Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2019 | 15:52

Tin NN miền Trung: Nông dân Hà Tĩnh tất bật vào mùa thu hoạch hành

Sau hơn 4 tháng gieo trồng, đến thời điểm này, người dân các xã Thiên Lộc, Thuần Thiện, Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đang bước vào mùa thu hoạch hành tăm, hành ống, kiệu… bán cho thương lái.

Mặc dù đang còn rất sớm, sương mù dày đặc nhưng trên các cánh đồng ở thôn Trung Thiên, Quyết Thắng (Thiên Lộc), thôn Cứu Quốc, Lồng Lộng (Thuần Thiện), thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc)…, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch hành để kịp giao cho tiểu thương như đã hẹn trước.
 
Bà Võ Thị Thân, 60 tuổi, ở thôn Quyết Thắng (Thiên Lộc) cho biết: “Năm ngoái, gia đình bà trồng 4 sào nhưng năm nay mở rộng diện tích lên 7 sào. Từ đầu vụ (tháng 9) đến nay, bà đã nhập được gần 1 tấn hành tươi, thu được khoảng 12 triệu đồng”.
 
 
hành-hà-tĩnh.jpg
Người nông dân thu hoạch hành tại xã Thuần Thiện (ảnh báo Hà Tĩnh)

 

Theo chị Nguyễn Thị Lý - một thương lái thu mua hành ở thôn Cứu Quốc (Thuần Thiện): “Tùy nhu cầu tiêu thụ từ đối tác, có ngày chúng tôi mua ít, có ngày mua nhiều. Tính trung bình mỗi ngày, tôi thu mua từ 4-5 tạ hành, ngày cao điểm khoảng 7 tạ. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được khoảng 30 tấn. Số hành này tôi chuyển đến chợ đầu mối ở Huế và Đà Nẵng tiêu thụ”.
 
Ngoài hành tăm, người dân còn trồng hành ống, kiệu… đem lại thu nhập khá. Từ đầu vụ tới nay, nhiều hộ đã có thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Tiêu biểu như bà Lê Thị Bính (thôn Cứu Quốc), bà Nguyễn Thị Khương (thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện) có ngày thu hoạch được 1 tạ hành với số tiền 1,2 triệu đồng…
 
Hiện nay, thương lái thu mua hành tăm, kiệu (cả cây lẫn củ) với giá 10 - 11 ngàn đồng/kg; hành ống 8 ngàn đồng/kg, còn hành củ 50 ngàn đồng/kg.
 
Được biết, năm 2019 diện tích trồng hành tăm, hành ống, kiệu của 3 xã Thiên Lộc, Thuần Thiện, Vượng Lộc khoảng trên 200 ha. Trong đó Thiên Lộc là xã có diện tích trồng lớn nhất: 127 ha, Thuần Thiện khoảng 50 ha, còn lại là ở Vượng Lộc.
 
So với làm lúa hoặc các loại rau màu khác, trồng hành tăm, hành ống, kiệu... mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Dẫu vậy, người trồng hành ở Can Lộc vẫn lo ế vì sản lượng lớn, thị trường nhỏ lẻ... nên có lúc không ổn định.
 
Xã Công Thành đạt chuẩn NTM năm 2019
 
Sáng ngày 18/11, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) long trọng tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019.
 
Dự lễ công bố có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN,  lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và lãnh đạo huyện Yên Thành cùng đông đảo bà con nhân dân huyện Công Thành.
 
 
yên-thành.jpg
Xã Công Thành đón nhận Danh hiệu xã đạt chuẩn NTM 2019
 
 
Là xã có xuất phát điểm thấp, nhưng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của  nhân dân, Công Thành đã bứt phá với nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện thành công 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua đạt trên 322 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp hơn 236 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp khang trang, diện mạo thay đổi rõ rệt.
 
Bằng nhiều cơ chế chính sách trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp một cách phù hợp, chú trọng đa dạng hóa việc làm, hiện Công Thành đã đưa thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 34 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm  chỉ còn 4,3%. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bộ mặt nông thôn được đổi mới, môi trường cảnh quan được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
 
 
bna_van_truong_327586046_18112019.jpg
Một góc của xã Công Thành

 

Với những nỗ lực đó, ngày 17/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 3639, công nhận xã Công Thành  đạt chuẩn NTM năm 2019.
 
 
Dân bãi ngang ven biển Hà Tĩnh “chăm” gà an toàn sinh học
 
Dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành thì bệnh LMLM lại xuất hiện ở nhiều địa phương. Chăn nuôi lợn gặp khó khiến nhiều nông dân ở Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) chuyển hướng sang nuôi gà thịt an toàn sinh học...
 
 
gà.jpg
Nhiều cơ sở tại Hà Tĩnh đã nuôi gà để tăng thêm thu nhập

 

Chị Lê Thị Phượng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Tân Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà) đã từng có thời gian dài gắn bó với chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, điều kiện chăn nuôi càng khó khăn, nhất là kể từ khi dịch tả Châu phi hoành hành (DTLCP) thì chị đã không còn có ý định đầu tư vào con nuôi một thời sinh lãi này nữa.
 
Tận dụng sân vườn rộng, nằm trên vùng đất cát, chị Phượng mạnh dạn chuyển hướng đầu tư chăn nuôi gà thịt bán thả rông theo hướng an toàn sinh học. Với gần 2.000 con gà, nuôi theo hình thức cuốn chiếu 3 - 4 lứa mỗi năm, gần như tháng nào chị cũng có gà để bán, thu lãi hàng trăm triệu đồng từ gà.
 
