Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo được tỉnh Điên Biên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH.
Song, kết quả vẫn chưa bền vững, bởi ý thức của người dân về công tác xoá đói giảm nghèo vẫn còn hạn chế. Do vậy, trong những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình, nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo.
Lãnh đạo huyện Mường Nhé kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 05 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Mường Nhé.
Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 19/5/2021 của Huyện ủy Mường Nhé về Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những minh chứng điển hình về việc thay đổi nhận thức người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo. Theo đó, Mường Nhé là địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhưng người dân chủ yếu chăn nuôi thả rông, không tập trung, vì vậy, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 05, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong huyện thay đổi nhận thức, ý thức.
Huyện ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết theo hình thức tập trung trong giai đoạn đầu. Với mỗi gia đình đăng ký phát triển chăn nuôi trong quy mô hộ gia đình, được huyện hỗ trợ giống cỏ voi, được ngân hàng hỗ trợ thủ tục vay vốn. Chỉ tính riêng năm 2021, huyện Mường Nhé đã dành 1,1 tỷ đồng cấp cho 11 xã (mỗi xã 100 triệu đồng) mua giống cỏ voi cấp cho người dân; Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân trên 30 tỷ đồng cho vay phát triển chăn nuôi, sản xuất. Đến cuối năm 2021 toàn huyện đã triển khai trồng được 106,45ha cỏ chăn nuôi (đạt 53,2% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025); tổng đàn trâu, bò toàn huyện 17.108 con (đạt 95% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025).
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy Mường Nhé đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, từ chăn thả tự nhiên sang hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Tính riêng kinh phí người dân tự đầu tư chuyển đổi hình thức chăn nuôi lên tới hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, trồng cỏ 985 triệu đồng; đầu tư con giống 15,9 tỷ đồng và xây dựng chuồng trại 300 triệu đồng. Theo ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), thực hiện chủ trương của huyện về chăn nuôi đại gia súc, xã đã tích cực tuyên truyền để bà con thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang nuôi nhốt tập trung làm hàng hóa. Đến nay, xã đã có gần 5.000 con gia súc; trong đó, trên 20 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò tập trung, góp phần làm thay đổi bộ mặt KT-XH trên địa bàn xã.
Không chỉ Nghị quyết 05, thời gian qua tỉnh, huyện đã triển khai, thực hiện nhiều nghị quyết đem lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo, như: Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về Phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 30/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện; Nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Ảng về phát triển cây ăn quả chất lượng cao theo hướng liên kết chuỗi.
Thông qua các nghị quyết đã giúp cho cán bộ, người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững. Người dân được nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ đã tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững.
Bà Lò Thị Tính, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) cho biết: Trước đây gia đình trồng lúa nương nhưng không hiệu quả. Thực hiện nghị quyết của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như: Bưởi da xanh, bưởi Thái Lan, xoài Đài Loan... Đến nay, một số diện tích cây đã cho thu hoạch, năng suất cao, hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác lúa nương.
Nhờ đó, ý thức của người dân trong xóa đói giảm nghèo đã thay đổi, tự lực vươn lên; nhiều hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo, như: Gia đình ông Lý A Phổng, bản Huổi Ho, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà); ông Khoàng Văn Né, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ)... Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Đến hết năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn 34,9%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 44,95% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để xóa nghèo một cách bền vững thì không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền mà quan trọng nhất chính là sự nỗ lực của chính người dân, người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Do đó, bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo cần được ưu tiên hàng đầu và đẩy mạnh hơn nữa.
Dưa xóa nghèo ở Tỏa Tình
Từ trên nương, những quả dưa Mèo của đồng bào Mông trên đỉnh Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đang vươn tới các siêu thị, điểm bán rau, củ, quả ở thành phố, thị trấn... Giống quả “siêu khủng” này hứa hẹn mang lại những đổi thay tích cực cho bà con vùng cao.
Thành viên HTX Nông sản sạch Tây Bắc kiểm tra chất lượng quả dưa trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.
Những ngày này, đi dọc từ đỉnh đèo Pha Đin về Điện Biên Phủ, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những sạp dưa Mèo bày bán trên các tuyến quốc lộ. Giống quả này có sức hút đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ông Vàng Chứ Dơ, bản Lồng, xã Tỏa Tình chia sẻ: Tên gọi dưa Mèo xuất phát từ việc giống cây này thường được bà con người Mông trồng xen canh cùng các loại cây trên nương. Cây mọc lan trên mặt đất hoặc các mỏm đá và ít khi chăm bón mà hút toàn bộ dưỡng chất từ tự nhiên để sống. “Vì thế quả dưa rất lớn, có quả trọng lượng tới 2kg, ruột đặc, cùi dày. Đặc biệt là dù hái về để lâu nhưng vẫn giữ được vị ngọt đậm hơn dưa chuột thông thường”, ông Dơ nói. Cũng theo chia sẻ của ông Dơ, mấy năm gần đây, giao thông thuận tiện, thấy cây dưa sai quả, dùng không hết nên bà con ở Tỏa Tình gùi xuống dọc đường quốc lộ bán. Không ngờ thứ quả này lại được nhiều người ưa chuộng và bán rất chạy. Từ đó, bà con bảo nhau tập trung trồng nhiều hơn, xen canh trên các nương lúa, ngô.
