Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nhất là thị trường chiến lược như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, cùng với đó, rủi ro thương mại đang tiềm ẩn.
Là một trong những sản phẩm lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất thị trường do gỗ Trung Quốc “rửa” xuất xứ. Cách nào để bảo vệ ngành gỗ của Việt Nam giữ vững thị trường xuất khẩu?
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam sang Mỹ tăng trên 80%, kim ngạch xuất khẩu khung ghế sofa có khung làm từ gỗ dán sang Mỹ tăng trên 40%.
Tuy nhiên, cùng với đó, rủi ro thương mại đang tiềm ẩn. Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh gỗ dán, 2 mặt hàng khác đang có tín hiệu rủi ro là tủ bếp, tủ nhà tắm làm từ gỗ dán và ghế sofa có khung làm từ gỗ dán.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù chịu tác động của dịch COVID-19 vẫn có 12 dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc và 10 dự án từ Hong Kong vào Việt Nam.
Ông Trần Lê Huy, đại diện Nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và Forest Trends chỉ ra các tín hiệu của sản phẩm nguy cơ gian lận xuất xứ như: công ty tham gia xuất khẩu mới được thành lập tại Việt Nam với quy mô sản xuất nhỏ. Công ty tập trung vào lắp ráp, đóng gói, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ công ty mẹ tại Trung Quốc. Các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu từ Việt Nam cũng chính là các mặt hàng trước đó từ Trung Quốc bị Mỹ áp các mức thuế mới. Xuất khẩu các mặt hàng này từ các công ty của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu vào thị trường Mỹ, thông qua mạng lưới tiêu thụ trước đó đã được thiết lập bởi công ty mẹ.
“Việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời và hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt”, ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, cơ quan chức năng Việt Nam phải phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận. Xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời. Cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.
Một trong những quy định mới khiến doanh nghiệp gỗ chịu tác động nhiều nhất là Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS). Nghị định này xây dựng cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu dựa trên các tiêu chí phân loại rủi ro theo vùng địa lý (Quốc gia) và loại gỗ. Tập trung vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia nhiệt đới, bao gồm các nước khu vực châu Phi, Lào, Campuchia.
Theo ông Tô Xuân Phúc, thành viên nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và Forest Trends, áp dụng nghị định này thì hầu hết nguồn cung gỗ nhiệt đới nằm trong khu vực địa lý rủi ro. Các loài gỗ rủi ro nhập khẩu từ các khu vực này có tỷ trọng tương đối cao, đặc biệt đối với các loài nhập khẩu từ Campuchia và Lào (cả gỗ tròn và xẻ). Việc xây dựng, kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loại rủi ro sẽ kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu.
Ông Phúc khuyến nghị, trong dài hạn, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, cần đưa ra các cơ chế và thông điệp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Điều này không những giúp ngành giảm rủi ro trong khâu sử dụng nguồn nguyên liệu mà có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ băn khoăn nhất về quá trình thực thi Nghị định 102 với thời hạn từ 30/10/2020 sẽ khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Ông Nguyễn Thành Long, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi cho biết, doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu trước cả năm, trước mùa khai thác. Bên cạnh đó là căn cứ vào tàu thuyền vận chuyển.
“Hợp đồng chúng tôi đã ký trước khi có danh mục vùng rủi ro và loại rủi ro. Khi công bố danh mục, doanh nghiệp trở tay không kịp. Hợp đồng đã ký, không nhận sản phẩm thì công ty phá sản, nhận gỗ về không biết làm gì. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thời hạn áp dụng nghị định ít nhất trước 1 năm để doanh nghiệp có thể xoay xở kịp”, ông Long kiến nghị.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện - đơn vị soạn thảo Nghị định 102 cho biết, đang cố gắng phối hợp với đơn vị để đưa ra danh mục vùng rủi ro và loại rủi ro. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kiểm lâm sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cà phê phải đổi mới về công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mới (FTAs) đang tạo ra những cơ hội cũng như thách thức đan xen cho ngành hàng cà phê Việt Nam.
