Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 2 năm 2020 | 23:0

NN ĐBSH: Xuất khẩu tiểu ngạch và nỗi lo những mùa “quả đắng”

Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn được xuất tiểu ngạch từ trước đến nay, song do tình hình dịch bệnh covid-19 các hoạt động giao thương trở nên hạn chế đã ảnh hưởng và tác động đến tình hình sản xuất và tiêu thụ của nhiều địa phương.

Hưng Yên: Lo lắng giữa mùa chuối "đắng"

Huyện Khoái Châu hiện có trên 900ha trồng chuối chủ yếu là chuối tiêu hồng và chuối tây. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện. Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nông dân trên địa bàn huyện rất lo lắng vì giá chuối liên tục giảm mạnh. Nếu như trước tết, giá chuối đạt mức khá cao, từ 9.000 - 11.000 đồng/kg thì nay giảm chỉ còn từ 2.000 - 3.500 đồng/kg, thậm chí không có người mua.

 

17result_20200227201229.jpg
Chị Phạm Thị Thủy ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu) xót xa nhìn những buồng chuối chín không có thương lái đến thu mua.

 

Xã Đại Tập có gần 500 mẫu trồng chuối, hầu như hộ nào trong xã cũng trồng. Những năm trước, thời điểm này nông dân trong xã đang thu hoạch rộ, những chuyến xe ô tô vào ra chở chuối đi tiêu thụ khắp nơi nhộn nhịp suốt đêm ngày. Thế nhưng năm nay, khung cảnh trái ngược, những buồng chuối chín vàng, nứt vỏ vẫn còn nguyên trên cây, nông dân không muốn chặt về bởi không bán được.

Chị Phạm Thị Thủy ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu), người có nhiều năm kinh nghiệm trồng chuối cho biết: Gia đình tôi trồng 6 mẫu chuối (trong đó 5,5 mẫu chuối tây, còn lại là chuối tiêu hồng). Hiện nay, diện tích chuối tây của gia đình tôi đang cho thu hoạch rộ, hàng chục tấn chuối đang bắt đầu chín nhưng không có người mua. Trước đây giá chuối ở mức cao thì thương lái tìm đến vườn mua, nay thương lái dừng thu mua khiến cho toàn bộ số chuối tới lứa của tôi đành nằm lại ở ruộng.

Không chỉ chủ vườn, các thương lái mua đi bán lại cũng điêu đứng khi giá chuối giảm. Ông Phạm Quý Hà ở thôn Chi Lăng, xã Đại Tập là một thương lái chuyên thu mua chuối của người dân địa phương để xuất bán đi Trung Quốc và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Hà cho biết: Hiện tại, giá chuối chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái do các bạn hàng phía Trung Quốc đồng loạt thông báo ngưng nhập khẩu mặt hàng này, trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố cho học sinh, sinh viên nghỉ học nên lượng chuối tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể cũng giảm mạnh. Hiện nay, tôi đang thu mua chuối cho nông dân với giá 2.000 đồng/kg chuối tiêu và 3.500 đồng/kg chuối tây. Dù giá thấp nhưng lượng mua cũng rất ít, thời điểm này năm ngoái, trung bình mỗi tháng tôi tiêu thụ cho nông dân trong xã từ 30 - 50 tấn chuối, nhưng hiện nay, số lượng giảm chỉ còn khoảng 2 tấn/tháng. Để tìm đầu ra cho chuối của bà con, tôi bỏ công và chi phí vận chuyển chuối đến các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và bán lẻ cho người dân bằng giá thu mua của nông dân nhưng lượng tiêu thụ cũng rất chậm.

Những ngày này, tại xã Hùng An, “vựa” chuối của huyện Kim Động, nhiều nông dân đang gặp khó khăn do giá chuối liên tục giảm mạnh, việc tiêu thụ diễn ra không thuận lợi.

Gia đình ông Lương Văn Lại ở xã Hùng An trồng 10 mẫu chuối các loại, trong đó có hơn 1 mẫu đang vào thời kỳ thu hoạch. Trái ngược với niềm vui bán chuối Tết vừa qua, ông Lại đang đối mặt với nỗi lo giá chuối giảm mạnh và ế ngay tại ruộng.

Theo số liệu của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hưng Yên hiện trồng khoảng 2.400ha chuối các loại, tăng 200ha so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Kim Động và Khoái Châu.

Qua tìm hiểu, các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn tỉnh trước đây được thu mua để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường chuối xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh; các lễ hội trong cả nước tạm dừng tổ chức và học sinh nghỉ học… khiến lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm theo… Giá thấp, nhưng nhiều nông dân vẫn ngóng thương lái về thu mua, mong vớt vát được tiền công.

Trước thực trạng trên, người trồng chuối trên địa bàn tỉnh đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm đầu ra ổn định lâu dài, tránh tình trạng giá chuối bấp bênh như hiện nay.

Thanh Hóa: Xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Với 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa khá đa dạng, phong phú về chủng loại. Thế nhưng, Thanh Hóa lại chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mang tính chất vùng miền.

