo được chuỗi liên kết chắc chắn; công nghiệp chế biến hỗ trợ chăn nuôi công nghiệp, tập trung chưa đáp ứng được yêu cầu; quy hoạch nông nghiệp đang có nguy cơ bị phá vỡ. Trong khi, địa phương thiếu quỹ đất để quy hoạch chăn nuôi tập trung, chưa có giải pháp để xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh và thiếu ổn định, dịch bệnh chăn nuôi ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Nhất là khi thực hiện Luật Chăn nuôi, nông dân ở nhiều địa phương sẽ không thể đầu tư vào chăn nuôi được nữa! Nhưng trên thực tế, chăn nuôi gia trại, chăn nuôi nông hộ vẫn đang là sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân, không thể chuyển đổi ngành nghề cho họ trong một sớm, một chiều.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Lĩnh vực chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đây là thách thức lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển trong 5 năm tới. Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực, luật không cho phép chăn nuôi trong khu vực nội thành phố, thị xã, thị trấn. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý về chăn nuôi nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển.

Về phía ngành, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu rà soát chỉ rõ vùng nào được phép và không được phép phát triển chăn nuôi, tăng cường phối hợp để quản lý dịch bệnh và hướng dẫn nông dân chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn… Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương về lĩnh vực này.

Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay, vì quy hoạch nông nghiệp đang bị yếu thế hơn so với quy hoạch khác. Tại hội nghị UBND tỉnh bàn về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên khẳng định: Duy Tiên đang có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi thủy sản tập trung ở xã Mộc Nam… Nhưng nếu thực hiện các quy hoạch phi nông nghiệp thì các mô hình này có nguy cơ bị xóa sổ, nhất là mô hình về chăn nuôi bò sữa ở xã Trác Văn. Điều này rất đáng tiếc vì không dễ dàng có thể xây dựng được thương hiệu Sữa Mục Đồng như hiện nay. Ông Ngô Văn Liên cho rằng, cần có giải pháp tạo sự ổn định về quy hoạch cho nông nghiệp phát triển.

Chủ trương chuyển đổi đất lúa ở các vùng quy hoạch sang nuôi trồng thủy sản đang được các địa phương thực hiện. Song những lo ngại về sử dụng đất sai mục đích và kém hiệu quả vẫn luôn hiện hữu. Việc chuyển đổi ra sao, quản lý chuyển đổi thế nào để đạt mục tiêu phát triển cũng cần giải pháp cụ thể.

Theo ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới, đó là đẩy mạnh công tác quản lý và thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn lực về đất đai. Rà soát quy hoạch chăn nuôi tập trung và nuôi trồng thủy sản tập trung, xem xét bổ sung quy hoạch chăn nuôi phù hợp nhằm tạo điều kiện khuyến khích đầu tư theo hướng chăn nuôi tập trung. Quy hoạch chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo vùng, các xã trọng điểm quy mô lớn để tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Chăn nuôi, thủy sản vẫn là ngành chủ lực trong nông nghiệp. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản cần tăng cường quản lý để đưa chủ trương, định hướng về phát triển chăn nuôi, thủy sản đi vào thực tiễn hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian tới.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top