Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 12:29

Nghị quyết 18-NQ/TW: Đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Nhiều chuyên gia cho rằng, những nội dung trong Nghị quyết sẽ góp phần khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.

Tạo sức bật

Mười năm trước, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chưa giải quyết được triệt để những vấn đề nảy sinh trước đó. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục, từ chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.

Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng, Nhà nước.

 

01.jpg
Việc bảo đảm được hài hoà lợi ích của của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực.

 

Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 được xây dựng trên cơ sở tổng kết gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012, đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn.

Trong đó, đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025, phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. 

Một số vấn đề vướng mắc khác mà Nghị quyết 19 chưa đưa ra giải pháp hiệu quả thì Nghị quyết 18 đã bám rất sát vào thực tế để định hướng như: Bỏ khung giá đất, đánh thuế người có nhiều nhà, đất… Đặc biệt, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nghị quyết 18 đưa ra yêu cầu cụ thể: “quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Tạo căn cứ áp đúng giá chuyển nhượng thực tế

Chia sẻ về Nghị quyết quan trọng này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 18 là ở nội dung yêu cầu: Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên.

Qua quan sát thực tiễn, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, giá đất trong khung/bảng giá đất có khoảng cách rất xa với giá đất trên thị trường, đặc biệt ở những đô thị phát triển sôi động. Đây là nguyên nhân chính gây tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước từ thuế sử dụng đất, phí và lệ phí, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng như từ tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; người dân chịu thiệt khi bị thu hồi đất…

Bởi vậy, việc cho phép các tỉnh, thành được ban hành bảng giá đất địa phương không bị khống chế bởi khung giá của Chính phủ không chỉ giúp giá đất tiến sát giá thị trường, mà còn tạo căn cứ kê khai và áp đúng giá chuyển nhượng thực tế quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách từ hoạt động quản lý đất đai, đẩy nhanh tiến trình hợp thức hóa các giấy tờ nhà đất và công tác bồi thường, thu hồi đất, triển khai các dự án trong nền kinh tế.

Khắc phục tình trạng đất “hai giá”, khiếu kiện sẽ giảm

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, về Nghị quyết 18, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, chính sách đất đai có nhiều vấn đề mới. Trung ương tin rằng, nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra chuyển biến tích cực. Dẫn ví dụ vấn đề bỏ khung giá đất như quy định hiện nay, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, sẽ khắc phục tình trạng đất “hai giá” trong thời gian qua.

“Khi làm nghĩa vụ với Nhà nước thì người dân muốn giá đất rẻ để nộp tiền thuế ít. Khi đền bù thu hồi đất thì muốn có giá trị cao để được hưởng lợi. Cho nên đấu giá thì một giá khác, giao đất một giá khác. Đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, cán bộ bị kỷ luật liên quan đến đất đai”, ông Thưởng nêu.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu Nhà nước đảm bảo nguồn lực quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và các phân khu, lĩnh vực, các ngành sử dụng đất.

“Khi chúng ta mời doanh nghiệp tài trợ các phân khu, lĩnh vực sử dụng đất thì chắc chắn sẽ tạo ra sự tiếp cận đất đai không công bằng. Khi doanh nghiệp tài trợ phân khu sử dụng đất thì trung tâm thương mại, công viên cây xanh ít đi, công trình công cộng ít đi”, ông Thưởng nêu.

Ngoài ra, Nghị quyết 18 cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện cơ chế thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân với doanh nghiệp để xây dựng khu đô thị và nhà ở thương mại.

“Thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì về lý giải kiểu gì cũng để phát triển kinh tế - xã hội, rồi ở dưới cứ mạnh dạn thu hồi, cuối cùng dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Lần này đã nói rõ, trong quá trình thể chế hóa nếu tường minh sẽ giải quyết được nhiều vấn đề”, ông Thưởng nói và nhấn mạnh, nếu làm tốt nội dung Nghị quyết 18 thì khiếu kiện, khiếu nại của người dân về vấn đề đất đai sẽ giảm. Cán bộ bị xử lý liên quan đất đai cũng sẽ giảm.

Tác động tích cực tới kinh tế - xã hội

Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Nghị quyết 18-NQ/TW, các định hướng mới về quản lý và sử dụng đất được đưa ra trong Nghị quyết sẽ có những tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. 

Cụ thể, đối với người dân, nhất là nông dân, quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm hơn và việc sử dụng đất được linh hoạt hơn, qua đó làm tăng hiệu quả của sử dụng đất dưới tác động của các chính sách như hạn mức và đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được mở rộng hơn; người dân được phép linh hoạt hơn trong chuyển đổi cơ cấu, cây trồng và vật nuôi; cải cách thủ tục hành chính về đất đai được đẩy mạnh; cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại tiếp tục được thực hiện.

Đối với nhà đầu tư, các nhà đầu tư sẽ chủ động hơn trong sản xuất và kinh doanh do biết rõ các trường hợp cần đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; có thể trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tiếp cận đất đai linh hoạt hơn dưới tác động của chính sách mở rộng hạn mức và đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thị trường cho thuê đất nông nghiệp được phát triển.

Đối với Nhà nước, sẽ tăng được nguồn thu ngân sách do thực hiện chính sách thu hồi đất vùng phụ cận, đấu giá đất; áp dụng chính sách thuế mới về đất đai; tăng nguồn thu từ các doanh nghiệp do các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn. Chi phí của ngân sách Nhà nước sẽ được tiết kiệm khi thực hiện định hướng phát triển và chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thông qua phương thức góp đất và điều chỉnh lại đất đai.

Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, công tác thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng của Nghị quyết sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm cho Nhà nước có đầy đủ công cụ để thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu, chủ thể sử dụng đất; hạn chế được tiêu cực, lạm dụng khi Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí cho việc lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

 

1sss.jpg
Một góc KCN Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trên tổng diện tích quy hoạch hơn 400ha do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ (Hà Nội) đầu tư. Ảnh: Danh Lam.

 

Tạo động lực cho phát triển

Tại Hội nghị Toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất xuất phát từ 3 lý do chủ yếu: Yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển; căn cứ chính trị; căn cứ thực tiễn.

Về yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển, Thủ tướng nêu: “Thực tiễn cho thấy, nếu các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì mang lại hiệu quả rất lớn và ngược lại. Mặc dù vậy, các chủ trương, chính sách dù hoàn thiện tới đâu cũng không thể bao phủ hết các góc cạnh của cuộc sống, mặt khác, quá trình phát triển nói chung và việc quản lý, sử dụng đất nói riêng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố và luôn thay đổi. Do đó, chúng ta bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết gần đây đều đặt ra các yêu cầu: Hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai là đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Thực tiễn, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đều được xây dựng trên cơ sở định hướng chính trị của Đảng.

 

Lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo chất lượng xây dựng Luật Đất đai

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 232/TB-VPCP ngày 5/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Thông báo, Ban chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian ngắn đã kịp thời hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan; bảo đảm tính kế thừa, phát triển, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Ban chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bám sát chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ (Thông báo số 952-TB/BCSĐCP ngày 20/7/2022).

Phó Thủ tướng lưu ý, về chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm: Dự thảo Luật quy định về “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm” được chuyển nhượng, thế chấp là phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần có đánh giá tác động, rà soát chặt chẽ các điều kiện thực hiện để vừa tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch trên thị trường, nhưng cũng tránh bị lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Top