Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại một số nước, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
Ông Kiều Văn Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh, cho biết: Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại địa phương phát hiện, bắt giữ một số vụ nhỏ lẻ đối tượng lén lút vận chuyển lợn thịt và sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào địa phương tiêu thụ. Tuy nhiên, số lượng không lớn. Trước tình trạng trên, đặc biệt khi có chỉ đạo của cấp trên về việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu cũng như các đường mòn, lối mở để kịp thời ngăn chặn thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi nhập lậu vào Việt Nam.
Với chức năng của đơn vị, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa phương ngay từ biên giới.
Ông Bùi Văn Khắng, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh chia sẻ: Cục Hải quan Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị hải quan áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc qua biên giới. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện đúng quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, kể cả quà biếu, quà tặng là mặt hàng lợn và các sản phẩm từ lợn, không để tình trạng hàng hóa chưa qua kiểm dịch thú y nhập khẩu vào trong nước để tiêu thụ.
Thái Bình: Gần 94% đàn gia súc, gia cầm tại thành phố được tiêm vắc xin
Để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và tránh gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, thành phố Thái Bình đã tích cực tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng và khử trùng, tiêu độc phòng chống dịch bệnh đợt 2 năm 2018.
Đến nay, 100% xã, phường có chăn nuôi đã tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm đại trà cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, dịch tả lợn 11.980 liều, tụ dấu 5.445 liều, phó thương hàn 6.340 liều, lở mồm long móng 2.675 liều, bệnh dại 106 liều.
Đến hết ngày 4/10, gần 94% số đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng đã được tiêm, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017. 100% các địa phương đã tổ chức tiêu độc khử trùng, với 320 lít hoá chất các loại và 6.400kg vôi bột, diện tích đã khử trùng là 650.000m2.
Ngoài ra, UBND thành phố đã hỗ trợ các địa phương 750kg hoá chất Iodine để vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hải Dương: 6 đơn vị được JICA hỗ trợ sản xuất rau an toàn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa chọn 6 đơn vị tại Hải Dương để thực hiện Dự án "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn tại miền Bắc".
Đó là các đơn vị: Công ty TNHH một thành viên Rau an toàn Thanh Hà (Thanh Hà), Công ty CP Thực phẩm Gia Gia, Cơ sở sản xuất CP Green Farm (TP Hải Dương), Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thôn Lúa, HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc) và HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Cẩm Giàng).
Các đơn vị sẽ được JICA hỗ trợ vốn, kỹ thuật để sản xuất rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng các chuỗi cung ứng, giúp nông sản tiêu thụ thuận lợi.
Vĩnh Phúc: Hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Thời gian qua, nhờ các cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả của tỉnh và sự nỗ lực của bà con nông dân, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh từng bước được hình thành, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Trong 2 năm (2016, 2017), toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng trên 2.100ha diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, với một số cây trồng chính như: Bí đỏ, dưa chuột, cà chua, ớt, khoai tây… Tổng kinh phí hỗ trợ gần 18 tỷ đồng. Vụ Đông năm 2018, tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ các vùng sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó: Bí đỏ trên 600ha; dưa chuột gần 170ha; ớt gần 120ha; rau ăn lá 90ha; khoai tây gần 70ha và cà chua 55ha.
Nhờ vậy, diện tích cây trồng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng tham gia sản xuất hàng hóa đều tăng. Tỉnh xác định được một số giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, dễ bảo quản và có thị trường tiêu thụ, với các vùng sản xuất hàng hóa ổn định như: Bí đỏ (Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc); dưa chuột, cà chua (Tam Dương, Yên Lạc); su su Tam Đảo…
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, hiệu quả kinh tế từ sản xuất các loại cây trồng hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP tăng gấp 3 - 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống trước đây, điển hình như: Bí đỏ đạt khoảng 60 triệu đồng/ha/vụ; ớt 110 triệu đồng/ha/vụ; khoai tây gần 170 triệu đồng/ha/vụ; cà chua trên 180 triệu đồng/ha/vụ…
Các sản phẩm vùng sản xuất hàng hóa của Vĩnh Phúc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho người dân trong tỉnh, cung cấp cho các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu. Bên cạnh đó, thông qua hỗ trợ triển khai các vùng sản xuất hàng hóa, giúp nhiều hộ nông dân nâng cao kiến thức, từ đó thay đổi cách làm, tư duy sản xuất, trên cơ sở đảm bảo chất lượng sản phẩm, gắn với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.
Ông Đinh Xuân Thường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Xây dựng và nhân rộng các vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP là ưu tiên trong chiến lược phát triển trồng trọt của tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Do vậy, thời gian tới, Chi cục tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xem xét tăng kinh phí hỗ trợ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường công tác dồn thửa, đổi ruộng, tích tụ ruộng đất tạo nên những vùng sản xuất lớn để thuận lợi cho việc cơ giới hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và xuất khẩu các sản phẩm để hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Thanh Hóa: Mở rộng chuỗi sản xuất, kinh doanh cung ứng thực phẩm an toàn
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9-2018, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia sản xuất, kinh doanh chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó có 25 doanh nghiệp và 2 HTX.
Các sản phẩm mà các doanh nghiệp, HTX thực hiện sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chủ yếu là trứng gia cầm; thịt gia súc, gia cầm; các loại rau, quả an toàn và các sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản.
Với số đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nói trên, mỗi năm sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 1.150 tấn rau, quả, 2.100 tấn thịt, 870.000 lít nước mắm. Qua kiểm tra, đánh giá của các sở, ngành liên quan cho thấy, tất cả các sản phẩm sản xuất và cung ứng của các đơn vị nói trên đều bảo đảm an toàn thực phẩm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…