Sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19, hiện, các địa phương ở Yên Bái đang trên đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn lầm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Bản Khinh chuyển đổi cây trồng
Đến nay, thôn Bản Khinh (xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ) có 7 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi cây trồng. Việc chuyển đổi này đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.
Những ngày này, gia đình chị Lò Thị Thắm đang bước vào vụ thu hoạch dưa lê, dưa bở. Là một trong những hộ đầu tiên của thôn Bản Khinh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích 1.200 m2 ruộng kém hiệu quả sang trồng dưa lê, dưa bở.
Nông dân thôn Bản Khinh thu hoạch dưa bở. Ảnh: Báo Yên Bái.
Qua hơn 4 năm thực hiện, chị Thắm thấy hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt, bởi theo chị so với trồng lúa, trồng dưa lê, dưa bở không tốn nhiều công chăm sóc, tiết kiệm chi phí, giá bán ổn định và một năm có thể trồng 3 vụ, thời gian thu hoạch chỉ từ 1 - 2 tuần là xong. Vì vậy, gia đình chị có thể tranh thủ được thời gian làm thêm công việc khác.
Gia đình chị Hoàng Thị Thủy, trước năm 2019, với 2.000 m2 đất ruộng chỉ sản xuất lúa 2 vụ và cây ngô vụ đông. Từ khi được thôn tuyên truyền, vận động; gia đình chị đã chuyển sang trồng dưa hấu. Qua 2 năm trồng dưa, chị Thủy thấy trồng dưa hấu không kén đất, dễ chăm sóc, thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ kéo dài hơn 3 tháng… nên hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhờ đó, chị Thủy thoát nghèo và con cái được học hành chu đáo. Cũng lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng để nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo, vụ đông xuân năm 2019 - 2020, gia đình anh Lý Văn Lập đã chuyển đổi toàn bộ diện tích 1.200 m2 đất ruộng sang trồng ớt jalappeno (ớt màu xanh) và ớt Banana (màu vàng).
Đến nay, qua 7 lứa ớt đã thu hoạch, với giá bán trung bình 5.000 - 7.000 đồng/kg đã cho gia đình anh Lập thu nhập hàng trăm triệu đồng. Theo anh Lập, so với trồng lúa thì trồng ớt không tốn nhiều công chăm sóc; chi phí giống, phân bón ít, nên có lãi cao hơn.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng kém hiệu quả, bằng những loại cây con giống có chất lượng, năng suất, phù hợp với đồng đất đang được nông dân thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ thực hiện nhiều năm nay. Qua đó, giúp nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở thôn Bản Khinh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu khác; trong đó, chủ yếu là cây dưa lê, dưa hấu, dưa bở, ớt xuất khẩu…
Nhờ đó, đến nay, thôn đã có 7 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi cây trồng. Từ việc chuyển đổi này, đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân và đến nay, toàn thôn chỉ còn 17 hộ nghèo, số hộ khá, giàu chiếm hơn 30%…
Có thể thấy, những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Bản Khinh là rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã Thanh Lương đạt xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Mù Cang Chải chú trọng phát triển vùng nếp Tan
Cùng với đưa một số giống lúa mới như Séng cù, ST24, ST25 vào trồng tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Nậm Có (Mù Cang Chải) đã tập trung phát triển vùng trồng giống nếp Tan ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có theo hướng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.
Một gia đình ở xã Cao Phạ làm cốm nếp Tan. Ảnh: Báo Yên Bái
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với 3 yếu tố chủ đạo là: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Trong đó, về sản xuất lúa nước, cùng với đưa một số giống lúa mới như Séng cù, ST24, ST25 vào trồng tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã tập trung phát triển vùng trồng giống nếp Tan ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có theo hướng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.
Cao Phạ là xã có địa hình rộng, đông dân cư, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích ruộng nước hiện có là 320 ha. Trong đó, ngoài tập trung gieo cấy các loại giống lúa lai năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn như Nhị ưu 838, LC25, LC 270, Việt lai 20 để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước phù hợp cho phát triển giống lúa thuần địa phương chất lượng cao, đặc biệt là giống nếp Tan, xã Cao Phạ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng các chân ruộng đất pha cát gần suối, chủ động được nguồn nước tưới nhân rộng diện tích sản xuất nếp Tan cho giá trị kinh tế cao.
Ông Giàng A Thênh, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết: Cũng nhờ giá trị kinh tế cao, ngoài bán lúa gạo già thì vài năm gần đây, việc bán lúa non cho các thương lái mua về giã cốm ở xã Tú Lệ (Văn Chấn) cũng rất thuận lợi mà cho thu nhập cao nên nhân dân đều chủ động cân đối phần đất trồng lúa tẻ đủ ăn trong gia đình, còn lại chuyển sang gieo cấy nếp Tan làm hàng hoá.
