Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hiện có trên 1.700ha na, sản lượng 14.200 tấn/năm. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, những năm gần đây, chất lượng, mẫu mã sản phẩm na không ngừng được nâng lên, giá trị kinh tế mang lại cũng cao hơn.
Phát triển cây trồng mũi nhọn
Na dai được người dân trồng ở Lục Nam từ rất lâu. Khoảng 15 năm trở lại đây, na trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Đến nay, huyện có hơn 1.700ha na, trong đó có trên 100ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; diện tích sản xuất theo hướng VietGAP khoảng 1.050ha. Na dai được trồng tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Năm 2020, doanh thu từ cây na ước đạt 350 tỷ đồng.
Từ lâu, trái na dai Lục Nam được người tiêu dùng ưa chuộng. Người trồng na cũng có kinh nghiệm và bí quyết để tạo nên thương hiệu riêng, phân biệt với na ở các vùng khác. Na chín có mùi vị thơm ngon đặc biệt, thịt quả mềm, thơm, ngọt, ngon, bổ dưỡng.
Na trồng ở Lục Nam được áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Na chín tập trung, trước đây thu hoạch chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng nhưng nay kéo dài tới 4 -5 tháng.
Được biết, trước đó, năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu “Na Lục Nam”. Để phát triển thương hiệu na Lục Nam, từ năm 2014 đến nay, huyện Lục Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Tháng 7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho na dai Lục Nam.
Theo ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, việc được cấp chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm na dai Lục Nam được bảo vệ xuất xứ, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời, có lợi thế trong phát triển và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, quan trọng hiện nay chính là nâng cao chất lượng sản phẩm để bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu và chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Sản xuất na VietGAP
Những năm qua, để nâng cao chất lượng, người trồng na ở Lục Nam đã triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng kỹ thuật để na ra hoa, đậu quả trái vụ, đầu tư bao bì, tem nhãn, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (thôn Khuyên, xã Huyền Sơn) cho biết: “Trước đây, gia đình thuộc diện khó khăn trong làng, nhưng từ ngày trồng na, được tiếp cận công nghệ hiện đại, chăm bón theo quy trình VietGAP mà gia đình đã thoát nghèo, mỗi năm có thu hàng trăm triệu đồng”.
Phấn khởi vì vừa bán được na giá cao, bà Ngọc khoe: Nhà bà có 5 sào na (1 sào Bắc Bộ = 360m2), từ đầu mùa đến giờ, cũng bán được hơn 10 triệu đồng.
Theo anh Hoàng Văn Hướng, Giám đốc HTX na dai Nghĩa Phương (Nghĩa Phương, Lục Nam), HTX thành lập năm 2019, sản xuất 35ha na, sản lượng hàng năm đạt khoảng 300 tấn. Na của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP nhiều năm nay nên chất lượng đảm bảo, được thị trường tin dùng. Hiện, HTX đã nộp hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Năm 2021, sản lượng na chính vụ đạt 250 tấn, giá bán 30.000-45.000 đồng/kg. Doanh thu đạt 10-12 triệu đồng/sào/vụ (mỗi năm na ra trái 2 vụ).
Cùng về vấn đề này, ông Phùng Thế Là, Giám đốc HTX Sản xuất na dai Lục Nam (Huyền Sơn, Lục Nam) cho biết, HTX có gần 50ha na, trong đó hơn một nửa là sản xuất VietGAP. Năm 2021, sản lượng chính vụ đã cho thu hoạch khoảng 400 tấn, giá bán đầu mùa có lúc tới 50.000 đồng/kg. Dự kiến vụ trái vụ (cuối tháng 11 dương lịch bắt đầu thu hoạch-PV) cho sản lượng khoảng 400 tấn, trong đó 60% sản lượng đã được đối tác thoả thuận, ứng tiền trước, với giá 35.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, cho biết, năm 2021, huyện có hơn 1.700ha na, năng suất đạt 8,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 14.200 tấn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Lục Nam hướng dẫn nhà vườn áp dụng tiến bộ kỹ thuật điều chỉnh na ra hoa, ra quả trên thân cây.
Mới đây, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Nam phối hợp cùng Công ty TNHH SUMAGROW Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình sản xuất na theo hướng hữu cơ sử dụng phân vi sinh hữu cơ Sumagrow. Qua mô hình giúp người nông dân lựa chọn được sản phẩm phân bón hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng cây trồng, cải tạo đất, giảm chi phí đầu vào, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng và có sức cạnh tranh cao.
Cùng với đó, huyện duy trì và nâng cao quy trình sản xuất đối với 130ha na đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hướng dẫn các hộ ngoài mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng. Ngoài tiêu thụ qua các kênh truyền thống, Lục Nam đã giúp người sản xuất đưa sản phẩm vào các đơn vị thu mua có uy tín; quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, huyện đã nộp hồ sơ đối với sản phẩm na để tỉnh đánh giá sản phẩm OCOP vào cuối năm nay.
Hỗ trợ phát triển nông sản hàng hoá cấp tỉnh
Ngày 24/5/2021, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh năm 2021. Theo đó, 04 hợp tác xã gồm: HTX Mỳ chũ Dậu Anh; HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương; HTX Na dai Nghĩa Phương; HTX Sản xuất na dai Lục Nam được hỗ trợ kinh phí với tổng giá trị 600 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì, nhãn mác cho sản phẩm.
Anh Hoàng Văn Hướng cho biết, HTX được tỉnh hỗ trợ về thùng đựng na loại 5kg và 10kg. Chủ yếu đúng thùng sản phẩm bán cho khách làm quà, giá trị của na cũng tăng lên và được nhiều khách hàng biết đến. Mục tiêu của HTX là xây dựng sản phẩm có thương hiệu riêng, từ đó nâng cấp chất sản phẩm. HTX mong muốn tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ về bao bì, hộp, tem truy xuất.
Còn theo ông Phùng Thế Là, HTX được hỗ trợ gần 7.000 thùng đựng, bà con rất phấn khởi vì giảm bớt được chi phí của gia đình. Sản phẩm VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, được hỗ trợ thùng mới có in chỉ dẫn địa lý nên na dễ bán, giá cũng cao hơn.
Từ năm 2019, việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch đối với mặt hàng trái cây chưa được phép nhập khẩu vào nước này (trong đó có na) đã khiến na Bắc Giang, Lạng Sơn khó xuất sang thị trường Trung Quốc. Cũng như Lạng Sơn, Bắc Giang đang rất mong quả na sớm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Sơn cho biết, vừa qua, tỉnh hỗ trợ HTX sản xuất na dai Lục Nam và HTX Na dai Nghĩa Phương kinh phí để nâng cao tem, nhãn mác, bao bì, từ đó khẳng định về mặt chất lượng cũng như quảng bá thương hiệu. Đây là nội dung rất tốt để quảng bá rộng rãi trên thị trường và khẳng định chất lượng sản phẩm của địa phương, tạo điều kiện để “thủ phủ na dai” ngày càng vươn xa, ngày càng nâng cao giá trị của sản phẩm.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…