Chiều 28/12, Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2019; triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đại Thành, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thiên tai, dịch bệnh, một số mặt hàng nông sản tiếp tục phải cạnh tranh khốc liệt cả về giá và chất lượng so với một số mặt hàng nước khác...
Song được được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại và bà con nông dân nên sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 đạt mức tăng trưởng khá, duy trì năm sau cao hơn năm trước; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp ước đạt 8.419 tỷ đồng, đạt 100,4% KH, tăng 4,1% so với năm 2018.
Lĩnh vực trồng trọt tiếp tục được chuyển đổi mạnh về cơ cấu giống cây trồng, đưa các giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa. Toàn tỉnh có 772 ha cam, 73 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 702 ha chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN); 3ha lúa, 3 ha chè theo tiêu chuẩn hữu cơ (PGS); 30 ha cam, 27 ha bưởi hữu cơ chuyển đổi. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 4.196 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.
Năm 2019, chăn nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô trang trại, gia trại theo lợi thế của từng vùng, địa phương. Điển hình hiệu quả là mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt. Năm 2019, liên kết chăn nuôi 1.820 con, tiêu thụ 840 con trâu, bò; với thời gian nuôi vỗ 3 tháng, lãi bình quân 3-5 triệu đồng/con trâu, bò. Tuyên Quang hiện có 21 hợp tác xã, 275 trang trại chăn nuôi (tăng 05 HTX, 30 trang trại so với năm 2018). Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 2.747 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2018.
Về nuôi trồng thủy sản, tiếp tục duy trì, phát huy lợi thế nuôi cá hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện; tổng số lồng nuôi cá hiện có 2.081 lồng, sản lượng thủy sản đạt 8.593 tấn, tăng 7,3% so với năm 2018. Đã có một số doanh nghiệp áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; hình thành các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 đạt trên 251 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2018.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Tuyên Quang đã phát huy thế mạnh đạt mức tăng trưởng đột phá. Công nghiệp chế biến gỗ, sản lượng gỗ rừng trồng, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC cao nhất cả nước; kinh tế HTX phát triển đột phá, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi nông sản hàng hóa (năm 2019 tăng 43 HTX, 91 trang trại so với năm 2018).
Sở NN&PTNT Tuyên Quang đã quan tâm xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Năm 2019, nhiều sản phẩm đặc trưng tiếp tục được trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ lớn do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức; kết nối với Trung tâm Xúc tiến thương mại - Bộ Nông nghiệp và PTNT để trưng bày giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Triển khai thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ sản xuất tiêu chuẩn hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Năm 2019, hướng dẫn tiêu chuẩn hóa 08 sản phẩm, nâng tổng số lên 47 cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc, 23 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình, ủng hộ; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Dự kiến hết năm 2019, có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 28,7% số xã), vượt 01 xã so với mục tiêu đề ra, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh lên 14 tiêu chí/xã.
Theo ông Thành, bên cạnh những kết quả đã đạt được ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp; Nông sản hàng hóa được sản xuất theo các tiêu chuẩn được công nhận còn ít; Phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản còn chậm; Kết quả xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa thực sự bền vững; Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi vẫn còn hạn chế...
Mục tiêu trong năm 2020, Sở NN&PTNT Tuyên Quang xác định, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; phấn đấu "về đích" hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Một số chỉ tiêu chủ yếu dự kiến như: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 8.768 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2019. Sản lượng lương thực đạt trên 34,4 vạn tấn.
Tốc độ tăng đàn trâu 2,0%, đàn bò tăng 5,5%, đàn lợn tăng 6%, đàn gia cầm tăng 7,4% so với năm 2019; sản lượng thịt hơi các loại 77.200 tấn; sản lượng sữa tươi 24.000 tấn. Sản lượng thủy sản 8.729 tấn, tăng 4,8% so với năm 2019.
Trồng rừng 10.350 ha, trong đó trồng rừng tập trung 10.000 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 880.000 m; làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 60%. Duy trì, giữ vững 37 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.