Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2019 | 17:28

Tin Nông nghiệp ĐBSH: Những nông dân làm giàu từ hai bàn tay trắng

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã trở thành một phong trào thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân tham gia.

Thanh Hóa: Những nông dân làm giàu từ hai bàn tay trắng

Được “mục sở thị” trang trại tổng hợp của gia đình anh Đỗ Trung Thành, ở xã Hà Thanh (Hà Trung) chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, diện tích, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Bằng giọng từ tốn, anh Thành kể: Năm 1998, anh đã bắt tay đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi để thực hiện ước mơ của mình. Cái khó nhất lúc ấy là vốn, vì vậy anh chỉ đầu tư theo kiểu nhỏ giọt cho diện tích 4,2 ha đã nhận thầu lâu năm với xã.

Theo kinh nghiệm và học hỏi được ở những nơi anh đã từng đến tham quan, ban đầu nơi nào trũng, khó cấy trồng là anh đào sâu làm ao nuôi cá và cũng lấy đất để tôn cao phần khác làm chuồng trại, chỗ thì trồng cây, trồng cỏ. Nguồn vốn lúc đầu anh trông vào là thông qua hội nông dân xã vay 30 triệu đồng, số tiền quý giá này anh mua ngay 2 con bò, 5 con lợn giống sinh sản, cá giống và một số cây ăn quả khác.

178d1194659t25883l0.jpg
Trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi của gia đình anh Phan Đình Châu, ở xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) hàng năm cho thu nhập cao.

 

Nhờ đam mê, có sức khỏe và chịu khó nên vật nuôi trong trang trại đều phát triển tốt. Với gần 20 ha đất thầu, anh quy hoạch nuôi 300 con bò giống, bò sinh sản; trồng trên 1.000 cây ăn quả các loại như bưởi Diễn, mít Thái, na..., nuôi thêm hàng trăm con gia cầm, thả hàng vạn cá các loại và trồng trên 10 ha cây lấy gỗ. Hiện nay, trang trại của gia đình anh hàng năm cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

Trăn trở với cái đói, cái nghèo đã đeo đuổi bao đời nay đối với bà con, sau nhiều năm suy nghĩ, khảo sát thực tế, anh Phạm Bá Thiều, ở xã Thành Sơn (Quan Hóa) nhận thấy với điều kiện, tiềm năng của địa phương đất rộng, người thưa phù hợp cho việc trồng cây luồng và chăn nuôi trâu, bò, tận dụng các khe suối để khai phá, tu tạo làm ao thả cá.

Năm 1990, gia đình anh vay mượn tiền của anh em, bạn bè mua một con bò giống, tận dụng khe suối đào ao thả cá rộng 2.000m2. Tận dụng diện tích đất làm nương rẫy anh trồng trên 10 ha rừng luồng. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương về việc cho vay vốn sản xuất ưu đãi đối với hộ nghèo và nhân dân đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình anh Thiều được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, phát triển rừng luồng. Gia đình anh có trên 20 ha rừng luồng, hàng năm khai thác, thu nhập từ cây luồng (đã trừ chi phí) từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, anh còn thu nhập từ bán cá ao trên 10 triệu đồng/năm. Có nguồn thu nhập ổn định, anh đầu tư xây dựng gia trại với quy mô hộ gia đình để chăn nuôi tổng hợp, gồm: Trâu, bò, dê, lợn rừng, gà đồi, hiện gia đình anh có 5 con trâu, 15 con bò, 30 con dê, nguồn thu nhập từ chăn nuôi đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Để có được mô hình sản xuất hiệu quả như hiện nay, gia đình anh Phan Đình Châu, ở xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả. Nhận thấy địa phương có tiềm năng về đồi rừng, năm 2008, anh Châu quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế. Với gần 10 ha đất đồi rừng, anh dành 8 ha trồng cam, bưởi, na...

Ngoài ra, anh còn chăn nuôi trâu, bò, ong, đào ao thả cá, vừa cải thiện đời sống, vừa tăng thêm thu nhập. Hiện nay, trang trại của gia đình anh hàng năm cho thu lãi gần 200 triệu đồng.

