Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2019 | 17:31

Tin NN ĐBSH: Ống hút tre thay ống nhựa xuất ngoại thu tiền tỷ

Xu hướng sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường đã truyền cảm hứng để chàng trai Vũ Đức Lương (Hải Dương) khởi nghiệp sản xuất ống hút tre. Mỗi tháng, anh thu về gần nửa tỷ đồng từ việc xuất ông hút bằng tre.

chang-thanh-nien-dua-ong-hut-tre-xuat-ngoai-5-101436.jpg
Xưởng sản xuất ống hút bằng tre của anh Lương đang tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.

 

Hải Dương: Ống hút tre thay ống nhựa xuất ngoại thu tiền tỷ

Xu hướng dùng lá chuối, lá dong để bọc nông sản, dùng ống hút bằng cỏ, inox thay cho ống hút nhựa… để bảo vệ môi trường đã truyền cảm hứng để chàng trai Vũ Đức Lương, sinh năm 2000, ở thôn La Xá, xã Thanh Tùng (Thanh Miện - Hải Dương) khởi nghiệp sản xuất ống hút tre.

Gia đình anh Lương làm đầu mối bán buôn hàng tạp hóa cho các cửa hàng. Đầu năm 2019, trong một lần giúp bố mẹ đi giao hàng ở tỉnh Sơn La, thấy bà con ở đây chất đống nhiều loại tre, nứa ngoài đường nên anh nảy ra ý định sản xuất ống hút bằng tre.

“Từ xa xưa, ông cha đã dùng ống hút bằng tre để uống rượu cần. Sử dụng sản phẩm này thay thế ống hút nhựa cũng là một cách bảo vệ môi trường. Biết đã có nhiều người khởi nghiệp thành công với ý tưởng này nên tôi cũng muốn làm", anh Lương nói.

Anh Lương phải mất vài tháng mới thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho anh khởi nghiệp từ sản phẩm ống hút tre. Ban đầu anh mượn 200m2 sân của gia đình đã lợp mái tôn để làm nơi sản xuất. Anh nhờ bố mẹ hỗ trợ, vay mượn giúp anh hơn 1 tỷ đồng để mua nguyên liệu, các loại máy cắt, máy đánh bóng, máy sấy...

Bà Nguyễn Thị Ca, mẹ anh Lương cho biết: "Lúc đầu gia đình phản đối chuyện cháu mở xưởng vì nghĩ tuổi trẻ bồng bột. Lương khác các bạn cùng trang lứa, vì lý do cá nhân nên đã nghỉ học từ năm 16 tuổi. Quyết định đầu tư cho con một khoản tiền lớn như vậy, gia đình thấy rất mạo hiểm. Nhưng thấy con quyết tâm nên gia đình cũng đồng ý".

Tháng 3/2019, anh Lương trở lại Sơn La thu mua nứa của người dân. Anh cho biết: “Có nguyên liệu nhưng để làm ra một sản phẩm ống hút tre phải trải qua nhiều công đoạn. Vì chưa có kinh nghiệm nên tôi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu quy trình sản xuất, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhiều lần làm hỏng, tôi mới thấy việc này không hề đơn giản như mình vẫn nghĩ”.

Quy trình làm ống hút tre khá phức tạp nên anh Lương phải tìm tòi, học hỏi và rút kinh nghiệm dần dần. Để sản phẩm ống hút trở nên sáng tạo, bắt mắt hơn, anh Lương còn đầu tư máy khắc chữ để khắc lên ống hút theo yêu cầu của khách.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Lương nhờ bạn bè, người thân tìm các mối hàng, tích cực quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng. Anh còn rao bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Alibaba... Đến tháng 5/2019, anh có đơn hàng đầu tiên. “Khách hàng ở Đài Loan khá khó tính, tôi phải gửi trước 1.000 ống hút tre cho họ để kiểm tra tại phòng thí nghiệm. Sau khi đạt yêu cầu họ mới ký hợp đồng”, anh Lương kể. 

