Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 2 năm 2022 | 16:22

Nhiều xe chở tôm hùm phải quay đầu tại cửa khẩu Lạng Sơn và bán với giá "giải cứu"

Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp phòng dịch và kiểm soát chất lượng hàng nên một xe hàng thông quan kéo dài 40 - 50 phút. Điều này khiến cho nhiều xe tôm hùm phải "xả" giá 550.000 - 750.000 đồng/kg loại 300 - 400g mỗi con.

Cứ nằm chờ chỉ thêm sẽ lỗ nặng
 
Tuần qua, cửa khẩu ở Lạng Sơn tiếp tục ùn ứ, đồng thời Trung Quốc thông báo kiểm tra chặt với một số mặt hàng trong đó có tôm hùm, khiến nhiều đơn vị phải đưa xe quay đầu về bán nội địa với giá rẻ.
 
"Trung Quốc cấm biên nên giá tôm hùm rớt mạnh. Bà con tranh thủ ăn nào" - chị Huệ, một tiểu thương rao liên tục trên mạng suốt 2 ngày qua.
 
Theo chị Huệ, tôm được chị nhập từ các đơn vị xuất khẩu quay đầu không xuất được sang Trung Quốc. Tôm có giá 790.000 đồng/kg loại 350 - 400g một con. Trước đó, loại này chị Huệ nhập vào từ các vựa ở Nha Trang tới 1,5 triệu đồng/kg.
tom.jpg
m hùm được một cửa hàng tại Hà Nội bán với giá rẻ để "giải cứu" giúp" các đơn vị xuất khẩu. Ảnh: Phùng Phượng.
Đã bán hàng tạ tôm hùm loại 200 - 300g một con, anh Lâm ở Hà Đông cho biết, vẫn còn 300kg tôm hùm "giải cứu" chưa bán hết. Thay vì bán giá theo kg, anh chỉ bán 150.000 - 200.000 đồng/con (tùy kích cỡ).
 
"Lâu lắm mới có đợt tôm hùm còn sống mà giá rẻ như thế này. Khi hết loại hàng này chúng tôi sẽ nhập hàng trực tiếp từ Nha Trang, khi ấy giá sẽ khác" - anh Lâm nói.
 
Đăng "giải cứu" 4 tấn tôm hùm với giá 700.000 đồng/kg, quản lý hệ thống cửa hàng hải sản tại Hà Nội cho biết, giá này rẻ hơn cả tôm sú cỡ đại. Nhờ bán với mức giá "giải cứu", hơn chục tấn tôm hùm đã được chuỗi bán hết trong 3 ngày.
 
Tương tự, chuỗi cửa hàng hải sản ở Hải Phòng cũng cho hay, rao bán hơn 4 tấn tôm hùm giá 750.000 đồng/kg trong 2 ngày được khách đặt mua tới 90%. Loại này có trọng lượng 300g, thuộc dòng tôm hùm xanh được ưa chuộng. Đây cũng là mức giá thấp nhất từ trước tới nay mà cửa hàng bán.
 
Khảo sát của phóng viên, tại các hộ kinh doanh tôm hùm cũng cho thấy, giá tôm tại vựa đang giảm nhẹ do thương lái giảm thu mua xuất khẩu. Giá tôm hùm tại vựa đang dao động 850.000 đồng - 1,4 triệu đồng/kg, giảm 15% so với tháng trước đó.
 
Đại diện doanh nghiệp có lô tôm hùm xuất sang Trung Quốc xác nhận đã cho xe quay đầu về Hà Nội sáng ngày 16/02 để bán xả cho các tiểu thương và nhà hàng với giá chỉ 550.000 - 650.000 đồng/kg.
 
"Với mức giá này, chúng tôi phải chịu thua lỗ hàng trăm triệu. Nếu nằm chờ thêm sẽ lỗ nặng. Tôm hùm khó bảo quản lâu, nên quá 1 tuần chúng sẽ chết, phát sinh nhiều chi phí". - đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nói.
 
