Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 10 năm 2020 | 17:15

Tin NN ĐBSH: Mưa kéo dài làm chậm tiến độ sản xuất vụ đông

Mưa, bão trong những ngày qua làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất vụ đông của bà con nông dân và nhiều nơi do mưa kéo dài đã làm chậm tiến độ sản xuất vụ đông.

 

hai-duong.jpg

Người dân Phường An Sinh khơi thông dòng chảy cho diện tích trồng hành, tỏi sau đợt mưa kéo dài.

 

Hải Dương: Mưa kéo dài làm chậm tiến độ sản xuất vụ đông 

Do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài vừa qua, nên thời gian làm đất của khoảng 1.500 ha cây vụ đông của thị xã Kinh Môn sẽ phải lùi lại ít nhất 10 ngày nữa.

Tính đến hết ngày 13/10 (trước thời điểm mưa do áp thấp nhiệt đới) thị xã Kinh Môn đã làm đất được trên 60% trong tổng số 4.400 ha đất trồng cây vụ đông. Các xã khu nam có tiến độ làm đất nhanh, trong đó xã Thăng Long, Quang Thành đạt 90% diện tích. Tuy nhiên, đợt mưa kéo dài mấy ngày vừa qua đã ảnh hưởng tới tiến độ làm đất.

Để kịp thời khắc phục hiện tượng ngập úng cho diện tích đất trồng cây vụ đông, UBND thị xã đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi, UBND các xã, phường hướng dẫn nông dân duy trì sản xuất.

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi đã tạo các vùng nước đệm, vận hành hệ thống bơm tiêu úng để giúp nước thoát nhanh. Đến nay,  hầu hết diện tích đất phục vụ trồng cây vụ đông của thị xã được khơi thông. Việc làm đất sẽ được tiến hành trở lại sau ít nhất 10 ngày nữa.

Thị xã Kinh Môn chỉ đạo nông dân khẩn trương gieo trồng cây vụ đông đối với diện tích đã lên luống, bảo đảm khung lịch thời vụ. Chuẩn bị dự phòng giống cây vụ đông để kịp thời khôi phục sản xuất khi có thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Tuy nhiên, do mưa lớn mấy ngày qua đã làm hơn 1.800 ha đất sản xuất trong tỉnh bị ngập.

Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương mưa lớn đã làm hơn 1.800ha đất sản xuất trên địa bàn tỉnh bị ngập. Trong đó, có hơn 1.000ha ở các vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả. Các đơn vị đã vận hành 35 trạm bơm với tổng số 210 máy để tiêu úng cho cây trồng. Huyện Thanh Hà có nhiều diện tích bị úng ngập nhất với hơn 600ha đất sản xuất, chủ yếu là diện tích trồng cây ăn quả. Địa phương này cũng đang vận hành hành hết công suất 9 trạm bơm tiêu úng trên địa bàn.

Thanh Hóa: Chỉ đạo khắc phục vụ đông sau mưa, bão

Mưa, bão trong những ngày qua làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất vụ đông của bà con nông dân. Để khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có chỉ đạo kịp thời.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng của Cơn bão số 7 đã và đang làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ đông cũng như sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng.

 

thanh-hoa.jpg

Nông dân xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) chắm dặm lại diện tích cây trồng vụ đông.

 

Đến ngày 15/10 toàn tỉnh đã gieo trồng được 31.945 ha cây vụ đông, đạt 63,9% diện tích gieo trồng. Trong đó, ngô 12.931; đậu tương 216; lạc 1.358 ha; khoai lang 1.831 ha; rau các loại 15.608 ha. Tuy nhiên, mưa bão đã làm cho một số diện tích cây trồng vụ đông bị ảnh hưởng, ngô bị ngã đổ, một số cây trồng khác bị ngập cục bộ.

Ðể chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong điều kiện mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cán bộ tăng cường về cơ sở phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng bị thiệt hại do mưa, lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản về việc hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật ứng phó trước, trong và sau Cơn bão số 7 gửi đến các địa phương, đề nghị thực hiện các phương án tiêu nước như khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng để tránh ngập úng khi gặp mưa lớn. Chuẩn bị đủ lượng hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng khôi phục diện tích vụ đông thiệt hại sau mưa, bão.

