Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 11 năm 2021 | 15:33

Nhiều địa phương miền Trung tổ chức cho học sinh đi học trở lại

Nhiều địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, nên đã tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau một thời gian dài nghỉ học. Sở GD&ĐT các tỉnh thành đã linh hoạt trong việc tổ chức dạy học cho học sinh, vừa đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch.

Thành phố Vinh cho học sinh khối lớp 9, 10 và 11 trở lại trường
 
Sau gần 3 tháng học trực tuyến, ngày 22/11 vừa qua thành phố Vimh đã quyết định cho học sinh từ lớp 9 đến 11 quay trở lại trường để học trực tiếp.
 
học-sinh-vinh.jpg
Thành phố Vinh đã cho học sinh đi học trở lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn chủ động xây dựng các phương án chia khối lớp học buổi sáng và buổi chiều một cách hợp lý. Đồng thời tăng cường công tác quản lý học sinh, không để các em tụ tập đông người để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Riêng những học sinh đang thuộc diện cách ly y tế tập trung hoặc đang sinh sống, cư trú trong vùng có dịch nhà trường có các giải pháp tổ chức dạy học trực tuyến cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh về việc dừng cách ly.
 
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, trước khi có quyết định học sinh lớp 9 đi học trở lại UBND thành phố cũng đã có văn bản hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các phường, xã và các trường học triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn phòng học khi học sinh đến trường.
 
Nhiều mô hình dạy học an toàn ở Nghệ An
 
Trong thời gian dịch bệnh có những diễn biến khá phức tạp, nhưng nhiều trường học ở những địa bàn an toàn trên tỉnh Nghệ An, được phép cho học sinh đến trường đã có những mô hình an toàn trong dạy học, vừa đảm bảo được công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo đúng chương trình năm học.
 
mô-hình-bong-bóng.jpg
"mô hình bong bóng" ở thị xã Cửa lò, học sinh được phân luồng từ cổng trường vào đến lớp học.

 

14h chiều, học sinh khối 1 và khối 2 ở Trường Tiểu học Nghi Thu – thị xã Cửa Lò sẽ bắt đầu bước vào tiết 1. Nhưng khoảng 13h15, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận hỗ trợ nhà trường như tổ dân quân, đoàn thanh niên, nhân viên y tế… đã đến trường để chuẩn bị làm nhiệm vụ.
 
Từ ngoài cổng trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã được hướng dẫn dừng xe để đưa đón con theo từng khu vực cụ thể đã được quy định. Trước khi vào cổng trường, học sinh được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn.
 
Từ cổng chính, các em cũng sẽ được phân luồng theo lối đi riêng để vào từng lớp học. Quy trình từ nhà vào lớp học gần như khép kín và hạn chế ít nhất tiếp xúc giữa phụ huynh và phụ huynh; giữa giáo viên và học sinh các lớp.
 
phụ-huynh-phân-luồng-từ-ngoài.jpg
Phụ huynh khi đưa đón con cũng được phân luồng

 

Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò cho biết: Hiện, tại thị xã Cửa Lò đang áp dụng "Mô hình bong bóng", đây là một mô hình đã được áp dụng ở nhiều trường học ở nước ngoài và chúng ta có thể hiểu đơn giản là các em học sinh  duy trì tất cả các hoạt động theo nhóm lớp từ nhà đến trường và từ trường đến nhà.
 
Các hoạt động sau giờ học sẽ được duy trì trong lớp, kể cả giờ ra chơi. Giáo viên thời gian chuyển tiếp cũng hạn chế lên văn phòng để tránh tiếp xúc… Phụ huynh không vào trong trường khi đưa đón con. Cách phòng dịch này sẽ hạn chế phần nào nguy cơ lây lan dịch bệnh.
 
Nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, giữ mục tiêu chất lượng giáo dục
 
Năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt khi toàn ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19. Trong khó khăn, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học, đảm bảo an toàn và kiên trì mục tiêu giữ vững chất lượng.
 
Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp những nội dung trọng tâm, cốt lõi các môn học, hoạt động giáo dục; vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng chương trình, nội dung dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT; khai thác và vận dụng hiệu quả các học liệu, tư liệu để giúp học sinh (HS) nâng cao chất lượng học tập.
 
Song song với việc linh hoạt tổ chức dạy học, ngành còn có nhiều giải pháp hỗ trợ HS ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức qua các tiết học trên chương trình “Đến lớp cùng HTTV” do Sở GD&ĐT và Đài PT-TH Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phát sóng trực tiếp 6 số/tuần vào buổi chiều với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho HS lớp 9, lớp 12.
 
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tiếp còn nhiều khó khăn, thách thức: hệ thống đường truyền internet chưa đáp ứng dung lượng, nhiều HS thiếu trang thiết bị học tập trực tuyến, chưa có đủ phần mềm bản quyền, một số giáo viên gặp khó khăn trong việc khai thác, sử dụng các phần mềm dạy học... Để giải quyết những vấn đề trên, các trường học đã chủ động kêu gọi các tổ chức và cá nhân giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị để học trực tuyến (máy tính, điện thoại, sim điện thoại…). Đến nay, đã huy động được số thiết bị trị giá khoảng 1,2 tỉ đồng và hơn 500 triệu đồng tiền mặt tiến hành trao cho một số em ở các địa phương.
 