Với kinh nghiệm trồng dưa từ 7 năm nay, anh Giàng Nhìa Páo, bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình chia sẻ: Dưa Mèo còn đặc biệt ở chỗ, mặc dù có ngoại hình “siêu khủng”, song đây lại là loại quả tốn ít chi phí đầu tư, chăm sóc nhất. “Sau khi thu hoạch lúa nương xong, tôi chỉ cần cuốc hố, xuống giống, bón phân chuồng rồi để dưa tự mọc bò lan dưới mặt đất. Đợt nào nắng nóng kéo dài nhiều ngày quá thì tưới nước cho cây. Sau 30 ngày trồng là dưa bắt đầu cho thu hoạch rồi, anh Páo cho hay. Năm nay thời tiết mưa nhiều nên thuận lợi cho dưa Mèo phát triển. Đến thời điểm này, gia đình anh Páo đã thu hoạch được hơn 5 tấn dưa. Với giá bán tại vườn từ 12.000 - 14.000/kg, dự kiến vụ năm nay gia đình anh thu về trên 60 triệu đồng. “Trước đây tôi chỉ trồng mỗi năm một lứa. Nhưng thấy còn dư mấy tháng, nương để không lãng phí nên tôi chuyển sang trồng gối lứa. Cứ lứa dưa này sắp lụi, tôi lại trồng thêm lứa khác. Giờ một vụ tôi trồng được ba lứa liên tiếp. Cứ cách 2, 3 ngày tôi thu hoạch một lần. Hái đến đâu thương lái mua hết đến đó”, anh Páo tâm sự.
Cũng được mùa, song vì thấy giá dưa bán ở chợ cao hơn tại vườn nên năm nay, gia đình chị Lầu Thị Mái, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình đã chọn cách bán lẻ. Mỗi lần thu hoạch, chị Mái chở xuống Chợ Trung tâm huyện Tuần Giáo bán. Trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 2 tạ. Thu nhập gấp từ 2 - 3 lần so với trồng lúa.
Nhận thấy xu hướng của người tiêu dùng hiện nay đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm sạch, an toàn, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc ra đời. Cùng với một số nông sản khác, dưa Mèo là sản phẩm chủ lực được HTX lựa chọn. Năm 2021, dưa Mèo của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo bà Hạng Thị Manh, Phó Giám đốc HTX: Hiện đơn vị đang sở hữu vùng trồng dưa Mèo rộng hơn 6ha và 3ha liên kết với người dân. Gia đình ông Vàng Chứ Dơ là một trong những thành viên của HTX. Ông Dơ không chỉ được hỗ trợ về đầu ra, mà còn được tiếp cận phương pháp trồng, chăm sóc bằng phân hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng hơn. “Để tận dụng diện tích đất và dễ chăm sóc, tôi được hướng dẫn làm giàn cho cây dưa. Trồng theo cách này nhàn hơn nhiều, quả dưa không bị giảm chất lượng mà lại có mẫu mã đẹp hơn. Mỗi lứa trồng, tôi chỉ cần chịu khó ngắt lá, bắt sâu và bón phân chuồng. Bắt đầu từ tháng 5 bà con xuống giống, các vụ gối nhau. Rồi từ tháng 6 chúng tôi đã có thu hoạch, kéo dài đến hết tháng 8”, ông Dơ tâm sự.
Cũng theo bà Manh, vụ dưa năm nay HTX bắt đầu ký kết nhiều hợp đồng cung ứng dưa Mèo cho chuỗi các siêu thị cửa hàng lớn. Ví dụ như: Công ty Phúc An, Tâm An, Siêu thị Đức Thành... với số lượng trên 20 tấn sản phẩm. “Từ những tín hiệu tích cực này, dự kiến trong năm 2023, chúng tôi sẽ liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng dưa theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời thay đổi lối canh tác cho bà con, mang lại sản phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng”, bà Manh cho biết.
Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình đánh giá: Thực tế những năm qua cho thấy cây dưa Mèo đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều cho người dân so với trồng lúa nương trước kia. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu và thị trường tiêu thụ dưa còn khá rộng, bà con chưa bao giờ phải lo đầu ra. “Chúng tôi xác định đây là một trong những cây trồng nằm trong định hướng giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo. Do vậy, xã đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dưa trên địa bàn. Trước mắt, năm 2023 sẽ trồng thêm khoảng 10ha. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với HTX để chuyển giao kỹ thuật, giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và ổn định về đầu ra”, ông Chứ cho hay.
Tạo sinh kế cho người dân
Nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hiện xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng sa nhân, từng bước khai thác hiệu quả đất đai, tài nguyên rừng, góp phần phát triển rừng bền vững.
Lãnh đạo xã Mường Pồn kiểm tra diện tích trồng cây sa nhân ở bản Lĩnh.
Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Pồn tiến hành trồng thử nghiệm 3,33ha cây sa nhân tím với 12 hộ dân thuộc bản Lĩnh tham gia trồng. Các hộ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sa nhân. Nhờ gần nguồn nước và là nơi không chăn thả gia súc nên sa nhân tím trồng tại bản Lĩnh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống gần 100%. Nhận thấy đây là giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tự nhiên, từ năm 2019 đến nay, thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án như: Chương trình 135, chương trình hỗ trợ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Trung ương, chuỗi liên kết của Công ty Giống Tây Bắc, xã đã mở rộng diện tích trồng sa nhân lên 29ha, tập trung chủ yếu tại bản Lĩnh và bản Mường Pồn 2.
Anh Lường Văn Bình, Bí thư Chi bộ bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: Ban đầu chỉ có 12 hộ tham gia trồng cây sa nhân. Trong quá trình triển khai thí điểm có kết quả khả quan, vì vậy nhiều hộ đã bắt đầu tham gia trồng, đến nay, toàn bản có 52 hộ trồng với 13,8ha. Năm nay, cây sa nhân đã cho quả nhiều hơn. Sắp tới, bà con sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây sa nhân.
Sa nhân tím là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư lại tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Cây phát triển, rễ lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể cho thu hoạch từ 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc tận dụng trồng sa nhân tím xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Cây sa nhân ra quả theo chùm, để thu hoạch có hiệu quả, người dân tích cực đi rừng kiểm tra cây để thu hái đúng thời điểm, đảm bảo chất lượng quả chín đều đẹp, thương lái sẽ thu mua với giá cao hơn.
Anh Lù Văn Liêm, bản Lĩnh, xã Mường Pồn chia sẻ: Cây sa nhân không tốn nhiều công chăm sóc, bón phân, chỉ phải đi phát cỏ vào mùa mưa. Sau khi thu hoạch xong thì tỉa cây già; quả sa nhân thu hoạch đến đâu là có thương lái thu mua luôn đến đó hoặc tôi đem về phơi khô. Năm 2021, sa nhân tươi được thu mua tận nơi với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/1kg. Xã Mường Pồn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ dân cách thức thu hoạch và bảo quản sau thu, vừa đảm bảo chất lượng quả vừa tránh không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Hiện nay, toàn xã đã trồng được 29ha cây sa nhân tím ở bản Lĩnh và Mường Pồn 2. Năm 2022, xã đang trồng thêm khoảng 8ha ở bản Tin Tốc và tiếp tục mở rộng thêm diện tích ở bản Lĩnh để thời gian tới sa nhân tím sẽ là sản phẩm OCOP và hướng đi xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân trong xã.
Phát triển cây sa nhân tím, người dân xã Mường Pồn được hưởng lợi ích kép từ rừng, vừa góp phần bảo vệ rừng trên địa bàn, đồng thời cũng là cây trồng mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giải pháp đổi mới, phát triển ngành Nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên luôn khẳng định được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 18,76% trong GDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,31%, vượt 36,4% mục tiêu bình quân năm; bước đầu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng hàng hóa; đã xác nhận được 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Người dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.
Song bên cạnh những con số tích cực trên, ngành Nông nghiệp tỉnh được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững, có quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Tổ chức thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân còn thấp; phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, biên giới kết quả chưa cao, các tiêu chí chủ yếu như thu nhập, điện, giao thông, cơ sở vật chất, môi trường... chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân được xác định do Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, đất sản xuất phân tán, manh mún; trình độ sản xuất còn hạn chế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ lẻ. Trong khi đó, nguồn lực huy động, đầu tư cho sản xuất, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới, đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn bất cập và chưa đồng bộ. Cùng với đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế; công tác phối hợp có việc còn thiếu chủ động. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự giác vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu của tỉnh về đẩy mạnh phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm nghiệp xác định trên cơ sở cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung, có liên kết và ứng dụng công nghệ cao; tăng cường khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương... Trong đó, tỉnh xác định đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp đạt 3,16%/năm; cơ cấu lại ngành Nông, lâm nghiệp chiếm 16,42% GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất 1ha trồng trọt tăng thêm từ 15% trở lên.
Diện tích gieo trồng cây lương thực 82.150ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 280 nghìn tấn. Duy trì và khai thác tối đa hiệu quả đối với diện tích cây cao su, cà phê. Đối với phát triển đàn gia súc, bình quân đạt 3,5%/năm trở lên; đàn gia cầm 5%/năm trở lên. Đồng thời, phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trên 45% số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn dưới 22%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 1,3 lần so với năm 2020...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đổi mới, phát triển ngành Nông nghiệp, giải pháp đặt ra cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án: Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Đề án Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh và Đề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định khẩn trương rà soát, củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại...); ưu tiên thực hiện sắp xếp bố trí dân cư, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất cấm trong chăn nuôi, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chú trọng công tác dự báo, phòng chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc cây con giống.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia có hiệu quả đối với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án mắc ca...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…