Trên đây chỉ là số ít những “lão nông” vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng những người như anh Thành, anh Châu, anh Thiều vẫn quyết tâm sống trọn với ước mơ của mình. Nhiệt huyết của các anh cũng như hàng vạn người con xứ Thanh đang nỗ lực, cố gắng làm giàu cho gia đình và quê hương.

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Để tạo điều kiện giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hàng năm các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây phù hợp cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hộ gia đình sang sản xuất mang tính chất nhóm, tổ...

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có hơn 23 vạn hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hà Nội: Hình thành vùng sản xuất hàng hóa

Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang hình thành nhiều vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó, nhãn chín muộn của Hà Nội đã được xuất khẩu tới Australia, Malaysia, Mỹ…, mở ra hướng làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, do diện tích còn manh mún, nhiều nơi chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái, tiêu thụ trong nước. Vậy, đâu là giải pháp để hình thành những vùng cây ăn quả theo hướng hàng hóa chất lượng cao để có thể xuất khẩu?

buoi.jpg
Trồng bưởi Diễn ở huyện Chương Mỹ mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Quỳnh Dung

 

Là một trong những vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao của thành phố, huyện Chương Mỹ hiện có gần 600ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là xã Nam Phương Tiến với diện tích lên tới 150ha. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ loài cây đặc sản này. Ông Phùng Văn Hà ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: Gia đình có 4,5ha trồng bưởi, với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch, năng suất đạt 150 quả/cây, chất lượng tốt và đồng đều. Với giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/quả, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình thu về gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

Tương tự tại huyện Đan Phượng cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với trồng cà phê của gia đình ông Phùng Văn Giáo ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ngoài 2ha trồng cây cà phê, trang trại còn có 1,4ha trồng các loại cây ăn quả như: Cam Canh, cam Vinh, chanh đào,… Sản lượng quả đạt từ 15 đến 20 tấn/năm, cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm.

Một trong những yếu tố cơ bản để cây ăn quả của Hà Nội mang lại hiệu quả kinh tế cao là nông dân không chỉ có kinh nghiệm thâm canh mà còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học. Đánh giá về việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Hiện diện tích trồng cây ăn quả của thành phố vào khoảng 17.000ha với các loại cây chính là bưởi, cam, nhãn, chuối; còn lại là táo, đu đủ, hồng xiêm, vải, xoài… Đặc biệt, Hà Nội đã có 924,5ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố), trong đó 634ha ứng dụng giống chất lượng cao, 372ha chuối ứng dụng công nghệ cao...

Để nâng cao giá trị sản phẩm, thành phố đã xây dựng được 12 nhãn hiệu cây ăn quả tập thể như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở (Hoài Đức), cam Canh Kim An (Thanh Oai)... Qua đó, hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây ăn quả đã được nâng cao như: Bưởi Diễn đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm, cam Canh đạt 700-800 triệu đồng/ ha/năm, nhãn chín muộn đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị cho cây ăn quả, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trái cây của các địa phương. Cùng với đó, tăng cường tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại cho sản phẩm trái cây để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường…

Hà Nội có nhiều tiềm năng, nhưng để hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, các ngành chức năng cần tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, từng bước tạo ra những sản phẩm trái cây có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Hải Dương: 10 doanh nghiệp bao tiêu cà rốt Đức Chính từ đầu vụ

Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng), đến nay đã có 10 doanh nghiệp cam kết bao tiêu cà rốt của địa phương.

chua-thu-hoach-ca-rot-duc-chinh-da-co-9-doanh-nghiep-ca-rot-1-1536430026-width640height480.jpg
Người dân Đức Chính thu hoạch cà rốt. (Ảnh minh họa)

 

Trong đó có 7 doanh nghiệp trong nước và 3 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Hiện các bên đã đạt được thỏa thuận về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, riêng giá bán sẽ thống nhất trước thu hoạch khoảng 1 tháng trên cơ sở nhu cầu của thị trường. HTX đang tiếp tục liên hệ để tìm kiếm đơn vị bao tiêu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Đến nay, xã Đức Chính đã gieo trồng được hơn 250 ha cà rốt, đạt 70% kế hoạch, dự kiến sẽ gieo trồng xong trong tháng 9, nhanh hơn 10 ngày so với vụ đông trước. Xã xây dựng hơn 30 ha cà rốt đạt chuẩn VietGAP ở các thôn Địch Tràng, Tự Trung./.

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top