Hải quan Lạng Sơn cũng cho biết, 2 ngày qua lượng xe hàng hóa quay đầu đã tăng hơn so với trước. Trong đó, xe trái cây và hoa quả chiếm đa số, số còn lại là thủy hải sản.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương Lạng Sơn, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 4 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, gồm Quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Tân Thanh và Chi Ma đã thông quan hàng hóa trở lại.
 
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp phòng dịch và kiểm soát chất lượng hàng nên một xe hàng thông quan kéo dài 40 - 50 phút. Năng lực thông quan tại mỗi cửa khẩu chỉ 5 - 69 xe mỗi ngày. Cửa khẩu Chi Ma là nơi có năng lực thông quan thấp nhất. Tính đến ngày 16/02, tổng lượng xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu tồn tại 2.272 xe, tăng 340 xe so với ngày trước đó.
 
Xây dựng "vùng xanh" ở khu vực cửa khẩu biên giới
 
Chiều 21/2, Tổng cục Hải quan thông tin tới báo chí về việc đang tập trung triển khai nhiều giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa ngay khi lưu thông được, kể cả ngoài giờ hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo quản hàng hóa thuận lợi, nhất là với trái cây tươi, thủy - hải sản đông lạnh.
 
Vừa qua, Cục Hải quan các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã tổ chức cuộc hội đàm “hai nước bốn bên lần thứ 7”.
lượng-phương-tiện-chở-hàng-hóa-xuất-nhập-khẩu-tại-các-cửa-khẩu-lạng-sơn-ở-mức-báo-động-đỏ.png
Lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn ở mức báo động đỏ.
Tại cuộc hội đàm này, Hải quan Trung Quốc đã nêu ra một số đề nghị với phía Việt Nam về tạo điều kiện kiểm soát dịch bệnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Đối với kiến nghị Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch, Tổng cục Hải quan cho biết hiện nay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ ngành và các tỉnh biên giới của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng "vùng xanh" ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc.
 
Do mỗi địa phương của Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng chống dịch khác nhau, nên Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế và giao cục hải quan các tỉnh biên giới nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh) ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
 
Đối với kiến nghị “phía Việt Nam sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm hóa, nâng cao hiệu suất thông quan”, Tổng cục Hải quan đã có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT trao đổi với cơ quan có liên quan của Trung Quốc để sớm ký kết hiệp định này.
 
Đối với kiến nghị “Việt Nam phân luồng hàng hóa, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng đến những cửa khẩu chưa bị ùn tắc để xuất khẩu”, Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện nay, số lượng cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc rất hạn chế (trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới nhưng trước tết chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động; sau tết chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động).
 
Nghiên cứu để xây dựng "vùng xanh" ở khu vực cửa khẩu biên giới
 
“Hiện, việc thông quan tại các cửa khẩu này cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa qua lại cửa khẩu với tình trạng nhỏ giọt do Trung Quốc áp dụng chính sách phòng chống dịch chặt chẽ và không bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp” – Tổng cục Hải quan cho biết và nêu giải pháp: Để thuận lợi cho thông quan hàng hóa của doanh nghiệp hai bên, Hải quan Việt Nam đã đề nghị Hải quan Trung Quốc xúc tiến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, nhất là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới.
 
Đối với kiến nghị Việt Nam mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu, Tổng cục Hải quan khẳng định đây là biện pháp lâu dài, các tỉnh biên giới sẽ nghiên cứu, quy hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
253b760f-34cf-4bc9-8a4b-594cdbbd2977.jpg
Tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn lại có dấu hiệu tái diễn khi lượng xe chở hàng hóa dồn về.
“Trước mắt, tình trạng ùn tắc hàng hóa đang có chiều hướng gia tăng tại các cửa khẩu biên giới”, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
 
Để xử lý dứt điểm thì cần sự phối hợp của các địa phương của phía Trung Quốc trong việc thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa; bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp; thống nhất các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch tại cửa khẩu để triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” tại các khu vực cửa khẩu biên giới.
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top