Đối với những diện tích cây vụ đông đã gieo trồng bị ảnh hưởng sau mưa bão, nếu tỷ lệ thiệt hại trên 70% thì phá bỏ, gieo trồng lại khi đảm bảo điều kiện. Tỷ lệ thấp hơn thì nhổ bỏ những cây bị chết, chắm dặm đảm bảo mật độ. Cùng với đó tiêu kiệt nước đệm, xới xáo phá váng khi đất khô. Sử dụng các loại chế phẩm qua lá, kích thích ra rễ để hỗ trợ cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.

Hà Nam: Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Sau hơn 6 tháng được khống chế hoàn toàn (tháng 2/2020), ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát vào nửa cuối tháng 9 vừa qua tại xã Phú Phúc (Lý Nhân). Tính đến ngày 5/10, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 hộ chăn nuôi, tại 5 thôn với tổng số 39 con lợn mắc bệnh (ốm, chết) phải tiêu hủy.

Ông Đào Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại xã đã được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Vì thế, hạn chế đáng kể dịch bệnh lây lan ra đàn lợn hiện có. Tuy nhiên, ổ dịch xuất hiện rải rác ở phần lớn các thôn nên nguy cơ lây lan của dịch bệnh là rất lớn.

 

ha-nam.jpg
Lợn thịt được nhập về Chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu (Bình Lục).

 

Trước việc xuất hiện trở lại ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Phú Phúc, các địa phương trong huyện Lý Nhân đều khẩn trương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch. Kết hợp với Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng do tỉnh phát động, huyện Lý Nhân cũng chỉ đạo để người dân mua thêm hóa chất, vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường trong khuôn viên hộ gia đình. Đặc biệt, công tác giám sát dịch tại cơ sở, hộ gia đình được quan tâm nhằm sớm phát hiện xử lý khi có lợn ốm, chết bất thường.

Không riêng huyện Lý Nhân, các địa phương khác trong tỉnh thời gian này luôn đề cao tính chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trở lại. Huyện Bình Lục một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh với gần 100 nghìn con; đồng thời, trên địa bàn huyện có Chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu giao thương buôn bán với nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước nên nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại trên địa bàn rất lớn.

Trước tình hình đó, UBND huyện Bình Lục đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch ngay tại hộ. Đồng thời, cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường giám sát nhằm sớm phát hiện, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời không để lây lan ra diện rộng.

Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục: Huyện  đang triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa tái bùng phát trở lại của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Đặc biệt chú ý đến những ổ dịch cũ và chợ đầu mối gia súc, gia cầm nơi hằng ngày có lượng lớn lợn và phương tiện từ nhiều nơi tập trung về, rất dễ bùng phát dịch.

Được biết, hiện nay cùng với ổ dịch tại xã Phú Phúc, phần lớn các tỉnh lân cận Hà Nam đều đã xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi, như: Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Bình... Do vậy, nguy cơ  dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng là rất lớn nếu không được phòng, chống kịp thời.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT) đánh giá: Thời gian gần đây, chăn nuôi lợn của tỉnh đang từng bước được khôi phục với tổng đàn đạt gần 370.000 con, trong đó đàn lợn nái khoảng 40.000 con (gồm cả lợn nái hậu bị). Tuy nhiên, sau thời gian không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trở lại dẫn đến một bộ phận người chăn nuôi có tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng dịch tả lợn châu Phi lây lan trở lại.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc-xin tiêm phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, các địa phương, hộ chăn nuôi cần tập trung phòng bệnh là chủ yếu; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở để sớm phát hiện và xử lý ổ dịch. Cùng với đó, người dân áp dụng tốt phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng đến các biện pháp, như: nhập nguồn con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng các loại bệnh để nâng cao sức đề kháng cho lợn, thực hiện tốt vệ sinh thú y trong chăn nuôi... Có như thế mới góp phần ngăn ngừa hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, phát triển chăn nuôi đàn lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top