Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 7 năm 2021 | 17:45

Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp

Phát triển các sản phẩm có lợi thế, các cây trồng vật nuôi đặc sản và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chính là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của nhiều địa phương.

 

ga.jpg
Gà Mía Sơn Tây được nuôi bảo tồn nguồn gen quý và nhân giống tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội).

 

Hà Nội: Hiệu quả từ cây trồng, vật nuôi đặc sản theo hướng hàng hóa

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã hình thành được những mô hình cây trồng, vật nuôi đặc sản theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô. Những đặc sản, như: Gà Mía Sơn Tây, bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Đại Thành… không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Sim vốn là cây mọc hoang ở vùng đồi gò, ít giá trị về kinh tế nhưng với anh Kiều Văn Lợi ở thôn Bơn, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) lại là loại cây trồng mang lại nhiều lợi nhuận. Nắm bắt nhu cầu thị trường, cách đây 4 năm, anh Lợi đã đào những gốc sim mọc hoang trên đồi về trồng. Năm 2020, những gốc sim ban đầu đã cho 5 tạ quả, bán với giá 40 nghìn đồng/kg. “Trồng sim không khó, vì ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, giá trị cao hơn rất nhiều so với để vườn tạp”, anh Lợi cho biết.

Còn ông Nguyễn Như Hảo ở xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) đã cùng một số người góp vốn thành lập Hợp tác xã Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, cung ứng bưởi đường đặc sản cho thị trường. Với giá bán trung bình 35.000-40.000 đồng/quả, trồng bưởi đường Quế Dương cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Quân ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho biết, với 300 con gà Mía thả vườn, mỗi năm, gia đình ông thu được gần 150 triệu đồng. Đây là nguồn thu lý tưởng đối với các hộ dân làm nông nghiệp ở địa phương. Thời điểm hiện tại, xã Đường Lâm có hơn 20 hộ chăn nuôi gà Mía thương phẩm và nhân giống gà Mía cung cấp cho người chăn nuôi trong vùng.

Nói về những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, sau khi thực hiện thành công chương trình dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh giá trị cao. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản của địa phương, như: Bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, cam Canh, nhãn chín muộn Đại Thành, gà Mía Sơn Tây… đã được nông dân nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần nâng thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn lên 55 triệu đồng/người/năm (tính đến hết năm 2020).

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, Sở NN&PTNT tích cực hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số loại cây ăn quả; phát triển thương hiệu cho một số vật nuôi là đặc sản của các địa phương; đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời nghiên cứu thị trường, dự báo sản lượng để bảo đảm ổn định sản xuất.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, những năm gần đây, Quốc Oai đã chuyển đổi hàng trăm héc ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Riêng với xã Đại Thành, huyện đã phê duyệt chuyển đổi 100% diện tích đất nông nghiệp (115ha) sang trồng nhãn chín muộn. Sở NN&PTNT và huyện Quốc Oai hỗ trợ người trồng nhãn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được bảo đảm, mã quả sáng, đẹp hơn. Niên vụ năm 2020, sản lượng nhãn chín muộn đạt 2.500 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng.

Còn Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm - Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Duy Vụ thông tin, đơn vị đang nuôi hàng chục nghìn con gà Mía giống “bố mẹ”, với kỹ thuật hiện đại, mỗi năm có thể nhân được hàng triệu con gà Mía giống cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Thanh Hóa: Phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế

Trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, TP Sầm Sơn luôn xác định rõ: Phát huy các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương, sự sáng tạo và trí tuệ, năng lực, trách nhiệm cộng đồng, từ đó xây dựng các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế, mang đậm văn hóa vùng miền, hội tụ sự sáng tạo, năng lực, trí tuệ, trách nhiệm của cả cộng đồng, tạo động lực phát triển liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.

 

th.jpg
Sản phẩm nước mắm Vích Phương (TP Sầm Sơn) được du khách, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, từng bước khẳng định thương hiệu.

 

TP Sầm Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các sản phẩm có lợi thế, tạo tiền đề đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, đường bờ biển dài, nguồn lợi hải sản khá phong phú, TP Sầm Sơn có nguồn tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nhân văn phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thương mại – dịch vụ, khai thác, chế biến thủy, hải sản phát triển. Hàng năm, TP Sầm Sơn đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển. Ngoài nhu cầu thưởng ngoạn, du khách còn có nhu cầu thưởng thức món ăn ngon và mua sắm đặc sản địa phương làm quà tặng cho người thân.

Nước mắm, mực khô, mực một nắng là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng ven biển TP Sầm Sơn. Nghề làm nước mắm, mực khô ở Sầm Sơn đã hình thành cách đây hàng trăm năm. Nước mắm và mực khô, mực một nắng Sầm Sơn được người dân sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày hoặc chế biến thành nhiều món ăn có hương vị thơm ngon. Không chỉ giới hạn trong tỉnh, hương vị thơm ngon của nước mắm, mực khô, Sầm Sơn hấp dẫn đông đảo du khách thập phương, trong và ngoài nước.