 

178d3220752t82695l0.jpg
Bưởi Luận Văn (Thọ Xuân) là một trong 4 sản phẩm được chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương.

 

Trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh Thanh Hóa xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là yếu tố quan trọng. Do đó, những năm gần đây, các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Theo đó, các đơn vị chú trọng đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu đối với các sản phẩm, như: Ván ghép thanh, ván MDF, các sản phẩm chế biến luồng... Khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Đáng chú ý, để xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thực hiện, đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp đã xây dựng 4 chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng xuất khẩu chủ lực; chương trình hỗ trợ công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu chủ lực; chương trình cải cách hành chính và phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng chủ lực và chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng chủ lực.

Sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, khi mà tỉnh Thanh Hóa đã có 62 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; trong đó, chỉ dẫn địa lý cho 4 sản phẩm gắn với địa danh địa phương, gồm: Mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn và quế ngọc Thường Xuân. 16 sản phẩm địa phương được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Nước mắm Do Xuyên – Ba Làng, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái, rượu làng Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, bánh lá răng bừa Thọ Xuân, cam Vân Du, bưởi Thanh Đường, cam Xuân Thành, vịt Cổ Lũng... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện đã có 42 sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.

Ngoài việc xây dựng được thương hiệu, tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng được vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, với vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao đạt 151.488 ha, năng suất đạt 72 tạ/ha/vụ; ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao, với diện tích 16.000 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha/vụ; rau an toàn tập trung đạt 2.980 ha, năng suất đạt 135 tạ/ha/vụ; hoa, cây ăn quả tập trung phát triển được 5.172 ha... Trong chăn nuôi, các sản phẩm chủ lực không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, với đàn bò sữa đạt 10.120 con, bò thịt chất lượng phát triển được 70.175 con, gà lông màu 7,5 triệu con...

Những kết quả trên là động lực để các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

Hà Nội: Hướng đến nền công nghiệp chế biến hiện đại

Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn”. Đây là cơ sở quan trọng để loại bỏ tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, đưa hoạt động này vào nền nếp; đồng thời, quản lý, kiểm soát sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trước khi đưa ra thị trường... Tuy nhiên, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để lấp đầy các "khoảng trống" về quy hoạch, cơ chế, chính sách..., hướng tới phát triển một nền công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại.

 

ha-noi-dang-tich-cuc.jpg

Hà Nội đang tích cực triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Ảnh: Linh Ngọc

 

Hiện nay, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh, trong khu dân cư trên địa bàn Hà Nội vẫn rất khó kiểm soát.

Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phúc Thọ Nguyễn Hùng Cường, trước đây, cứ vào 2-5h sáng, hơn 10 lò giết mổ lợn chui ở xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) lại hoạt động tấp nập. Dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 3-4 cơ sở hoạt động trong khu dân cư.

Theo quan sát của phóng viên, dù tại chợ hay ở khu dân cư thì các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đều không bảo đảm điều kiện theo quy định. Việc giết mổ thực hiện ngay trên nền nhà, thậm chí bên miệng cống, nước thải đổ chung với hệ thống nước thải sinh hoạt, mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường...

Trong khi các hộ giết mổ nhỏ lẻ tất bật hoạt động ngày đêm thì các lò giết mổ công nghiệp, được đầu tư hàng chục tỷ đồng, với dây chuyền hiện đại chỉ hoạt động được 30-50% công suất, thậm chí phải "đắp chiếu" như cơ sở giết mổ của Công ty cổ phần Thực phẩm Foodex (huyện Đan Phượng)...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh cho biết, năm 2009 công ty xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại với công suất 600-1.000 con lợn/ca. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thịt mát và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, nên đến nay nhà máy mới hoạt động được hơn 30% công suất.

Nói về những bất cập trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán (chiếm 60%) và thiếu các cơ sở giết mổ tập trung là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giết mổ nhỏ lẻ thiếu kiểm soát. Thêm vào đó là sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý vi phạm về giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật. Các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ của khâu chế biến và chi phí giết mổ cao nên khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả...

Để giải quyết những tồn tại nói trên, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố sẽ có 8 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ. Đây là căn cứ để các địa phương đẩy nhanh tiến độ hình thành các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tạo điều kiện để các cơ sở phát triển ổn định và sẽ là cơ sở để lấp đầy các khoảng trống tồn tại bấy lâu...

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để quy hoạch sớm thành hiện thực, các huyện cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Mặt khác, thời gian tới, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; quản lý nguồn gốc sản phẩm bằng hệ thống thông tin điện tử..., phấn đấu đến cuối năm 2020, 80% sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ được kiểm soát.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, việc hình thành các cơ sở giết mổ tập trung là yêu cầu tất yếu. Chỉ khi có sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp thì việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội mới chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và hướng tới phát triển một nền công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 749 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 46 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 696 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Hiện tại, số lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố là 109.

 

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top