Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 1 năm 2021 | 10:7

Thanh long rớt giá, nông dân Bình Thuận, Long An lo “mất” Tết

Cả hai vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước đang loay hoay tìm đầu ra cho vụ thanh long chong đèn cuối năm.

Trước đợt thu hoạch Tết Nguyên đán, người trồng thanh long tại 2 tỉnh Bình Thuận và Long An đang đối diện với khó khăn, khi vụ này cây cho năng suất thấp và giá liên tục giảm. Cả hai vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước đang loay hoay tìm đầu ra cho vụ thanh long chong đèn cuối năm.

 

tlong1.jpg
Anh Bùi Biển Đức, tỉnh Bình Thuận chăm sóc vườn thanh long chuẩn bị thu hoạch.

 

Chuẩn bị cho vụ Tết này, ông Hoàng Thuỷ Quý, nông dân ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận trồng gần 500 trụ thanh long ruột trắng. Vừa qua ông đầu tư hệ thống bình hạ áp gần 10 triệu đồng để chong đèn cho thanh long trái vụ. Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi dẫn tới năng suất thấp, thêm vào đó là giá thanh long giảm chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, chi phí đầu tư cho phân bón, nước tưới lại tăng nên ông lỗ nặng.

“Người trồng thanh long năm nay có cái tết không vui, không có tiền để ăn tết. Nhiều người trồng thanh long đến lúc này đang bị âm tiền, không có tiền trả tiền phân, tiền điện và có nhiều người bỏ vườn, không có tiền để nhổ trụ hoặc cải tạo lại ruộng. Giờ muốn đầu tư trồng phải chạy điện nhưng nhiều người thiếu tiền không có để mua điện”, ông Quý bày tỏ.

Anh Bùi Biển Đức ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có 250 trụ thanh long, mấy năm trước đây mỗi mùa vụ thu gần 4.000 – 5.000 tấn. Tuy nhiên, mùa tết này, anh Đức đầu tư chong đèn, chi phí nhiều hơn mà chỉ thu được khoảng 2.000 tấn trái.

“Thanh long đầu tư trái vụ phải chong đèn mới lên vì thế chi phí tiền điện tầm 3,5 triệu, tiền phân, tiền nhân công tầm 12 triệu. Nhưng nay thương lái vào vườn trả 5.000 đồng/kg nên khó có lãi. Bà con ở đây ai cũng vậy, chỉ mong lấy lại vốn còn phần lời ra để trang trải Tết thì không có”, anh Đức cho biết.

Cùng cảnh ngộ, người trồng thanh long tại tỉnh Long An cũng đang đối diện với  khó khăn khi giá thanh long xuống thấp. Giá thanh long ruột đỏ thương phẩm chỉ còn 12.000 – 15.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với mùa vụ Tết trước. Ông Lê Ngọc Xinh, nông dân xã An Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang mong thời điểm cận Tết thanh long sẽ nhích giá lên, để bán được trên 15.000 đồng/kg. Với giá thành đó, nông dân mới hoà vốn, có thể bù lại chi phí điện nước, phân bón đã đầu tư. 

 

tlong2.jpg

Ông Lê Ngọc Xinh, nông dân Long An cho thợ cắt trái để giao thương lái.

 

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, hiện đầu ra của trái thanh long chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Thời điểm này, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang ngưng nhập khẩu, nên dù sản lượng thanh long thu hoạch thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng dự kiến sẽ tồn đọng một lượng lớn thanh long tươi…

Chính quyền cũng như hiệp hội nông sản các địa phương đang phải tăng cường liên kết với các cơ sở thu mua thanh long làm nguyên liệu chế biến sản phẩm sấy khô, nước trái cây, đồng thời kết nối với các điểm tiêu thụ nội địa để có phương án tiêu thụ lượng thanh long cho nông dân.

“Thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu là Trung Quốc, do dịch bùng phát sức mua bên đó rất ít nên giá thanh long rẻ, chỉ bằng hàng mùa. Theo nhận định, giá cũng khó mà lên lại được như trước, Hiệp hội cũng đang tập trung thực hiện các thủ tục với các các siêu thị để có giải pháp đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước cho bà con”, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An nói.

Năm nay, các vùng trồng thanh long đều gặp nhiều khó khăn về đầu ra, dù trước đó nông dân trồng thanh long đã dè dặt hơn trong đầu tư mở rộng diện tích. Về lâu dài, cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu thì việc tăng sản lượng chế biến thanh long vẫn rất cần thiết./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Long Phú phát huy thế mạnh

    Long Phú phát huy thế mạnh

    Huyện Long Phú là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tăng cả về năng suất lẫn chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

  • Văn Bàn đồng lòng dựng cuộc sống mới

    Văn Bàn đồng lòng dựng cuộc sống mới

    Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.

  • Những cách làm sáng tạo đưa sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa

    Những cách làm sáng tạo đưa sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa

    Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…

Top