Với nguồn nguyên liệu tươi, ngon, được chọn lọc kỹ càng, trải qua quy trình sản xuất, chế biến riêng, cư dân ven biển Sầm Sơn đã chế biến, sản xuất ra loại nước mắm thơm ngon đặc trưng, giàu giá trị dinh dưỡng, mang hương vị rất riêng. Từ các làng chài ven biển thuộc các phường: Quảng Cư, Quảng Tiến, Trung Sơn, Trường Sơn... nghề làm nước mắm truyền thống ở TP Sầm Sơn trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như không “trụ vững”. Tuy nhiên, đến nay, nghề làm nước mắm ở Sầm Sơn đã và đang phát triển mạnh, với hơn 66 cơ sở lớn nhỏ và hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường trên 4 triệu lít sản phẩm mỗi năm. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm, mực một nắng của TP Sầm Sơn đã trở nên thân thuộc với người dân và du khách gần xa như: Tân Hưng, Vích Phương, nước mắm Nét Việt...

Được biết, TP Sầm Sơn đã xây dựng lộ trình cụ thể đối với việc thực hiện Chương trình OCOP. Trong năm 2021, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, TP Sầm Sơn tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và nỗ lực phát triển ít nhất 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, sản phẩm nước mắm Nét Việt đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và dự kiến trình hội đồng tư vấn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xem xét vào thời gian tới. Tháng 6-2021, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu đối với dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “nước mắm Sầm Sơn”, “mực khô Sầm Sơn”. Đây là tiền đề quan trọng để TP Sầm Sơn lựa chọn một số cơ sở đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP và đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, sản xuất từ nguyên liệu nước mắm, mực khô của địa phương. Giai đoạn 2022–2025, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm mực khô và nước nắm, TP Sầm Sơn tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm lợi thế khác, phấn đấu xây dựng thành công một sản phẩm du lịch đạt OCOP...

Vĩnh Phúc: Bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; góp phần gia tăng giá trị canh tác, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Lập Thạch chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân thay đổi phương thức, tập quán canh tác truyền thống, đưa giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào trồng thử nghiệm.

 

1_13.jpg
Thanh Long - cây trồng hiệu quả trên đất Lập Thạch. 

 

Cùng đó, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân.

Theo đó, đối với cây hằng năm (lúa, ngô và rau màu), huyện đã phối hợp với nhiều đơn vị cung ứng, nghiên cứu giống cây trồng thực hiện khảo nghiệm, nhân rộng các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như: TBR 225, BC15, Thiên ưu 8…; xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung: Bí đỏ, dưa chuột, ớt, cà chua, khoai tây… với diện tích hơn 250 ha.

Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ở Lập Thạch những năm qua cơ bản ổn định (hơn 11.000 ha/năm); năng suất không ngừng tăng cao, trong đó năng suất lúa giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt hơn 56 tạ/ha, tăng 4,3 tạ/ha so với giai đoạn 2010 - 2015.

Huyện đặc biệt chú trọng cải tạo những vùng đất đồi gò bạc màu trước đây vốn chỉ trồng sắn, bạch đàn thành các vườn cây ăn quả, kết hợp phát triển chăn nuôi. Thực tế, nhiều mô hình, dự án trồng cây giống mới đã được đưa vào trồng thử nghiệm.

Điển hình là Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất giai đoạn 2017 - 2020, với quy mô hơn 300 ha (cải tạo 100 ha thanh long hiện có và trồng mới 200 ha).

Bên cạnh đó, một số cây trồng khác như: Chanh tứ quý, cam không hạt, bưởi, trám đen, sa chi, dổi xanh, nho hạ đen… cũng đang được triển khai trồng thử trên các vùng đất gò đồi của Lập Thạch.

Để cây trồng trên đất đồi gò, bạc màu đạt hiệu quả kinh tế cao, huyện Lập Thạch đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là ưu tiên đầu tư kinh phí, hỗ trợ vốn, giống, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…

Thành công bước đầu của các loại cây trồng như: Thanh long, chanh tứ quý… trên đất đồi gò đã mở ra hướng đi mới, tạo bước tiến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở Lập Thạch. Từ đó tăng đáng kể giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lập Thạch khẳng định: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Minh chứng rõ nét là tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản những năm gần đây tăng đáng kể, năm 2020 đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, ngành trồng trọt đóng góp khoảng 530 tỷ đồng/năm.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc tiếp tục phối hợp khảo nghiệm, tuyển chọn cơ cấu giống, cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác, huyện Lập Thạch còn chú trọng hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất.

Đồng thời, làm tốt công tác "dồn thửa đổi ruộng", hình thành những cánh đồng mẫu lớn, mở rộng bờ vùng, bờ thửa, cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng… tạo thuận tiện cho gieo trồng, thâm canh, phát triển sản xuất quy mô lớn.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng phải có kế hoạch, lộ trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt, không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Kết quả bước đầu đạt được trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng là tiền đề quan trọng để huyện Lập Thạch thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết sản xuất. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top