Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 7 năm 2018 | 22:56

Sau Khaisilk, Con Cưng 'treo đầu dê bán thịt chó' lừa người tiêu dùng?

Sau vụ Khaisilk, việc Con Cưng mới đây nghi bị cắt và thay thế tem nhãn hiệu trên quần áo trẻ em lại một lần nữa khiến người tiêu dùng Việt dậy sóng.

Trong khi niềm tin của người tiêu dùng Việt vẫn đang bị lung lay sau việc Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam bị phát hiện vào tháng 10/2017, vụ rùm beng này vào thời điểm đó đã làm dấy lên một làn sóng dư luận về tính chân thực của các sản phẩm được gắn mác “Made in Vietnam”. 

sau khaisilk con cung treo dau de ban thit cho lua nguoi tieu dung viet hinh 1
Tem nhãn của bộ quần áo có dấu hiệu bị cắt và thay thế bằng tem nhãn khác.

 

Chỉ một câu để lột tả toàn bộ hành vi này đó là: “Treo đầu dê, bán thịt chó”. Sau khi sự thật về một thương hiệu có tiếng như Khaisilk được phơi bày, người tiêu dùng Việt bắt đầu trở nên lo ngại rằng, hàng loạt các mặt hàng khác được kinh doanh ở Việt Nam liệu có đang ở tình trạng tương tự.

Và quả vậy, việc “treo đầu dê, bán thịt chó” thật sự đã và đang xuất hiện nhan nhản ở Việt Nam. Minh chứng cho điều này là mới đây nhất, thương hiệu Con Cưng (Công ty Cổ phần Con Cưng) cũng vừa bị một khách hàng tố cắt và thay thế tem nhãn hiệu trên bộ quần áo trẻ em tại một cửa hàng ở TP.HCM.

Cụ thể, ngày 20/7, anh Trương Đình Vĩnh (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc sản phẩm quần áo trẻ em của Công ty Cổ phần Con Cưng bị cắt tem nhãn, gắn mác ngoại.

Anh Vĩnh cho biết: "Chiều 22/5, tôi đến cửa hàng Con Cưng tại số 788 Âu Cơ, phường 14 (quận Tân Bình) để mua hàng cho con với tổng giá trị hoá đơn gần 1,5 triệu đồng; trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329 nghìn đồng.

Tuy nhiên, khi mang sản phẩm về nhà, tôi phát hiện bộ quần áo thun dành cho bé gái mà tôi vừa mua có dấu hiệu bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem mác CF (Con Cưng Fashion) được ghi xuất xứ là Made in Thailand. Sợ sản phẩm mình mua đã bị cắt tem nhãn rồi thay thế, tôi đã mang sản phẩm đến cửa hàng Con Cưng và yêu cầu làm rõ sự việc".

sau khaisilk con cung treo dau de ban thit cho lua nguoi tieu dung viet hinh 2
Bộ quần áo trẻ em của Con Cưng có dấu hiệu cắt dán nhãn mác ngoại, lừa dối khách hàng.

 

Theo anh Vĩnh, sau khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng, Con Cưng đã thu hồi lại sản phẩm nghi bị lỗi và các sản phẩm nằm cùng lô hàng tại cửa hàng. Đồng thời, cửa hàng này cũng cam kết sẽ kiểm tra và gửi trả lại hàng bị lỗi cho nhà cung cấp.

“Khi tôi đến cửa hàng yêu cầu làm việc thì nhân viên cho biết, đây là sản phẩm chính hãng và bảo tôi không có gì phải lo lắng. Thấy bất ổn, tôi đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của công ty và được nhân viên tổng đài hứa liên hệ lại. Thế nhưng, mãi không thấy ai liên lạc lại nên tôi đã mang sản phẩm lỗi đến công ty để làm rõ sự việc. Tại đây, công ty lại đổ lỗi cho phía nhà cung cấp sản phẩm.