Riêng mùa vụ năm 2021, toàn xã gieo cấy khoảng 100 ha lúa nếp Tan, người dân trồng theo hướng tự phát, sản lượng đạt trên 500 tấn. Năm 2022, xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân trồng theo vùng, khu vực đã được quy hoạch để thuận lợi trong quản lý với tổng diện tích trên 100 ha...
Cùng với Cao Phạ, xã Nậm Có cũng là địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng về thời tiết, khí hậu và nguồn nước nên mỗi năm nhân dân địa phương này gieo trồng hàng trăm héc-ta lúa nếp Tan. Ngoài sử dụng, người dân Nậm Có còn xuất ra thị trường hàng trăm tấn thóc mỗi năm.
Ông Chang A Chinh, cán bộ Địa chính - Kinh tế - Xây dựng và Môi trường xã Nậm Có cho biết: Theo diện tích xã thống kê, quản lý được là 150 ha, nhưng diện tích gieo trồng thực tế trong nhân dân cao hơn. Vì, Nậm Có là địa phương có diện tích ruộng nước nhiều, đông dân mà việc sản xuất của nhân dân từ trước đến nay chủ yếu vẫn theo nhu cầu tự phát của gia đình là chính, chưa có đăng ký cụ thể.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo về mở rộng diện tích gieo cấy cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh, chăm bón, để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các địa phương quan tâm khâu đầu ra cũng như xây dựng thương hiệu, tạo uy tín về chất lượng hàng hoá trên thị trường.
Theo đó, năm 2021, xã Cao Phạ đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Khau Phạ do ông Lò Văn Thuận ở bản Lìm Thái, làm Giám đốc. Theo ông Lò Văn Thuận - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Khau Phạ: Trước mắt, HTX đã liên kết với 2 chi hội nông dân gồm 60 thành viên trong xã để cùng gieo cấy giống lúa nếp Tan với tổng diện tích trên 14 ha, tổng sản lượng trên 71 tấn/năm. Ngoài ra, trong niên vụ năm 2021, HTX cũng đã thu mua được trên 20 tấn thóc của các hộ dân không tham gia HTX nhưng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng giống, chế độ chăm sóc, thu hoạch, sơ chế.
Hiện nay, HTX đang thu mua của người dân với giá dao động từ khoảng 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg thóc. HTX áp dụng nghiêm ngặt quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nên chất lượng thóc, gạo nếp Tan của HTX luôn đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp và đã được nhiều cửa hàng kinh doanh gạo đặc sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái lựa chọn, đặt hàng.
Đi đôi với mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở các xã, thị trấn, đặc biệt là thực hiện mục tiêu canh tác 250 ha lúa nếp Tan tại xã Nậm Có và Cao Phạ, phấn đấu đạt tổng sản lượng dự tính trên 1.000 tấn, huyện Mù Cang Chải đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 560 tỷ đồng.
Báo Đáp phát huy thế mạnh
Cùng với cây lúa, chăn nuôi, trồng gỗ nguyên liệu, quế, những năm qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên còn phát huy nhiều thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; trong đó, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây dược liệu, ươm quế giống, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang được người dân tích cực áp dụng.
Lãnh đạo xã Báo Đáp kiểm tra việc chăm sóc, thu hái dâu ở thôn Đồng Sâm. Ảnh: Báo Yên Bái
Với hơn 7.000 m2 dâu nuôi tằm, hàng năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thân ở thôn Đồng Sâm thu về trên 1,5 tấn kén và thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ông Thân, nhiều hộ cùng thôn như: bà Trần Thị Nga, ông Trần Văn Toản, Trần Trường Giang, Nguyễn Văn Tuấn… cũng là những điển hình phát triển kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Xã Báo Đáp hiện có trên 300 hộ trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích dâu trên 135 ha, tập trung nhiều ở các thôn: Đồng Sâm, Đồng Danh, Đồng Ghềnh, Đồng Bưởi. Xã cũng đã thành lập được 5 hợp tác xã với 25 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm và năm 2021, nhân dân nuôi được trên 300 vòng tằm, sản lượng kén trên 209 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 25 tỷ đồng.