Thuận lợi dễ nhận thấy là được hưởng ưu đãi về thuế suất, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất, chế biến cà phê. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải đổi mới về công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị cà phê...
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng giữa các FTAs đến ngành cà phê Việt Nam, ông Nguyễn Thế Long, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, EVFTA sẽ có ảnh hưởng lớn nhất bởi hấp dẫn về quy mô và ưu đãi thuế, nhất là cho các sản phẩm cà phê chế biến.
Giá trị xuất khẩu sang các nước EU27 rất lớn trong khi nhập khẩu hầu như không đáng kể. Các nước EU27 là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê, hầu như không có cạnh tranh với Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân sang các nước đối tác EVFTA và nhập khẩu đa dạng các sản phẩm cà phê về Việt Nam. Tuy nhiên, một điểm nhấn khi bàn về EVFTA là cơ hội mà hiệp định này mang lại cho phát triển cà phê chế biến (cà phê hòa tan, rang) ở Việt Nam nhờ ưu đãi thuế cho các mặt hàng này trong hiệp định, ông Long phân tích.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành hàng cà phê Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi tham gia các FTAs.
Đó là khả năng cạnh tranh nội khối, rào cản kỹ thuật và về sinh dịch tễ, sở hữu trí tuệ... Đơn cử như việc đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa, nội khối.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, Việt Nam hiện có hơn 600 nghìn ha cà phê, sản lượng gần 1,7 triệu tấn nhân.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân Robusta ra thế giới, còn xuất khẩu cà phê hòa tan và chế phẩm từ cà phê chiếm tỷ lệ không nhiều.
Các nước đối tác của Việt Nam trong CPTPP, RCEP không hoàn toàn là các nước nhập khẩu cà phê để tiêu dùng mà một số nước còn trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cà phê như Malaysia, Mexico, Peru, Indonesia, Philippines.
Bởi vậy sẽ có sự cạnh tranh ngay trong nội khối. Do đó, nếu không sản xuất bền vững, đổi mới công nghệ chế biến thì rất khó cạnh tranh và sẽ mất thị trường xuất khẩu, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA cũng là một thách thức đối với ngành hàng cà phê Việt Nam.Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (lạm dụng chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu) diễn ra tương đối phổ biến ở Việt Nam sẽ là một trong những nguy cơ cao dẫn đến vi phạm cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA...
Ngành cà phê có triển vọng tích cực. Tuy nhiên, để nắm bắt những cơ hội và vượt qua thách thức theo các đại biểu có 3 việc cần thực hiện.
Đầu tiên là phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững, chất lượng cao và đặc sản. Các vùng nguyên liệu sẽ góp phần phát triển công nghiệp chế biến, thu hút đầu tư vào ngành cà phê, gia tăng giá trị xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các cam kết về phát triển bền vững, thúc đẩy tiêu dùng cà phê trong nước.
Cùng đó, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình đầu tư, nâng cấp, đổi mới công nghệ chế biến, chuyển giao công nghệ mà nhóm doanh nghiệp này đang rất có nhu cầu.
Điều này sẽ tạo cơ hội đưa dòng vốn vào chế biến sâu, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trên sân nhà cũng như thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu dùng cà phê trong nước cũng là một cách để kích thích phát triển công nghiệp chế biến càphê, vùng nguyên liệu chất lượng cao, đặc sản, giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài trong trường hợp biến động giá hoặc phòng vệ thương mại.
Thực tế, Việt Nam đang nhập ngày càng nhiều cà phê chất lượng cao, càphê đặc sản từ các nước Colombia, Ethiopia, Panama. Có thể thúc đẩy tiêu dùng nội địa bằng các chiến dịch truyền thông về cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, hỗ trợ đào tạo nhân lực theo chuẩn Hiệp hội cà phê Đặc sản Quốc tế (SCA), hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.