Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2019 | 11:23

Tăng giá điện, người trồng thanh long đứng ngồi không yên

Hiện khoảng 500 hộ trồng thanh long ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao do giá điện tăng.

Theo cách tính của người nông dân ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bình quân một tấn thanh long phải chi ra 5 triệu tiền điện, giờ giá điện tăng ước tính phải chi từ 7 triệu – 8 triệu đồng, nên họ cầm chắc thua lỗ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ở ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) cho hay, trồng thanh long lệ thuộc rất lớn vào nguồn điện để chong đèn, đợt này vì giá điện cao nên gần 150 trụ thanh long ruột trắng của chị không làm nữa.

“Trước khi tăng giá điện thì gia đình có 150 trụ thanh long trắng, giá chong đèn cỡ 3 triệu và tầm 6 triệu - 7 triệu tiền phân, thuốc. Đến khi ra trái thanh long không được giá thì không đủ tiền phân và tiền điện, chưa tính tiền công mình bỏ ra”, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nói.

nguoi trong thanh long dung ngoi khong yen vi gia dien hinh 1
Giá điện tăng cao người trồng thanh long gặp khó

Tương tự, hơn 300 hộ dân trồng thanh long ở xã Bưng Riềng cũng đang gặp khó vì giá điện. Theo tính toán của nhiều hộ dân, bình quân 1 năm làm 4 vụ, 1 vụ chong đèn 4 lần, mỗi lần từ 15 – 20 ngày, do đó, muốn cây đạt sản lượng thì chi phí cho điện rất cao.

Ông Nguyễn Đình Đoài, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc than thở, bình thường 500 trụ thanh long, mỗi đợt chong đèn đã chi gần 4 triệu đồng tiền điện, từ tháng 3 đến giờ giá điện tăng lên gần gấp đôi, người nông dân thêm mệt mỏi: “Bình thường thanh long làm 3 vụ/năm, mỗi vụ chong đèn một lần trong 15 ngày cho đến thu hoạch chi khoảng 3 triệu – 4 triệu đồng tiền điện/lần. Hai năm nay đã vất vả rồi, giờ giá điện tăng lên càng khó khăn”.

nguoi trong thanh long dung ngoi khong yen vi gia dien hinh 2
Chi phí tiền điện để chong đèn tăng người trồng thanh long dự kiến bỏ vườn

Ông Nguyễn Văn Thiết, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc kiến nghị, ngành điện nên có chính sách riêng cho nông dân nếu không nhiều người sẽ không kham nổi. 

“Tháng trước 1 đợt như vậy là trả hết 8 triệu tiền điện, điện tăng như thế, trả mười mấy triệu thì người dân không chịu nổi, ảnh hưởng kinh tế gia đình. Ngành điện nên ưu tiên cho nông dân, tăng ít thôi đừng tăng nhiều quá. Nếu ngành điện định mức 1 kwh điện là 1.700 đồng và nhiều kwh điện cũng 1.700 đồng thì nông dân mới chịu được”, ông Nguyễn Văn Thiết kiến nghị.

 
nguoi trong thanh long dung ngoi khong yen vi gia dien hinh 3
Trung bình mỗi tấn thanh long tiêu tốn gần 5 triệu tiền điện

Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, tăng giá điện khiến mỗi hộ trồng thanh long phải chi thêm từ 50 - 70% phí tiền điện để chong đèn, chính vì vậy, nhiều hộ dân đang tính chặt thanh long chuyển đổi cây trồng. 

Theo ông Dương Thế Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, hiện nay chính quyền và các hội đoàn thể vận động nông dân chuyển dần từ trồng thanh long ruột trắng sang trồng ruột đỏ để có giá trị kinh tế cao hơn. Còn việc chuyển đổi cây trồng ở vùng này rất khó, vì đất ở địa phương chỉ phù hợp với thanh long.

nguoi trong thanh long dung ngoi khong yen vi gia dien hinh 4
Xuyên Mộc là vùng đất phù hợp cây thanh long phát triển

 “Ở đây chỉ phù hợp với Thanh Long, người dân sống được là nhờ vào cây thanh long. Giá điện mà ổn định như những năm trước thì người dân sống được, còn tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống”, ông Dương Thế Dũng cho biết.

Cây thanh long những năm trước đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện gần 500 hộ dân vùng đất này đang đứng ngồi không yên vì giá điện, họ đang mong chờ vào chính sách ưu đãi của ngành điện để tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, tiếp tục tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ xã hội./.

 

 

Lưu Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top