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học trong tình hình mới, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch năm học 2021-2022. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tập huấn hướng dẫn dạy trực tuyến cho 100% giáo viên dạy tiểu học, THCS; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến theo hướng nghiên cứu bài học.
 
“Tiếp sức” cho học sinh trở về từ vùng dịch
 
Sau nhiều ngày chờ đợi, mong ước trở lại trường của em Mai Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 9E, Trường THCS Đồng Lộc đã trở thành sự thực. Trở lại trường chậm hơn các bạn một nửa học kỳ, Thanh Huyền luôn được thầy cô giáo đồng hành, hỗ trợ.
 
hà-tĩnh.jpg
các thầy cô giáo "tiếp sức" cho các em học sinh từ vùng dịch về 
 
Huyền chia sẻ: “Những ngày này, các thầy cô giáo bộ môn tăng cường giao bài tập, tranh thủ thời gian để bổ sung kiến thức cho em. Sự quan tâm của thầy cô là động lực để em theo kịp chương trình”.
 
Được biết, Huyền “mắc kẹt” ở Vũng Tàu trong kỳ nghỉ hè, khi tranh thủ vào thăm bố mẹ. Em rất lo lắng, bởi đây là năm cuối cấp.
 
Trở về trên chuyến xe nghĩa tình từ chủ trương của tỉnh, đến nay, Nguyễn Thị Bảo Uyên - học sinh lớp 6B cũng đã gần kết thúc những ngày cách ly và theo dõi sức khỏe để trở lại trường.
 
Uyên tâm sự: “Vài ngày tới, em sẽ được đến trường, môi trường mới, thầy cô giáo mới nhưng em không bỡ ngỡ. Bởi thời gian qua, từ những giờ học trực tuyến, những buổi trao đổi bài trên nhóm Zalo, em đã quen thuộc, đã ghi nhớ từng bài giảng, từng gương mặt thầy cô”.
 
Thầy Trần Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc cho biết: “Những ngày trường trở lại dạy học trực tiếp, chúng tôi thực sự sốt ruột và thương các em đang bị “mắc kẹt” tại vùng dịch. Vì thế, đội ngũ thầy cô đã luôn quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ kiến thức trước, trong và sau khi các em trở lại trường. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã cân đối các nguồn để miễn giảm cho các em một số khoản đóng góp và hỗ trợ quần áo, sách vở khi các em có nhu cầu”.
 
Học sinh trở về từ vùng dịch đang từng bước vượt qua khó khăn để bổ sung, tiếp cận những kiến thức mới. Tấm lòng, sự trăn trở, tâm huyết của các thầy cô giáo đối những tháng ngày qua sẽ mãi là những kỷ niệm đáng nhớ, là bài học về sự chia sẻ và lan tỏa yêu thương đối với các em trong những năm tháng trên ghế nhà trường.
 
Đây chỉ là hai học sinh trở về từ vùng có dịch nhận được sự hỗ trợ “tiếp sức” của các thầy cô giáo, bảo đảm việc học tập của các em học sinh không bị gián đoạn, đồng thời cũng bảo đảm tốt được phòng chống dịch bệnh.
 
Thông tin từ các trường học trên địa bàn toàn tỉnh cho biết, sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021, Hà Tĩnh có hơn 1.600 học sinh mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố vì dịch COVID-19. Trong đó, có 462 học sinh THPT tại 38 trường THPT; 1.209 học sinh từ bậc tiểu học đến THCS thuộc địa bàn 13 huyện, thành, thị; nhiều nhất là các địa phương: Can Lộc 249 em; Lộc Hà 215 em; Hương Khê 244 em…
 
Để đảm bảo chương trình học cho các em, thời gian qua, hầu hết các trường đã tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận hình thức học trực tuyến và hướng dẫn phương pháp, giao bài tập qua các đường link, nhóm lớp đối với những môn học trực tiếp. Ngoài ra, nhiều học sinh cũng được tạo điều kiện đăng ký học trực tuyến tại địa phương bị mắc kẹt.
 
Có thể nói năm học 2021-2022 là một năm học đầy biến động, bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Học sinh các cấp học hầu như không đến được trường học trực tiếp, mà phải học bằng hình thức trực tuyến. Rất nhiều khó khăn đã nảy sinh trong học trực tuyến không chỉ cho cô giáo mà ngay cả đối với học sinh và phụ huynh học sinh cũng rất vất vả.
 
Nhưng, ngay sau khi được cho học sinh đi học trở lại, các nhà trường đã chủ động và linh hoạt trong việc đón học sinh quay trở lại trường. Nhiều trường học đã có những sáng kiến hay vừa bảo đảm được công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm cho học sinh đến được trường. Được đến trường đi học trở lại là niềm ước ao, mong mỏi của rất nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và các em.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top