Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 11 năm 2020 | 16:11

Tin NN ĐBSH: Tạo đột phá mới cho thương hiệu nông sản

Để phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, cần có những giải pháp để tạo được bước đột phá mới.

Hà Nội: Tạo đột phá mới cho thương hiệu nông sản

Đáp ứng yêu cầu mới về xuất khẩu và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực. Để phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Thủ đô trên thị trường, thành phố cần có những giải pháp để tạo được bước đột phá mới.

 

buoi.jpg
Bảo vệ thương hiệu là yếu tố “sống còn”, từ đó phát triển thương hiệu bằng sản phẩm chất lượng cao.

 

Thời điểm hiện tại, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thương hiệu, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cũng như khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế của một số nông sản chủ lực như: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ Japonica...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội (2015-2020) tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để người tiêu dùng yên tâm về các mặt hàng nông sản, thực phẩm, người sản xuất cần chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, khi hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa quan trọng để ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển thương hiệu cho nông sản Thủ đô còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho biết: "Năm 2016 được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chúng tôi đã xây dựng thành công thương hiệu "Gà đồi Sóc Sơn". Hiện tại trung bình mỗi ngày, các thành viên của hội bán ra thị trường 700-800 con gà nhưng chỉ 30% lượng sản phẩm tiêu thụ qua các hợp đồng với cửa hàng, siêu thị. Số còn lại bán qua thương lái và chợ dân sinh nên giá không cao hơn các loại gà khác". Còn bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết, năm 2014, sản phẩm cam Canh Kim An được cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An”. Tuy nhiên, nhiều năm nay sản phẩm cam Canh của gia đình bà vẫn chủ yếu bán cho thương lái đến thu mua tại ruộng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhận định: Hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Hà Nội đã có thương hiệu, tuy nhiên việc phát huy giá trị thương hiệu vẫn là một bài toán khó do sản xuất còn manh mún, dẫn đến sản phẩm không đồng đều... Mặt khác, với nhiều sản phẩm nông nghiệp sau khi được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, việc tổ chức sản xuất, quản lý quy trình canh tác, quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc liên kết tổ chức tiêu thụ chưa được chú trọng nên kênh tiêu thụ chủ yếu vẫn thông qua thương lái.

Để tạo bước đột phá mới, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Thủ đô, các địa phương cũng như người sản xuất cần chú trọng các giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Từ góc độ của người sản xuất, ông Nguyễn Văn Thành ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đề xuất: Để phát triển thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành (đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2013), các ngành chức năng cần hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đồng thời hỗ trợ người dân tham gia các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện tập trung vào 15 mặt hàng nông sản nhằm xây dựng thương hiệu gắn với hỗ trợ ứng dụng phần mềm thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, tạo uy tín với khách hàng; liên kết cùng doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm cho các mặt hàng được xếp hạng sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy xây dựng thương hiệu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tiến tới cấp chứng chỉ về chất lượng sản phẩm, đồng thời tổ chức giới thiệu rộng rãi để người tiêu dùng biết rõ về xuất xứ nguồn gốc. Trước mắt, ngành Nông nghiệp tập trung hỗ trợ cho những mặt hàng nông sản đã được chứng nhận OCOP, như đề xuất thành phố hỗ trợ 100% kinh phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được chứng nhận OCOP.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT kiến nghị thành phố bố trí kinh phí cho hoạt động xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại đối với những nhóm sản phẩm đạt chất lượng. "Thời gian tới, Sở NN& PTNT sẽ phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tổ chức 5-8 hội chợ mang tính chuyên đề về nhóm nông sản đã có thương hiệu để kết nối tiêu thụ", ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

Cùng với những giải pháp hỗ trợ của các ngành chức năng về kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, người sản xuất cần coi việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu là yếu tố “sống còn”, từ đó phát triển thương hiệu bằng sản phẩm chất lượng cao.

Bắc Ninh: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cuối năm

 Dịch COVID-19 được kiểm soát, đời sống kinh tế - xã hội gần như trở lại bình thường, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) vào những tháng cuối năm, nhằm tạo sức bật trong công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

 

11419.jpg
Hội chợ thương mại thường niên của tỉnh thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm.

 

Năm 2020, Trung tâm được giao thực hiện 3 nhiệm vụ chính là: Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) địa phương tham gia 2 hội chợ thương mại thường niên trong tỉnh; tổ chức khu trưng bày sản phẩm tham gia “Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020” và “Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2020). Tuy nhiên, do dịch COVID-19, chương trình “Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020” đã bị hoãn. 2 kỳ Hội chợ thương mại thường niên chưa triển khai được, nhưng đến thời điểm này không còn phù hợp về mặt thời gian. Trung tâm đã đề nghị Sở Công Thương cho phép dừng thực hiện chương trình này. Riêng Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2020) dự kiến diễn ra trong tháng 11, Trung tâm liên hệ với Ban tổ chức Hội chợ đăng ký gian hàng; lập danh sách mời các đơn vị trong tỉnh tham gia, ưu tiên lựa chọn mặt hàng nông sản, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương.

