Cuối tháng 4, sau thời gian dài mất giá, giá dứa tại Lào Cai bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, dứa đã vào cuối vụ, chỉ còn khoảng 10% tổng sản lượng dứa đang chờ được thu hoạch.
Diện tích dứa của Lào Cai hiện có hơn 1.100 ha, trong đó khoảng 1.000 ha cho thu hoạch với tổng sản lượng đạt trên 30.000 tấn. Diện tích dứa tập trung lớn nhất tại xã Bản Lầu (Mường Khương) với hơn 700 ha và một số xã thuộc các huyện như Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Dứa bắt đầu cho thu hoạch từ đầu năm 2019 và thu hoạch rộ trong tháng 3. Tuy nhiên, dứa năm nay mất giá do thị trường tiêu thụ lớn nhất là phía Trung Quốc ngừng thu mua. Giá dứa chỉ đạt khoảng 2.000 đồng/kg, thậm chí nhiều diện tích bỏ không do không có thương lái đến thu mua.
Thương lái thu mua dứa tại xã Bản Lầu (Mường Khương). Ảnh: Báo Lào Cai
Trung tuần tháng 4, khi dứa đã vào cuối vụ, các thương lái Trung Quốc và các tỉnh khác mua hàng trở lại, giá dứa tăng nhanh. Hiện nay, giá dứa bán cho các thương lái đạt 4.000 đồng/kg, giá bán lẻ đạt 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dứa tại Mường Khương, nơi có sản lượng dứa lớn nhất tỉnh đã vào cuối vụ, hiện chỉ còn khoảng 10% dứa chờ thu hoạch. Các địa phương khác có thời vụ thu hoạch dứa muộn hơn cũng chỉ còn khoảng 20-30% tổng sản lượng.
Đào chín rộ, giá giảm mạnh
Thời điểm từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, sản phẩm đào chín sớm của huyện Tam Đường (Lai Châu) có giá từ 30 - 50 nghìn đồng/kg. Thời điểm hiện nay, toàn bộ diện tích đã vào chính vụ thu hoạch, đầu ra không đáp ứng khiến giá giảm chỉ còn 10 nghìn đồng/kg.
Đi dọc quốc lội 4D thuộc địa phận các bản: Sử Thàng, Giang Ma (xã Giang Ma), chúng tôi thấy nhiều cây đào sai trĩu, quả chín đỏ. Được biết, toàn xã có 31,91ha đào, trong đó 8,91ha đã cho thu hoạch với sản lượng 12 tấn quả/ha. Năm nay, sản lượng đào chín sớm toàn xã dự kiến đạt 90 tấn. Thời tiết nắng nóng càng khiến đào chính nhanh, không kịp thu hái dễ thối rụng, ảnh hưởng giá thành.
Gia đình anh Phàn A Páo ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) chọn đào bán cho khách hàng. Ảnh Báo Lai Châu
Ngoài bán cho thương lái, các hộ trồng đào cũng tranh thủ thời gian vận chuyển về thành phố, huyện hoặc ngồi bán dọc tuyến quốc lộ 4D đoạn qua địa bàn xã. Dù vậy, số đào chín trên cây còn quá nhiều, khiến bà con rất lo lắng. Chị Giàng Thị Sùng ở bản Giang Ma (xã Giang Ma) tâm sự: “Đầu mùa, giá đào rất cao, khá nhiều khách mua với giá 40 nghìn đồng/kg. Đến nay, lượng khách giảm trong khi đào lại chính nhanh và còn nhiều. Ngồi cả ngày, tôi cũng chỉ bán được hơn 20kg với giá 10 nghìn đồng/kg. Tôi mong huyện, xã sớm có giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm đào của nông dân”.
Chưa kịp vui vì mùa quả thắng lợi với năng suất cao thì nông dân xã Hồ Thầu cũng chung tâm trạng với bà con ở xã lân cận Giang Ma. Toàn xã có 23,19ha đào, trong đó 13ha đã cho thu hoạch. Thông qua các trang mạng xã hội, mối quan hệ thân quen, bà con tìm được một số mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vậy nhưng cũng chỉ xuất bán được một nửa diện tích so với nhu cầu. Bên cạnh đó, một số tư thương ép giá khiến các hộ dân "tiến thoái lưỡng nan".
Điển hình là bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) có 9,56ha đào được thu hoạch với sản lượng dự kiến đạt 120 tấn đang chín rộ. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn đào, anh Phàn A Páo thở dài liên tục vì 200 cây đào đang độ thu hoạch mà mỗi ngày lượng bán ra không là bao. Mỗi cây, dự tính thu hoạch 30kg đào và thời gian qua, hàng ngày, gia đình anh có 2 người đưa đào xuống chợ trung tâm huyện bán nhưng nhiều hôm vẫn ế hàng. Hiện, các cây đã có hiện tượng đào chín rụng. Anh Páo tâm sự: “Mấy ngày qua, thông qua mạng Facebook của một số người dân trong xã kêu gọi ủng hộ, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong bản đã có thêm khách hàng. Số lượng đào tiêu thụ đã tăng (bình quân 5 tạ quả/ngày) nhưng ngược lại đào chín rất nhanh và mềm rụng. Vậy nên, tôi cũng huy động nhân lực của gia đình hái đào cho tư thương với giá rẻ để vớt chút vốn.