Bản thôi tôi trước giờ vẫn tin dùng sản phẩm của Con Cưng, dù giá thành của sản phẩm không hề rẻ. Thế nhưng, bây giờ thì tôi cần được biết nguyên liệu họ nhập từ đâu để làm ra sản phẩm và các sản phẩm này liệu có an toàn cho trẻ em hay không? Tôi lo sợ Con Cưng lại đi theo vết xe đổ của Khaisilk trong vụ việc thay nhãn mác năm ngoái”, anh Vĩnh bày tỏ.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Liễu, Trưởng bộ phận Pháp lý Hành chính của thương hiệu Con Cưng cho biết, Cty Con Cưng đã tiếp nhận phản ánh cũng như sản phẩm từ khách hàng. Đơn vị sẽ làm việc lại với bên đơn vị cung cấp sản phẩm để tìm hiểu nguồn gốc của nguyên liệu.

Theo bà Liễu, nhà cung cấp sản phẩm cho Con Cưng bị lỗi đến từ Thái Lan, giữa Con Cưng và nhà cung cấp này đã hợp tác với nhau từ năm 2016. Về quy trình, Cty Con Cưng sẽ đưa cho nhà cung cấp mẫu mã thiết kế và chất liệu mong muốn, sau đó mới duyệt mẫu. Nếu đạt, nhà cung cấp sẽ sản xuất hàng loạt và gắn nhãn hiệu Con Cưng vào sản phẩm và đưa về Việt Nam để bán ra thị trường.

sau khaisilk con cung treo dau de ban thit cho lua nguoi tieu dung viet hinh 3
Công ty Cổ phần Con Cưng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm quần áo, tã, sữa, thực phẩm, đồ dùng trẻ em và phụ nữ có thai. Công ty này có tất cả 311 cửa hàng siêu thị trên toàn quốc.

 

Vị đại diện của Con Cưng cho rằng, trường hợp của anh Vĩnh là sự cố rất đáng tiếc. Vì vậy, sau khi tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp này đã thu hồi khoảng 4.000 sản phẩm trong tổng số 9.000 sản phẩm cùng lô hàng này.

Trả lời báo chí, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin mà các cơ quan báo chí phản ánh về việc sản phẩm của thương hiệu Con Cưng bị cắt tem nhãn, gắn mác ngoại, có dấu hiệu lừa người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra để làm rõ.

Trước đó, ngày 17/10/2017, sự việc Khaisilk (Tập đoàn Khaisilk) bán khăn lụa “Made in China”được phát hiện tại một cửa hàng trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khiến niềm tin của người tiêu dùng Việt về một thương hiệu tầm cỡ quốc gia hoàn toàn đổ vỡ.

Bởi, việc này làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, doanh nghiệp. Niềm tin của người tiêu dùng về thương hiệu Việt, về những sản phẩm được làm nên bởi bàn tay của những người Việt dường như không còn.

Các nhà kinh doanh Việt dường như chỉ được thời gian đầu, nói nôm na là kinh doanh nghiêm túc để lấy tiếng, nhưng chỉ sau một thời gian thì chất lượng các mặt hàng đi xuống trầm trọng, rồi hàng Tàu được bày bán thay hàng Việt.

* Chiều nay, 22/7, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường TPHCM tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng thuộc hệ thống của Công ty Cổ phần Con Cưng (Concung.com) tại thành phố.

3 cửa hàng bị kiểm tra nằm ở địa chỉ số 78 Tôn Thất Tùng, quận 1; 424 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 và số 833-835 đường Hồng Bàng, quận 6. Đoàn công tác cho biết, bước đầu kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng có dấu hiệu vi phạm về quy định ghi nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Được biết, Công ty Cổ phần Con Cưng thành lập năm 2011, chuyên kinh doanh ngành hàng dành riêng cho các mẹ bầu và em bé. Theo website của doanh nghiệp này, hiện có 230 siêu thị Con Cưng và Toycity trải rộng trên 40 tỉnh thành cả nước, dự tính con số này sẽ tăng lên 500 đến cuối năm 2018./.

 

 

 

Thy Huệ - Ngọc Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top