Cùng với trồng dâu nuôi tằm, từ năm 2020, nhiều hộ trong xã đưa cây lá khôi (khôi nhung) vào trồng và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Bá Lũy ở thôn Đồng Bưởi cho biết: "Năm 2021, gia đình tôi trồng hơn 1 ha khôi nhung. Cây khôi nhung dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đồi rừng lại cho thu hoạch sớm, giá trị đạt hơn 200 triệu đồng/ha”. Từ một hộ trồng, đến nay, xã có nhiều hộ trồng loại cây này với tổng diện tích trên 10 ha. Theo lãnh đạo xã, thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng diện tích trồng khôi nhung, bởi đây là loại cây đã, đang trở thành cây trồng hàng hóa giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Ngoài trồng dâu, nuôi tằm, trồng cây khôi nhung, xã còn thành công trong việc tuyên truyền, chỉ đạo người dân phát triển nghề ươm quế giống. Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đối với diện tích đất đồi và đất vườn tạp, chúng tôi vận động người dân chủ động cải tạo để làm vườn ươm. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây, con; trong đó, có kỹ thuật về trồng, chăm sóc quế giống nên số lượng người dân tham gia làm vườn ươm quế ngày càng nhiều”.
Nhờ chất lượng cây quế giống đảm bảo, nên đến nay, Báo Đáp trở thành địa chỉ tin cậy không những cho khách hàng trong tỉnh mà còn vươn đến các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An... Đến nay, xã có hơn 200 hộ làm nghề ươm quế giống với tổng diện tích 70 ha, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 60 triệu đồng/sào/năm.
Ông Vi Việt Trung - Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp cho biết: để đạt được những kết quả trên, những năm qua, xã tập trung chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế. Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi giá trị theo hướng toàn diện, bền vững, có chất lượng, an toàn và hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và tiếp tục thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất như: sản phẩm kén tằm, ươm giống cây lâm nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Công ty Dâu tằm tơ miền Bắc xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn xã nhằm giải quyết việc làm tại chỗ; tiếp tục vận động nhân dân trồng dâu nuôi tằm trong vùng quy hoạch, chăm sóc tốt diện tích dâu hiện có, nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng.
Với các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh, phát huy thế mạnh địa phương, đời sống nhân dân xã Báo Đáp không ngừng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%; an ninh chính trị được giữ vững… Đó là tiền đề quan trọng để Báo Đáp thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm 2020 - 2025 đề ra; trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
HTX phát huy vai trò “trụ đỡ” cho kinh tế hộ
Từ khi hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX đã phát huy hiệu quả trong việc đổi thay nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết "4 nhà”, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, phát huy vai trò “trụ đỡ” cho kinh tế hộ.
Các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông, lâm nghiệp Lâm Giang thu hoạch củ cải trắng. Ảnh: Báo Yên Bái.
Được thành lập cuối năm 2020, với ngành nghề chính là trồng củ cải trắng và nuôi ong lấy mật, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, HTX Sản xuất kinh doanh (SXKD) dịch vụ nông - lâm nghiệp Lâm Giang (viết tắt là HTX Lâm Giang) đã khẳng định được vai trò "trụ đỡ” cho các thành viên. Hiện nay, HTX có 15 thành viên, với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trương Công Thức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX cho biết: "Hiện, HTX có 10 sào đất để trồng giống rau củ cải Hàn Quốc. Theo tính toán, một sào thu được 2,5 tấn củ cải với giá trung bình 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí HTX thu về 5,5 triệu đồng. Như vậy, với 10 sào củ cải HTX có lãi 55 triệu đồng/vụ; tổng cộng 4 vụ/năm, mỗi năm lãi 220 triệu đồng”.
Hiện, toàn bộ sản phẩm củ cải trắng sau thu hoạch của HTX đã được Cơ sở rau củ quả Đức Thủy, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội bao tiêu.
Cùng đó, HTX tận dụng diện tích rừng tự nhiên và 28 ha nhãn trên địa bàn xã để đầu tư nuôi ong lấy mật và ong giống. Mỗi năm thu nhập từ nuôi ong lấy mật và ong giống sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi là 480 triệu đồng. Mô hình trồng củ cải trắng và nuôi ong lấy mật của HTX Lâm Giang đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, khơi dậy tính tự chủ, liên kết làm kinh tế của các thành viên.
Tại huyện Trấn Yên, HTX Cây ăn quả Hưng Thịnh chính thức được thành lập, đi vào hoạt động với 12 thành viên. Các thành viên đã liên kết với nhau sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 36 ha; trong đó, có 15 ha bưởi Diễn, 5 ha chanh và 16 ha quýt Đường canh. HTX hiện có 2 sản phẩm là quýt Đường canh, bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
Bình quân mỗi năm HTX thu trên 300 tấn quả các loại, thu nhập trung bình của mỗi thành viên ước đạt trên 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, HTX có hướng phát triển thêm thành viên và đưa toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX cũng như một số hộ lân cận trồng theo quy trình VietGAP để giữ vững uy tín trên thị trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 5.640 tổ hợp tác và trên 580 HTX; trong đó, có tới trên 350 HTX nông - lâm nghiệp thủy sản, chiếm 60,3% tổng số HTX, tăng 15,8% so với năm 2020. Tổng số thành viên gần 8.500 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 5.200 người, doanh thu bình quân của HTX khoảng 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân đạt khoảng 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân đạt 4,5 - 5,0 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế cho thấy, từ khi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã phát huy hiệu quả trong việc đổi thay nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết "4 nhà”, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định.