 Ngoài ra, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh cho phép tổ chức lồng ghép 3 chương trình tạo chuỗi sự kiện vào Quí IV gồm: Hội chợ công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Hồng - Bắc Ninh 2020 (thuộc Chương trình XTTM Quốc gia, thực hiện theo QĐ 1967/QĐ-BCT ngày 24-7-2020 của Bộ Công Thương); Triển lãm công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin - Infortech Bắc Ninh 2020 và “Liên hoan Du lịch ẩm thực - Làng nghề Bắc Ninh 2020” (thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư, du lịch địa phương, thực hiện theo QĐ 858/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của UBND tỉnh). Xây dựng, chương trình, đề án XTTM năm 2021 gồm 3 đề án thuộc chương trình XTTM Quốc gia năm 2021 báo cáo Ban Quản lý chương trình cấp Quốc gia về XTTM (Cục XTTM) đề nghị phê duyệt; 6 đề án thuộc chương trình XTTM địa phương năm 2021 báo cáo Sở Công Thương thẩm định. Khai thác, biên tập, viết 30 tin, bài, cung cấp thông tin thị trường, kết nối giao thương gửi DN qua hệ thống email và đăng trên website Sở Kế hoạch và Đầu tư…

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chia sẻ: “Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, hầu hết các chương trình XTTM quốc gia và địa phương tổ chức trong và ngoài tỉnh đều gián đoạn, phần lớn bị hủy hoặc hoãn do phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cuối quý III, dịch được kiểm soát, các hoạt động XTTM bắt nhịp trở lại. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xúc tiến nội địa. Hai tháng cuối năm, Trung tâm tích cực tổ chức và tham gia nhiều hội chợ, phiên xúc tiến... để nhanh chóng giúp DN khôi phục, mở rộng thị trường”.

Trước mắt, từ ngày 16 đến 22 - 11, Trung tâm tổ chức lồng ghép 3 chương trình tạo chuỗi sự kiện. Trong đó, Hội chợ công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Hồng-Bắc Ninh 2020, quy mô 320 gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Triển lãm công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin - Infortech Bắc Ninh 2020 với khoảng 80 gian hàng giới thiệu, trình diễn mô hình, công nghệ công nghiệp, gia công cơ khí, linh kiện điện tử, thiết bị thông minh. “Liên hoan Du lịch ẩm thực - Làng nghề Bắc Ninh 2020” dự kiến hơn 100 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm du lịch, ẩm thực, đặc sản và  trình diễn nghề truyền thống…

Ngoài các hoạt động xúc tiến trong tỉnh, Trung tâm đề xuất các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm OCOP của tỉnh ra một số tỉnh, thành phố có sức tiêu thụ lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Để hoạt động xúc tiến được thúc đẩy mạnh mẽ, thuận lợi, Trung tâm đặc biệt quan tâm tới việc lựa chọn các sản phẩm tốt, đặc thù, kèm chính sách kích cầu giảm giá, khuyến khích người tiêu dùng tại các sự kiện. Theo đó, các DN tham gia những sự kiện này đều linh hoạt thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mại hoặc bố trí các gian hàng dùng thử, tặng quà cho khách...

Với các giải pháp linh hoạt... sẽ giúp hoạt động XTTM phục hồi, đạt kết quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa: Hiệu quả mô hình cải tạo vườn tạp

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, gắn với thực hiện tiêu chí vườn hộ trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ đó, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, cải thiện môi trường sống, chỉnh trang diện mạo nông thôn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng được xem là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp trên địa bàn xã Quý Lộc (Yên Định). Được biết, khi phong trào cải tạo vườn tạp ở xã chưa phát triển mạnh, người dân còn chưa biết trồng cây gì thì anh Dưỡng đã mạnh dạn chặt bỏ nhiều cây trồng hỗn tạp, cải tạo đất, đầu tư trồng 80 cây bưởi Diễn và hơn 30 cây ổi,...

 

178d1201859t42644l0.jpg
Thực hiện cải tạo vườn tạp hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng, xã Quý Lộc (Yên Định).

 

Anh Dưỡng cho biết: Sau khi được Hội Làm vườn và Trang trại huyện tập huấn kiến thức về cải tạo vườn tạp, tôi đã tìm hiểu, lựa chọn các loại giống cây có chất lượng cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật, thiết kế vườn khoa học với từng khu vực trồng các loại cây và hệ thống nước tưới... đồng thời, nghiên cứu cấy ghép cây để cung cấp giống cây có năng suất, chất lượng cao cho người dân ở địa phương. Tuy mới chỉ thành công bước đầu nhưng mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả của gia đình anh Dưỡng đã tạo động lực cho nhiều hộ dân ở địa phương mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn của gia đình.

Được biết, việc triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Yên Định. Đến nay, toàn huyện đã cải tạo được hàng trăm vườn tại các xã Yên Trường, Định Bình, Định Tân, Yên Phú, Quý Lộc,... Để phát huy hiệu quả, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất của các hộ dân và điều kiện tự nhiên của địa phương; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ thực hiện cải tạo vườn tạp là 10 triệu đồng đối với vườn có diện tích 1.000m2 và 5 triệu đồng với vườn có diện tích từ 500 đến 1.000m2, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư sản xuất. Sau khi cải tạo, hầu hết các vườn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 4 lần so với ban đầu.

Theo thống kê của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo được hơn 3.270 vườn tạp, giá trị thu nhập tại các khu vườn được cải tạo đạt bình quân khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2018, chương trình cải tạo vườn tạp ở tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển mới, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25 về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018–2020.

Trong đó tiêu chí số 9 quy định: Có ít nhất 30% vườn hộ có hệ thống tưới, tiêu khoa học hoặc có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Vườn hộ được quy hoạch khoa học, hiệu quả; sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 75% tổng giá trị sản phẩm từ vườn. Thực hiện chương trình này, số vườn tạp được cải tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều; nhiều vườn có diện tích hơn 500m2 đã thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe của người dân. Điển hình như các huyện: Nông Cống, Thạch Thành, Như Xuân, Thường Xuân,...

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, các sở, ban, ngành liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế vườn. Hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân cải tạo đất, xây dựng vườn mẫu khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, định hướng cho người dân sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống cho năng suất, chất lượng cao, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.../.

 

 

 

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top