Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 11 năm 2021 | 10:12

Nhiều giải pháp phát triển du lịch nông thôn vùng ĐBSCL

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nhiều lễ hội truyền thống với những ẩm thực đặc trưng, vùng ĐBSCL có nhiều điều kiện để phát triển du lịch nông thôn. Trên thực tế, vùng đất chín rồng chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng của mình.

Vùng đất nhiều tiềm năng

Đề cập về phát triển du lịch nông thôn khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) cho biết, Việt Nam là đất nước gắn với nông nghiệp. Tài nguyên thiên nhiên và đặc trưng văn hóa vùng miền đặc sắc, trù phú là những tiền đề để du lịch nông thôn phát triển, trong đó, có khu vực ĐBSCL.

ĐBSCL gắn liền với sông ngòi, kênh rạch, nhiều lễ hội truyền thống dân gian, ẩm thực Nam Bộ đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn vùng sông nước. Khi du lịch nông thôn phát triển sẽ góp phần bảo tồn bản sắc cho cộng đồng, tính độc đáo của điểm đến và đa dạng sản phẩm du lịch Việt Nam, vừa mở rộng đầu ra cho nông sản, vừa góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc thù vùng miền. Đồng thời, cũng góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân.

 

 Trước đại dịch, hoạt động du lịch ở khu vực ĐBSCL diễn ra khá sôi nổi. (Ảnh Unplash).

 

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước phát triển loại hình du lịch nông thôn. Trong tiến trình này, ngành du lịch và ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong xây dựng Đề án, lồng ghép phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp &PTNT) cho rằng, các tiêu chí trong mười thành tố để hình thành nên nền nông nghiệp sinh thái, trong đó thành tố du lịch nông thôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu các sản phẩm chỉ đơn thuần là lúa gạo, trái cây, thủy sản... thì chỉ đơn giản là lương thực, thực phẩm, nhưng nếu kết hợp cùng du lịch nông thôn, sẽ nâng tầm giá trị các sản phẩm, đi cùng với đó là giá trị văn hóa, đời sống người dân cũng được nâng cao. Từ đó, tạo điều kiện cơ hội phát triển cho các giá trị văn hóa, giá trị nông sản cho các vùng miền khác trên khắp cả nước.

Du lịch nông thôn ở ĐBSCL những năm gần đây phát triển mạnh với các điểm đến là những vườn cây ăn trái đa dạng về chủng loại, những làng hoa cây cảnh mang nét đặc trưng của nông nghiệp miền sông nước, hay những mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao kết hợp với tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nông sản.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng du lịch nông thôn ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế như: điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ đơn điệu, chất lượng sản phẩm thiếu tính liên kết; nguồn nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn về du lịch còn hạn chế; đầu tư kinh doanh du lịch chủ yếu là các hộ dân, hợp tác xã manh mún, nhỏ lẻ; tiếp cận hạ tầng khó khăn; hiệu quả khai thác chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp chưa cao.

 

 Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang (Ảnh Công Mạo).

 

Cùng với đó là những hạn chế, thách thức về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; liên kết du lịch và nông nghiệp. Dưới tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của du lịch Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng về lượng khách du lịch nội địa và quốc tế, cung ứng dịch vụ du lịch; khách sạn, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển; lao động trong ngành Du lịch bị cắt giảm, mất việc, chuyển đổi...

Trước đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch ở khu vực ĐBSCL diễn ra khá sôi nổi. Năm 2019, tổng khách nội địa trong khu vực đạt 26.132 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 12.000 tỷ đồng chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nội địa cả nước. Năm 2020, thời điểm bắt đầu diễn ra dịch bệnh, lượng khách du lịch đến các tỉnh ĐBSCL đã giảm tới 38,4% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo các chuyên gia để phát triển du lịch nông thôn khu vực ĐBSCL trong bối cảnh dịch bệnh cần tăng cường tính kết nối khu vực giữa các tỉnh vùng, cũng như giữa các nước ASEAN để phát triển du lịch nông thôn... Đồng thời, lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình phát triển du lịch nông thôn thành công của Thái Lan và Tiền Giang (Việt Nam).

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, trong chính sách chung của Nhà nước phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) sẽ phối hợp, tham gia chương trình do Bộ Nông nghiệp &PTNT chủ trì, xây dựng các chương trình du lịch dành cho vùng ĐBSCL sát với nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, qua đó góp phần hình thành những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với những sản phẩm gắn với văn hóa địa phương, sản phẩm vùng miền.

 

 Tuy nhiên, hiện du lịch nông thôn ở ĐBSCL còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của mình.

 

Theo Tổng Giám đốc Công ty Mekong Rustic & Crystal Holidays Nguyễn Ngọc Bích, giải pháp về chính sách phát triển cho du lịch nông nghiệp cần quy hoạch tổng thể để tối ưu hóa nguồn tài nguyên và phát triển du lịch; sử dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp và năng lượng sạch; sử dụng các công cụ số hóa 4.0; đổi mới cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và bền vững; xây dựng chính sách thu hút đầu tư cho mảng du lịch nông nghiệp.

Tăng cường công tác đào tạo và thay đổi nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với với phát triển nông nghiệp như sản phẩm OCOP, làng nghề, lễ hội văn hóa, hoạt động nông nghiệp, quảng bá xúc tiến hỗn hợp. Đầu tư và phát huy thế mạnh của các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp; xây dựng mạng lưới doanh nghiệp du lịch nông nghiệp; áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch nông nghiệp; xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng, trong định hướng phát triển du lịch nông thôn ĐBSCL cần quan tâm tới các nội dung như: du lịch, nông nghiệp nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, Covid-19, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch, xây dựng các trung tâm du lịch nông nghiệp, cung ứng dịch vụ chất lượng sản phẩm, du lịch an toàn, du lịch thông minh, du lịch gắn với tăng trưởng xanh, liên kết chuỗi giá trị; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phát triển trung tâm du lịch Phú Quốc - Cần Thơ - Cà Mau, xúc tiến quảng bá, đào tạo du lịch nông nghiệp, hỗ trợ, thu hút đầu tư khởi nghiệp.         

 

 Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải phát để phát triển du lịch vùng đất chín rồng.

 

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL), để phát triển du lịch nông thôn vùng ĐBSCL nói riêng, nước nước nói chung một cách bền vững cần đến sự chung tay của nhiều bên tham gia. Cùng với việc xây dựng chiến lược, chính sách, hỗ trợ tài chính của các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, nhận thức và sự hưởng ứng của cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch là hết sức cần thiết.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia đã đề cập đến các nội dung như: doanh nghiệp du lịch làm gì để phục hồi và phát triển trở lại giai đoạn hậu Covid-19; du lịch nông thôn liệu có tiềm năng cho việc đa dạng hóa thu nhập, bảo tồn văn hóa và tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Có những rủi ro và nguy cơ nào trong phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ của nhà nước đối với việc phục hồi và phát triển trở lại giai đoạn hậu Covid-19; tăng cường tính kết nối khu vực giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như giữa các nước ASEAN để phát triển du lịch nông thôn.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top