Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 10 năm 2021 | 11:12

Tây Bắc khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất cao

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã xác định tập trung đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Lào Cai: Khảo nghiệm giống lúa lai mới

 

lua-lao-cai.jpg
Tham quan mô hình khảo nghiệm tại xã Cốc San. Ảnh: Báo Lào Cai

Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lài Cai vừa tổ chức Hội nghị đánh giá mô hình khảo nghiệm giống lúa DT21 tại xã Cốc San, thành phố Lào Cai.

Năm 2018, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã chọn tạo thành công dòng mẹ bất dục đực chức năng di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ, kí hiệu là T18S. Đồng thời, trung tâm tiến hành lai T18S với dòng bố R333 tạo con lai F1 đặt tên là DT21. Qua 4 năm nghiên cứu, khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm quốc gia, khảo nghiệm sản xuất trong và ngoài tỉnh, giống lúa lai DT21 có nhiều ưu điểm nổi bật so với những giống lúa lai đang gieo trồng phổ biến hiện nay.

Giống DT21 có thời gian sinh trưởng ngắn, đạt 110-115 ngày trong vụ xuân, 100-105 ngày trong vụ mùa, phù hợp với thời vụ khu vực miền Bắc. Giống lúa này có năng suất cao, ổn định vượt giống đối chứng ở tất cả các thời vụ. Khảo nghiệm tác giả đạt 6,6 – 7,5 tấn/ha; khảo nghiệm quốc gia đạt 6 – 7 tấn/ha; khảo nghiệm sản xuất đạt bình quân đạt 6,5 tấn/ha; mô hình trình diễn đạt 6,8 – 7,8 tấn/ha. Bên cạnh đó, giống DT21 có chất lượng gạo ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; có khả năng thích nghi rộng, chống chịu sâu bệnh tốt; giá thành hạt giống sản xuất thấp, giảm chi phí đầu tư cho nông dân.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị các ngành có liên quan sớm công bố lưu hành để giống DT21 được cung ứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh; đề nghị các địa phương trong tỉnh phối hợp với trung tâm thực hiện triển khai mô hình sản xuất giống lúa lai DT21 để quảng bá, giới thiệu và phát triển giống ra sản xuất đại trà.

Lai Châu khảo nghiệm giống lúa thuần chất lượng cao ADI128 và ADI168

Mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần ADI128 và ADI168 được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI triển khai tại bản Nà Phát, xã Phúc Than từ tháng 6/2021, 8 hộ tham gia với quy mô 2ha. Đây là giống lúa có thời gian ngắn, có thể gieo cấy 2 vụ/năm. Lúa sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, số hạt chắc/bông cao, năng suất trung bình đạt 60-70 tạ/ha. Chất lượng gạo ngon, hạt thon dài, có vị đậm.

 

lai-chau.jpg

Các đại biểu thăm quan mô hình. Ảnh Báo Lai Châu

 

Các cơ quan chuyên môn phối hợp với cán bộ Công ty và cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, đánh giá sự phát triển của cây lúa. Đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho Nhân dân bản Nà Phát.

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn và các hộ gia đình, giống lúa thuần ADI128 và ADI168 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại, số bông lúa cao, tỷ lệ hạt lép thấp. Năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Trừ chi phí, giống lúa này cho hiệu quả kinh tế trên 21 triệu đồng/ha. Thành công của mô hình là cơ sở để xã Phúc Than nói riêng và huyện Than Uyên nói chung bổ sung vào cơ cấu giống tiếp tục nhân rộng trong các năm tiếp theo. Góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cho người nông dân trên địa bàn.

Bà Trương Thị Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lai Châu đánh giá cao kết quả mô hình đã đạt được. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục triển khai mô hình ở các huyện trong tỉnh. Đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn, qua đó để có cơ sở đánh giá hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn.

Tuyên Quang mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

Vụ mùa năm nay, nhiều gia đình nông dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thắng lớn, lúa được mùa, được giá. Bà Vũ Thị Bình, thôn Cầu Cả phấn khởi cho biết, gia đình bà gieo cấy giống lúa mới VNR20, lúa cứng cây, chống chịu bệnh, hạt tốt nên giảm được chi phí về thuốc bảo vệ thực vật. Theo bà Bình, lúa VNR 20 là lúa chất lượng song năng suất tương đương với nhiều giống lúa thuần khác, gia đình bà vừa thu hoạch 1 bung lúa (tương đương gần 3 sào) thu gần 8 tạ thóc, điều mừng hơn là thóc thu hoạch về thương lái đặt hàng ngay, giá 10 nghìn đồng/1 kg, cao hơn lúa thường 2 - 3 nghìn đồng.

 

tuyen-quang.jpg

Người dân thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) gieo cấy lúa VNR20 chất lượng cho năng suất, giá trị cao.

 

Ba năm trở lại đây bà con nông dân phường An Tường (TP. Tuyên Quang) và xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng thực hiện được mục tiêu kép đảm bảo lương thực cho gia đình, tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo khi đưa giống lúa chất lượng cao J02 hay còn gọi là lúa Nhật vào gieo cấy. Chị Bàn Thị Minh, thôn Núi Cảy, xã Hoàng Khai khẳng định, quy trình canh tác lúa J02 phức tạp, khắt khe hơn nhưng đổi lại chất lượng gạo ngon, được giá. Theo chị Minh, mỗi vụ sản xuất để lại 1 phần lấy lương thực cho gia đình còn lại chị bán, gạo J02 giá bán lẻ từ 16 - 17 nghìn/kg, cao hơn gạo thường từ 5 - 6 nghìn đồng/kg.

Đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, diện tích lúa chất lượng cao HT 1, J02, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, Bắc hương 9 và một số giống lúa nếp... được bà con gieo cấy đang có xu hướng gia tăng. Vụ xuân năm 2021, toàn tỉnh có 5.370 ha lúa chất lượng, đến vụ mùa con số này đã tăng lên 6.100 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2020. Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết, qua theo dõi và hoạch toán kinh tế cho thấy, các giống lúa chất lượng mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Điển hình như giống lúa chất lượng VNR20 cho thu nhập 2.200.000 đồng/sào, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 950 nghìn đồng/sào (tương đương 26 triệu đồng/ha). Hay giống lúa J02, Bắc thơm số 7 cũng mang lại giá trị kinh tế tương đương.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa với một số sản phẩm gạo đã khẳng định được vị trí trên thị trường như:  Gạo chất lượng cao Minh Hương (Hàm Yên) gạo chất lượng cao Kim Phú (TP Tuyên Quang), gạo chất lượng cao Tân Trào... mang lại giá trị cao cho người nông dân.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt, một trong những nhiệm vụ lớn của ngành trong những năm tiếp theo là phối hợp với các công ty sản xuất giống lúa như VinaSeed, ThaibinhSeed... trồng khảo nghiệm các giống lúa chất lượng, đáp ứng nguồn lương thực chất lượng cao của người dân và thị trường. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các giống lúa thơm, đặc sản, giống lúa có giá trị dinh dưỡng, lúa dược liệu; giống lúa chống chịu tốt với biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại chính để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, dần thay thế những loại giống đã bị thoái hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhất nhằm thực hiện mục tiêu đủ cả lượng và chất về an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người trồng lúa.  

Ngày mùa no ấm ở xã Kim Bôi

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong xã Kim Bôi (Kim Bôi, Hòa Bình) đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa hè - thu để chuẩn bị làm đất gieo cấy lúa xuân. Đi trên những cánh đồng lúa chín trong nắng vàng và tiết trời thu mát dịu, chúng tôi thấy bà con đang hối hả thu hoạch lúa với gương mặt tươi cười, phấn khởi vì lúa vụ này được mùa.

 

lua-hoa-binh.jpg

Nông dân xã Kim Bôi (Kim Bôi) tập trung thu hoạch lúa hè thu để sớm bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân.

 

Từ trung tâm UBND xã đến cánh đồng xóm Cóc Lẫm, chúng tôi hút mắt trước cánh đồng lúa vàng trải thảm dưới lung lũng đẹp mê hồn. Cánh đồng rộng hơn 25 ha được coi là vựa lúa của xã này không chỉ là nguồn cung cấp lương thực đảm bảo cho nhiều hộ dân trong xóm mà đây còn được coi là điểm nhấn về phong cảnh độc đáo, gợi mở thu hút phát triển du lịch. Điểm trên sắc vàng của cánh đồng lúa còn có dòng suối uốn lượn, ngày đêm miệt mài cung cấp nước tưới và nguồn dinh dưỡng nuôi lúa, màu. 

Có tại cánh đồng trong mùa gặt, chúng tôi bắt gặp khung cảnh người cắt lúa, người vác, người tuốt lúa, chở thóc thật đông vui, nhộn nhịp. Cả cánh đồng ngập tràn màu vàng óng ả của lúa chín hòa cùng hương thơm nồng của thóc mới. Những bao thóc được xếp cao trên bờ ruộng. Nét mặt ai nấy đều hân hoan. Ông Bùi Văn Chương, người dân xóm Cóc Lẫm, phấn khởi chia sẻ: Vụ này, nhà tôi cấy hơn 3 sào ruộng. Do chủ động được nguồn nước tưới, cộng với quan tâm theo dõi tình hình dịch bệnh để phun phòng trừ kịp thời và bón phân đầy đủ nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt trên 53 tạ/ha. Đây là vụ hè thu được mùa. Bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi. Sau khi thu hoạch xong, gia đình tôi sẽ bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. 

Toàn xóm Cóc Lẫm, tổng diện tích cấy lúa vụ này trên 40 ha, riêng cánh đồng lúa lớn hơn 25 ha trải từ đầu xóm đến cuối xóm này luôn là nguồn cung cấp lương thực đảm bảo lương thực cho toàn xóm. Ông Quách Văn Hợp, Trưởng xóm Cóc Lẫm cho biết: Trong những năm gần đây,người dân đã đưa máy tuốtvào thu hoạch lúa, vừa nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm công lao động mà chi phí cũng không cao. Hiện, bà con đang tập trung thu hoạch để chuẩn bị cho vụ đông xuân. 

Bà Bùi Thị Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bôi cho biết: Vụ hè thu, toàn xã gieo cấy 440 ha lúa. Năng suất lúa ước đạt trên 50tạ/ha. Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo bà con hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ hè thu để sớm triển khai sản xuất vụ đông xuân. 

Vào thời điểm bà con các xóm, khu dân cư thu hoạch rộ, để tiết kiệm chi phí trong khâu thu hoạch, nhiều gia đình tự gặt lúa, sau đó thuê tuốt. Vụ này, thời tiết nhờ thực hiện các khâu chăm sóc đúng lịch thời vụ như khuyến cáo và sử dụng các giống lúa năng suất cao, cũng như thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh nên năng suất và chất lượng lúa được giữ vững. 

Hiện nay, cùng với việc thu hoạch lúa, xã cũng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn bà con bắt tay chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông xuân. Đồng thời, khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến một số đối tượng dịch hại chính trên lúa cũng như trên cây trồng. Cùng với đó là đôn đốc, hướng dẫn nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng phòng ngừa dịch hại khi chuyển vụ. 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top