Chị Lê Thị Phượng cho biết: “Nuôi gà trên cát đã được người dân vùng biển áp dụng từ rất lâu, tuy nhiên chỉ mang tính nhỏ lẻ, an toàn dịch bệnh không cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường, chúng tôi đã tìm hiểu và đầu tư hơn về con giống, quy trình kỹ thuật để đầu tư một cách bài bản và phát triển nghề chăn nuôi chủ lực của địa phương. Hiện nay, HTX có trên 10.000 con gà/lứa, vừa gà con và gà đến kỳ xuất bán. Cứ định kỳ, các đầu mối thu mua theo lứa với giá ổn định 60.000 đồng/kg”.
 
Hiện nay, 10/10 hộ chăn nuôi trong HTX đều đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chuồng trại, chấp hành công tác vệ sinh chuồng trại và bảo vệ môi trường... Cuối năm 2018, HTX đạt doanh thu 5 tỷ đồng từ chăn nuôi, trong đó gà thịt khoảng 2 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến căng thẳng, việc tăng đàn, tái đàn lợn là bất khả kháng tại địa phương. Do vậy, xã tập trung vào mũi nhọn phát triển chăn nuôi gà trên cát. Trong đó, mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đã thu được hiệu quả và sức lan tỏa, tạo động lực cho bà con chuyển hướng phát triển nghề truyền thống địa phương theo hướng bền vững hơn”.
 
Quảng Bình: TX. Ba Đồn hướng tới các chuỗi sản phẩm mới
 
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
 
ba-đồn.jpg
Ba Đồn xây dựng chuối liên kết trong nông sản

 

Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, thị xã Ba Đồn có 15 chuỗi liên kết đăng ký hỗ trợ.
 
Đây đều là những chuỗi được lựa chọn căn cứ vào sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương, như: mây tre đan, nón lá, mắm ruốc, lúa gạo, tỏi, bún bánh.
 
Đến nay, phòng Kinh tế thị xã đã thực hiện phê duyệt 4 chuỗi liên kết gồm: sản phẩm tỏi Ba Đồn, sản phẩm lúa, gạo Quảng Hòa, sản phẩm ruốc Nhân Thọ, sản phẩm đũa gỗ Quảng Thủy với tổng mức hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng.
 
Các nội dung hỗ trợ gồm: chi phí khảo sát đánh giá chuỗi giá trị, tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, kinh phí xây dựng hồ sơ, quản lý, nghiệm thu dự án.
 
Hiện, thị xã Ba Đồn đang tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết dựa trên những sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, phấn đấu năm 2020 xây dựng thêm được 2-3 chuỗi sản phẩm mới; có 1-2 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
 
Xây dựng sản phẩm đặc trưng, khẳng định thương hiệu nông sản Bố Trạch
 
Nhằm làm thay đổi tư duy, diện mạo trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã không ngừng nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra những nông sản đặc trưng, có giá trị, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
 
 
mõi-xã-một-sản-phẩm.JPG
Bố Trạch xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp

 

Ông Nguyễn Tuấn Tôn, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, cho biết, hiện trên địa bàn xã đã có 1 hợp tác xã hoa Lý Trạch chuyên cung cấp hoa cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là nghề mang lại thu nhập cao cho người dân, vì vậy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để động viên người dân mở rộng quy mô sản xuất.
 
Đặc biệt, trước tình hình nhiều diện tích ruộng cạn thiếu nước trong vụ hè-thu, chính quyền xã cũng vận động người dân khắc phục, mở rộng diện tích để trồng hoa và cây ăn quả, tránh bỏ đất trống. Đến nay, toàn xã có trên 40ha diện tích đất canh tác quanh năm các loại hoa và phân bố đều trên 10 thôn.
 
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, chất lượng công tác chuyển đổi cây trồng đã có sự chuyển biến về chất nhờ việc áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ vào sản xuất. Tiêu biểu là các cơ sở đã có chứng nhận VietGAP cho sản phẩm, như: hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn và dịch vụ nông nghiệp Dũng Na, HTX sản xuất rau sạch An Nông, cam của hộ ông Bế Văn Mai, nấm của HTX Tuấn Linh, HTX sản xuất kinh doanh cây dược liệu xã Cự Nẫm, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình, HTX nông nghiệp tiêu Phú Quý...
 
Mục tiêu của huyện về nâng cao thu nhập cho người dân chỉ đạt đối với một số đối tượng cây trồng, như: nấm, dược liệu, hoa, rau VietGAP, cây ăn quả, ngô lấy thân, mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng sen. Còn các cây trồng, như: lúa, ngô, lạc, sắn, cao su, tiêu..., thu nhập vẫn còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
 
“Vì vậy, để tạo được nhiều hơn các nông sản đặc trưng, có giá trị, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải pháp của huyện trong thời gian tới là đẩy mạnh việc đưa các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; đồng thời, tăng cường việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến và mở rộng hình thức liên kết với các cơ chế biến sản phẩm để sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Huyện tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi đất trồng cao su, sắn, ngô, lạc kém hiệu quả sang các đối tượng khác có hiệu quả hơn; vận động các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tàu trong công tác chuyển đổi trên địa bàn huyện mở rộng quy mô, liên kết bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm tốt đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa vào lộ trình xây dựng sản phẩm theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top