Hôm nay (11/4), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai tổ chức Hội nghị bàn giải pháp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối, dứa bền vững, trước thực trạng hàng nghìn tấn dứa có nguy cơ phải “giải cứu”.
Hình thành vùng hàng hóa lớn
Dứa, chuối là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao đã gắn bó nhiều năm với người nông dân Lào Cai. Bắt đầu từ năm 1994 đến nay, ban đầu với diện tích nhỏ lẻ tại khu vực Na Lốc, Cốc Phương xã Bản Lầu huyện Mường Khương, sau đó lan rộng ra nhiều vùng thuộc 3 huyện Mường Khương, Bát Xát và Bảo Thắng.
Đến nay, tổng diện tích chuối, dứa trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.150ha, trong đó, có 3.107ha chuối với sản lượng 58.980 tấn và 1.180ha dứa sản lượng 25.300 tấn quả tươi tập trung chủ yếu tại 3 xã này.
Thị trường tiêu thụ của hai mặt hàng này 90% là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ các đường mòn lối mở qua biên giới. Khi chuối, dứa đến thời điểm thu hoạch, các tư thương Trung Quốc sang từng hộ dân kiểm tra vườn, đánh giá chất lượng, định giá sản phẩm và ngày thu hoạch, chủ vườn sản xuất chuối tự tổ chức thu hoạch và vận chuyển đến biên giới. Còn lại, là các thương lái trong nước đưa xe lên để trực tiếp thu mua, giá cả được thống nhất theo ngày thu mua.
Tuy đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn nhưng việc phát triển diện tích trồng chuối, dứa một cách ồ ạt, do nhân dân tự phát hoặc do nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường Trung Quốc và các hộ gia đình mua bán cá thể theo hình thức giữ chữ tín, không thông qua hợp đồng kinh tế đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm thiếu bền vững, lệ thuộc quá lớn vào các tiểu thương Trung Quốc nên tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra.
Có những thời điểm, giá dứa bán cao nhất khoảng 8.000đ/kg, chuối 16.000 đ/kg. Tuy nhiên, hiện nay giá dứa rơi vào khoảng 1.500đ-2.000đ/kg; chuối 6.000đ-8.000 đ/kg khiến người nông dân đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Năm 2019, với chính sách biên mậu của Trung Quốc, các sản phẩm chuối,dứa muốn xuất sang nước bạn phải có đầy đủ nhãn, mác, nguồn gốc xuất xứ… sẽ càng khó khăn hơn cho người nông dân.
Quy hoạch vùng sản xuất và nâng cao chất lượng
Đối với sản phẩm chuối quả hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn và đầu tư vào sản xuất như: Công ty TNHH Hoàng Lan (TP Lào Cai) sản xuất chuyên canh chuối 350ha từ năm 2011 đến nay; Công ty TNHH Hoàng Bằng (huyện Bát Xát), liên kết các hộ nông dân trên 600ha chuyên canh chuối, ngoài việc trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn xuất khẩu sang Nga và các tỉnh đồng bằng sông hồng. Công ty TNHH MTV xây dựng Phúc Yên (TP Lào Cai) sản xuất 15ha chuối được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP năm 2018.
Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thu mua, chế biến sản phẩm dứa vấp phải không ít khó khăn. Bà Vũ Tuyết Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ngọc chia sẻ: “Năm 2018, công ty tôi bắt đầu thu mua dứa tươi tại xã Cốc Lỳ (Mường Khương) để làm sản phẩm dứa sấy dẻo. Trong quá trình đi sang nước ngoài tôi thấy các nước như Trung Quốc, Bangladesh… rất ưa chuộng dứa. Tuy nhiên, sản phẩm dứa quả tại Lào Cai lại không phải giống dứa mà có thể xuất quả tươi đi được bởi giống này ăn nhiều sẽ bị rát lưỡi, vỏ lại mềm nên khi vận chuyển đi xa dễ bị dập, hiện tại tôi vận chuyển 1 tấn dứa vào Nha Trang dập khoảng 200-300kg. Vì vậy, chế biến thành sản phẩm dứa sấy dẻo là tối ưu.
Khi thu mua công ty chúng tôi yêu cầu nhật ký canh tác của bà con để xem có sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép không, sau đó mang quả đi kiểm nghiệm tất cả các chỉ tiêu như: thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng…chi phí rất tốn kém. Hiện chúng tôi chưa có cơ sở chế biến tại chỗ mà phải thuê cơ sở tại Nha Trang để có thể cho ra sản phẩm dứa sấy dẻo, mận, mơ… chi phí vận chuyển cao nên giá thành cũng đội lên rất nhiều.
Sắp tới chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu để xây dựng nhà máy sản xuất dứa đông lạnh và dứa đóng hộp ngay tại địa bàn. Vì vậy, chúng tôi rất cần một vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất theo tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, cũng rất mong muốn có được cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tại Lào Cai, tránh phát sinh nhiều chi phí tốn kém và không phải chờ đợi kết quả quá lâu đảm bảo việc xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn có được vùng nguyên liệu giống dứa MD2 quả to, chất lượng hơn hẳn các giống dứa tại địa phương, đang được các nước đặc biệt ưa chuộng”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai, việc qui hoạch lại vùng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm là hết sức quan trọng để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất. Ông cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát điều chỉnh qui hoạch vùng trồng chuối, dứa trọng điểm khoảng 2.000 ha. Trong đó, sẽ đưa thêm một số giống mới vào canh tác, áp dụng qui trình sản xuất đúng tiêu chuẩn hướng tới sản phẩm được chứng nhận an toàn có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… nhằm đưa sản phẩm dứa quả của Lào Cai vào danh mục các mặt hàng chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp Việt Nam vào chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… để vùng trồng dứa thực sự phát huy được thế mạnh hàng hóa. Còn lại, sẽ vận động bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp với phương thức canh tác, có thị trường ổn định”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…