Nhiều HTX đã chủ động tổ chức tốt các hoạt động SXKD. Toàn tỉnh có trên 50% các HTX trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp hoạt động hiệu quả do nắm bắt được thị trường và lợi thế địa phương để tổ chức SXKD, chủ yếu là các HTX trồng và chế biến nông lâm sản.
Các HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, trang bị máy móc, đào tạo kỹ thuật chế biến và bao tiêu sản phẩm cho HTX. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài, tiêu biểu như sản phẩm chè của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn; HTX chè Tân Hương, huyện Yên Bình; sản phẩm măng tre Bát độ của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên; sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Công Tâm, huyện Văn Yên...
Có thể khẳng định, các HTX đang là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết nhiều hạn chế của kinh tế hộ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương.
Đặc biệt, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các HTX, tổ hợp tác đang là những nhân tố tích cực nhất tại mỗi địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: "Nhiều HTX nông lâm nghiệp đã làm tốt vai trò trụ đỡ trong liên kết tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên. Từ đó, thúc đẩy hình thành các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn và có sức lan tỏa, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Nghị quyết 11: “Cú hích” phục hồi kinh tế - xã hội
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái tập trung giải ngân nhằm kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn phục hồi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, đã tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), đảm bảo an sinh xã hội, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Đây được coi là giải pháp căn cơ của Chính phủ nhằm lấy lại đà tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề lao động việc làm và những vấn đề xã hội khác, đưa kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái giải ngân nguồn vốn vay theo Nghị quyết 11/CP tại xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành, Chi nhánh đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát nhu cầu vốn trong nhân dân, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đồng thời, đơn vị triển khai cho các phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa và các quy định của Chương trình để người dân nắm bắt, đăng ký; các khu dân cư tổ chức bình xét đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng”.
Theo NHCSXH Chi nhánh tỉnh, tổng nhu cầu vốn trong 2 năm 2022 - 2023 của Chương trình là 611 tỷ đồng, đã được giao kế hoạch vốn đợt 1 năm 2022 là 65,6 tỷ đồng; trong đó, Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 40 tỷ đồng; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập 15 tỷ đồng; Chương trình nhà ở xã hội 10 tỷ đồng; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 600 triệu đồng.
Ngay sau khi được phân bổ vốn, Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc tổ chức các phiên giao dịch bổ sung để giải ngân kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Được vay 80 triệu đồng từ gói hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP, chị Trần Kim Thoa, thôn Thanh Lương, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Trước đây, tôi có mở cửa hàng tạp hóa nhưng do thiếu vốn nên chỉ buôn bán vài mặt hàng lặt vặt. Nay, nhận được tiền, tôi có điều kiện để mở rộng phương án kinh doanh, đầu tư thêm đồ điện, nước, nhập nhiều mặt hàng hơn để phục vụ người dân, góp phần nâng cao thu nhập. Gói vay này thật sự là đòn bẩy tiếp sức người lao động”.
Chị Lương Thị Thu Hằng, thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết: "Nhà tôi có 2 cháu đang học tiểu học. Thời điểm học trực tuyến, nhà chỉ có 1 chiếc điện thoại thông minh nên rất bất tiện. Hai vợ chồng tôi định mua cho con thêm cái máy vi tính, nhưng ngặt nỗi kinh tế khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được. Nhận được tiền vay, tôi sẽ mua máy tính để các cháu có điều kiện học tốt hơn”.
Thời gian tới, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể làm ủy thác, các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng ưu đãi theo nghị quyết 11/NQ-CP. Chủ động trình UBND cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi khác theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của NHCSXH Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tổ chức giám sát, nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
"Đến ngày 17/5, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã giải ngân trên 35 tỷ đồng cho 1.214 hộ vay vốn theo Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ; trong đó, giải ngân cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 475 lao động với số tiền trên 27,2 tỷ đồng; cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập cho 532 hộ với 737 HSSV với số tiền 7,367 tỷ đồng; cho vay chương trình nhà ở xã hội cho 2 hộ dân với số tiền 400 triệu đồng”. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…