Ông Hoàng Đình Quân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Huyện Tam Đường có 76,1ha đào, trong đó 21,1ha đào chín sớm đang vào vụ thu hoạch quả. Tổng sản lượng đào chín sớm của huyện đạt 253 tấn, tập trung ở 3 xã: Giang Ma, Hồ Thầu và Sơn Bình. Hiện nay, thời tiết trên địa bàn huyện nắng nóng khiến đào chín nhanh và đồng loạt. Người trồng đào không kịp hái bán. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện động viên bà con bình tĩnh tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền xã làm tốt công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút thêm nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết và đặt mua hàng nông sản sạch của Nhân dân địa phương”.
Mãn Đức phát triển trồng cây có múi
Tận dụng điều kiện tự nhiên, lợi thế của địa phương, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Mãn Đức (Tân Lạc, Hòa Bình) đã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đa dạng theo hướng chuyên canh, từng bước ứng dụng KH-KT vào sản xuất. Trong đó, cây có múi đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Năm 2018, gia đình bà Nguyễn Thị Viên, xóm Thanh Đức, xã Mãn Đức (Tân Lạc) thu về 450 triệu đồng từ trồng cam, bưởi.
Cây cam, bưởi trên địa bàn xã đã được người dân trồng từ lâu. Bắt đầu từ các hộ trồng nhỏ lẻ, hiện tại đã mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích 120 ha. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, xã trồng mới 14 ha, diện tích cho thu hoạch hàng năm trung bình từ 30 - 50 ha gồm chủ yếu bưởi đỏ, bưởi Diễn, cam Canh, cam V2... Dù chưa có nhiều mô hình xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP, song các hộ đều hướng sản phẩm đến tiêu chí nông sản sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng hơn vào các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường. Trong năm 2018, toàn xã thu hoạch 35 ha cam, bưởi với giá cả ổn định, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình. Cây có múi tại địa bàn đang tỏ rõ hiệu quả vượt trội, giá trị gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống khác.
Ông Bùi Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Mãn Đức cho biết: "Xác định phát triển cây có múi là nhiệm vụ quan trọng, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương, thời gian qua, xã đã chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo đúng quy hoạch, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của địa phương. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, nhưng đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân".
Tiêu biểu có xóm Thanh Đức phát triển mạnh mẽ với hơn 40 hộ trồng cây có múi, tổng diện tích 35 ha, hộ trồng ít thì 1.000-2.000m2, hộ nhiều 1 - 2ha. Vụ vừa rồi, các vườn đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, bán được giá. Thăm vườn nhà bà Nguyễn Thị Viên, xóm Thanh Đức với diện tích 1,8 ha. Bà Viên cho biết: "Năm 2014, gia đình tôi chuyển đổi diện tích lúa, ngô sang trồng bưởi đỏ, bưởi Diễn và cam. Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư giống, hệ thống nước tưới, xây dựng mô hình theo hướng nông sản sạch, mỗi vụ thu hoạch cam, bưởi đều cho chất lượng cao, được giá. Năm 2018, gia đình thu về 450 triệu đồng từ cây ăn quả".
Đồng chí Bùi Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Mãn Đức cho biết thêm: "Nhằm tiếp tục xây dựng vùng cây có múi mạnh cả về quy mô và chất lượng, xã sẽ tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây có múi, tổ chức các lớp tập huấn đưa KH-KT vào sản xuất, từng bước xây dựng các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP. Sớm thành lập HTX cây có múi nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn".
Na Rì: Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân
Vụ xuân 2019, huyện Na Rì gieo trồng được hơn 4.800ha diện tích cây trồng vụ xuân, đạt hơn 97% kế hoạch, các loại cây trồng đang trong thời kỳ phát triển; tuy nhiên một số địa phương xuất hiện sâu bệnh trên cây ngô và cây dong riềng.
Một số loài sâu đang phát triển trên diện tích ngô trồng xen dong riềng của hộ bà Hà Thị Hồng, thôn Khu chợ A, xã Côn Minh. Ảnh Báo Bắc Kạn.
Vụ xuân 2019, toàn huyện thực hiện được hơn 1.630/1.600 ha lúa, đạt trên 100% kế hoạch, cây ngô thực hiện được hơn 1.957/1.950 ha, đạt hơn 100% kế hoạch, cây dong riềng trồng được hơn 241/450ha, đạt gần 54% kế hoạch, cây thuốc lá trồng được 22/20 ha, đạt 110% kế hoạch, nhiều diện tích năm nay không trồng dong riềng được người dân chủ động chuyển sang trồng cây màu, hiện đang trong giai đoạn chăm sóc, vun gốc. Tuy nhiên, do thời tiết lúc mưa lúc nắng, ở một số diện tích ngô ruộng và dong riềng của một số địa phương xuất hiện sâu ăn lá, sâu đục thân và một số diện tích dong riềng bị vàng lá, bà con đang tích cực diệt trừ.
Tại xã Côn Minh, ông Nông Văn Tuyên- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Vụ xuân năm nay toàn xã gieo trồng được 80/85 ha, các loại cây trồng đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, một số diện tích xuất hiện sâu bệnh hại cây ngô và dong riềng, địa phương đang tích cực chỉ đạo nhân dân chăm sóc, phòng trừ.
Tại các xã Cư Lễ, Hảo Nghĩa một số hộ dân cho biết trên cây lúa cũng có xuất hiện rầy lưng trắng, sâu ăn lá trên cây ngô, dong riềng, nhưng theo bà con thì đang ở mật độ ít chưa thấy phát triển nhiều nên cũng chưa tính đến việc phun thuốc diệt trừ…
Hiện nay chính quyền các xã đang tích cực chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân cách phun thuốc, sử dụng loại thuốc để diệt trừ và tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nhân dân tích cực thăm đồng, chăm sóc cây trồng, sớm phát hiện sâu bệnh để diệt trừ kịp thời.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…