Hiện, xưởng của anh Lương sản xuất từ 1,5-2 vạn ống hút tre/ ngày; doanh thu mỗi tháng đạt từ 400-500 triệu đồng, thu lãi 80-100 triệu đồng. Xưởng sản xuất đang tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/ người/tháng.

Giá 1 ống hút tre của anh Lương từ 1.000-2.000 đồng, có thể tái sử dụng nên tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn ống hút nhựa. Hơn nữa, sản phẩm không sử dụng hóa chất nên rất an toàn với người dùng và thân thiện với môi trường.

Ở nước ngoài, sản phẩm ống hút tre đã có chỗ đứng. Trong nước, ngày càng nhiều quán kinh doanh đồ uống như cà phê, trà sữa, trà chanh... nên tiềm năng của sản phẩm này rất lớn. Dù vậy, để chinh phục thị trường trong nước không phải dễ dàng vì hiện có nhiều loại sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường làm bằng cỏ, từ gạo...

Việc chứng minh được tính ưu việt của ống hút tre so với các sản phẩm cùng loại và thay đổi thói quen dùng ống hút nhựa của khách hàng vẫn cần thêm thời gian.

Hà Nội: Cấp QR code cho 6.949 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa rà soát công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Hà Nội.

 

ma-qr.jpgMã QR code giúp người tiêu dùng kiểm soát nguồn gốc nông sản. (Ảnh: IT)

Kết quả cho thấy, hiện Hà Nội đã thiết lập được cơ sở dữ liệu quản trị cho 3.068 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất - kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn. Trong đó, đã hoàn thiện thủ tục quản lý, tập hợp hồ sơ đăng ký tham gia hệ thống và cấp mã QR code minh bạch thông tin cho 6.949 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Hà Nội (tên miền hn.check.net.vn).

Đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Hà Nội, với sản phẩm đặc sản, vùng sản xuất, như: Vùng vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); rau, hoa, quả (tỉnh Vĩnh Phúc); cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình); cam Phổ Yên (tỉnh Hưng Yên); gạo tám thơm Hải Hậu (tỉnh Nam Định)...

Hưng Yên: Gà Đông Tảo được định hướng tiêu chuẩn hóa xếp hạng 5 sao trong Chương trình OCOP

Theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025, gà Đông Tảo là một trong những sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương tham gia Chương trình OCOP, như: Các xã Đông Tảo, Dạ Trạch, Bình Minh, Tân Dân (Khoái Châu); phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên); các xã Đức Hợp, Nghĩa Dân, Vũ Xá (Kim Động).

 

gadongtao-1568271518-5080-1568271586.png
Gà đông tảo được tiêu chuẩn hóa nâng lên hạng 5 sao trong chương trình OCOP Hưng Yên.

 

Qua đánh giá sơ bộ, sản phẩm được xếp hạng 4 sao với tổng số 85 điểm (theo bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm OCOP). Theo định hướng đến năm 2025, gà Đông Tảo là một trong những sản phẩm được tiêu chuẩn hóa trở thành sản phẩm xếp hạng 5 sao trong Chương trình OCOP của tỉnh.

Có 5.900 ha cây trồng vụ đông được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm

Vụ đông 2019-2020, toàn tỉnh phấn đấu có 6.000 ha cây trồng được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Do đó, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhất là các cây trồng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

177d2194639t60429l0.jpgNông dân xã Công Liêm ( Nông Cống) thu hoạch củ từ vụ đông.

Đồng thời, tuyên truyền để người dân tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất cũng như các điều khoản theo đúng hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp. Cùng với đó, chỉ đạo các HTX nông nghiệp làm tốt vai trò là cầu nối trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và người dân trong quá trình liên kết. 

Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nên tính đến trung tuần tháng 11-2019, toàn tỉnh đã có 5.900ha cây trồng vụ đông được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong đó, có 2.500ha ớt, 1.000ha khoai tây, 1.000ha ngô dày, 9.000ha cây thức ăn chăn nuôi, còn lại là cây rau màu các loại./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top