Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trồng mắc ca, nhưng Đắk Nông có may mắn đã tiếp cận được bạn hàng xuất khẩu sang châu Âu. Song, hiện nay, nguồn hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đưa sản phẩm sang châu Âu
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt, bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, HTX thành lập tháng 12/2019, có 15 thành viên; người có nhiều đất nhất 15 ha, ít nhất 1 ha.
Tuy nhiên, điều không may mắn là, HTX vừa ra đời, đã đón ngay cơ bão Covid-19, vậy nên hầu như không hoạt động được. Phải đến tháng 6/2020 mới bắt đầu khởi động, kêu gọi mỗi thành viên đóng góp 10 triệu đồng/năm/người (năm nào cũng đóng như vậy cho đến khi có sản phẩm).
HTX đã dùng số tiền này để mua máy móc, thiết bị sản xuất nhỏ, ví như: máy sấy hạt mắc ca, máy tách vỏ xanh; máy chẻ hạt mắc ca. Tiếp theo, liên kết với các hộ trồng mắc ca trong vùng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đầu tư từ gốc đến ngọn theo hình thức trả chậm, ví như: nguồn giống chuẩn, chọn dòng thích hợp; cung cấp phân bón; chăm sóc cây trồng, và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Đặc biệt, về nguồn gốc phân bón, hướng dẫn bà con chuyên canh hữu cơ. Tiết kiệm nguồn phân hữu cơ tại vườn, ví như: cỏ, rác hữu cơ, vỏ mắc ca; phân chuồng từ các hộ chăn nuôi. HTX liên kết với Phòng Nông nghiệp Tuy Đức; Hội Nông dân; các nhà khoa học… để được hỗ trợ kỹ thuật và phát triển tốt hơn.
Mặt khác, còn phải học hỏi cách thu hái sản phẩm, để giữ được vitamin trong hạt nhiều hơn. Ví như: thu hái về để lâu, không chế biến ngay, hoặc, để hạt lâu dưới ánh nắng mặt trời, cũng làm hao tổn lượng vitamin đáng kể. Đặc biệt, sau khi thành công, chị Dung chia sẻ ngay cho các thành viên HTX để bà con thực hiện tại gia đình tốt hơn.
Bước tiếp theo, khi cây đã lớn, HTX liên kết với các địa phương bạn đi trước như Lâm Đồng, Đắk Lắk, để học cách chế biến hạt mác ca, tìm sản phẩm đặc trưng cho riêng mình. Khi có sản phẩm, chị Dung gửi đi thử nghiệm ở Sở Y tế Đắk Nông, và được chấp nhận ngay. Tiếp theo, chị đưa sản phẩm đi truy xuất nguồn gốc tại Hà Nội, và được người dân Thủ đô đón nhận ngày càng nhiều.
“Cuối cùng, để xuất khẩu thành công như ngày hôm nay, Long Việt còn tích cực xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, cả trong nước và quốc tế. Đó là những hội chợ xúc tiến thương mại tại Campuchia, tháng 10/2020, Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, và gần đây nhất là Sơn La.
Việc đưa hàng vào Campuchia của Long Việt rất tình cờ, đó là do Hội nông dân Tuy Đức mua sản phẩm của HTX tặng cho các bạn Campuchia, từ đó đến nay, nước bạn mua hàng của Long Việt liên tục.
Cứ như vậy, việc xuất khẩu sang châu Âu cũng khá thuận lợi, do Long Việt gửi mẫu sản phẩm sang chào hàng cho một người bạn ở châu Âu, và đã được người bạn đón nhận ngay. Nhưng, HTX chưa đáp ứng được, do đối tác yêu cầu xuất khẩu mỗi tháng 1 conteno 100 tấn” – chị Dung cho biết thêm.
Cũng như chị Dung, một thành viên khác của HTX Long Việt, anh Nguyễn Văn Nam cho biết, gia đình anh có 10 ha rẫy cà phê, trồng xen 200 cây mắc ca từ năm 1999 đến nay (cây giống do đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT cung cấp). Sau nhiều năm theo dõi, thấy cây mắc ca trồng cho quả tốt, anh đã tiếp tục trồng xen trong cà phê thêm 500 cây nữa. Hiện, anh Nam đã có 700 cây mắc ca cho thu hoạch ổn định.
Theo đó, vườn mắc ca (trồng xen cà phê) của anh Nam thu 2 vụ/năm, tổng thu cả 2 vụ đạt trên 2 tấn/năm. Song, năm nay, do mất mùa, nên chỉ đạt trên 200 triệu đồng; những năm được mùa khoảng 300 triệu đồng/năm. Đầu ra thông thoáng rộng mở, bán cho HTX Long Việt, có bao nhiêu HTX bao tiêu hết.
“Để quản lý trang trại 10 ha nói trên phải thuê thường xuyên 5 lao động, trả lương quanh năm. Bình quân 200.000 đồng/người/ngày (năm 2021); năm 2022 giá nhân công tăng 250.000 đồng/người/ngày. Thu nhập từ cà phê, mắc ca khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi ròng 600 triệu đồng/năm” – anh Nam cho biết thêm.
Cùng bà con Tuy Đức trồng mắc ca bình ổn
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Phượng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết: “Mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX Dịch vụ Long Việt đã đi đúng hướng. Giám đốc HTX năng động, sáng tạo, tổ chức sản xuất cho thành viên và người dân tốt. Hiện, Long Việt đang làm hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, HTX còn có một số khó khăn như: quy mô sản xuất còn nhỏ; nguồn vốn mở rộng liên kết đầu tư còn thấp; năng lực của Ban quản trị HTX còn hạn chế trong việc mở rộng thị trường”.
Ngoài ra, bà Phượng còn cho biết thêm, tính đến năm 2021, tổng diện tích mắc ca trồng trên đất nông nghiệp của Tuy Đức 1.380 ha, diện tích trồng trên đất lâm nghiệp và đất xâm canh trái phép 239,2ha. Quỹ đất phù hợp để đưa vào trồng mắc ca đến năm 2025, tại địa bàn 4 xã: Quảng Trực, Đăk Buk So, Quảng Tâm, Đăk Rtih.
Trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu, vườn cây ăn trái, hay kết hợp trồng măc ca xen với các loại cây ngắn ngày. Đưa mắc ca vào trồng trên đất trống, đồi núi trọc, trên diện tích đất lâm nghiệp không có rừng, theo mô hình nông lâm kết hợp. Hoặc, trồng trên diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi.
Giải pháp về cơ chế chính sách trong thời gian tới, tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông, xây dựng chính sách đặc thù về phát triển cây măc ca trên đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, ví như: hỗ trợ cây giống, khuyến nông, khuyến lâm, về tín dụng đầu tư trồng cây mắc ca.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trồng, xây dựng nhà máy chế biến mắc ca; liên kết 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) cùng tham gia sản xuất, theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Giải pháp về khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Hướng dẫn kỹ thuật, trồng, chăm sóc, thu hái và xử lý, bảo quản sản phẩm; phòng trừ sâu bệnh hại, thăm quan mô hình sản xuất trồng, chăm sóc cây mắc ca…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.