Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 3 năm 2022 | 11:24

Triển vọng trồng sâm Ngọc Linh ở Tây Bắc

Cây sâm Ngọc Linh khá phù hợp với điều kiện khí hậu ở vùng Tây Bắc, nên nhiều địa phương đã thúc đẩy trồng thử nghiệm nhằm thay thế các loại cây nông nghiệp kém hiệu quả.

Người đầu tiên đưa sâm Ngọc Linh về Sơn La

Khu trồng sâm Ngọc Linh nằm dưới những tán rừng già tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Đây là khu trồng sâm Ngọc Linh với đủ các loại cây từ 2 đến 7 năm tuổi. Tuy nhiên, để có được một khu trồng sâm Ngọc Linh thành công như này, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã phải mất hơn 10 năm lang thang khắp các cánh rừng già hay những vườn sâm giống gốc trên tít rừng sâu Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam để học cách trồng, chăm sóc.

 

001.jpg

Sâm trồng tại Sơn La được đánh giá có chất lượng ngang như sâm ở Quảng Nam

 

Nhớ lại những ngày ăn rừng, ngủ rừng để học kỹ thuật trồng và tìm hiểu về cây sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Chí Long nói, cách đây 15 năm, tình cờ trong một lần ngồi trò chuyện cùng một đồng đội về cây sâm Ngọc Linh và tôi đã bị cuốn hút bởi loại dược liệu này. Đặc biệt là sau khi mua về cho người thân trong gia đình và bản thân dùng càng thêm quyết tâm hơn bởi giá trị của loại thảo dược này rất tốt cho sức khỏe.

Ông Long chia sẻ thêm, lúc đó nghĩ, tại sao vùng Sơn La có đầy đủ các yếu tố về khí hậu, độ cao… cho cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng mà lại bỏ phí đi như vậy. Thế là tôi đã quyết tâm học hỏi và mang về trồng ở Sơn La. Sau đó, nhiều năm liên tục tôi đã lang thang khắp các cánh rừng trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Sau này, lại tiếp tục ăn rừng, ngủ rừng khắp các cánh rừng già thuộc các xã vùng cao của Sơn La để trồng thử nghiệm từ hạt giống cho đến các cây giống từ 1 đến 3 năm tuổi...

Nhiều năm liên tục, những ai biết được kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh của ông Long, ai nấy cũng đều lắc đầu cười và không tin loại cây dược liệu quý được coi là cây “quốc bảo” của Việt Nam lại có thể trồng được thành công trên vùng đất Sơn La, đặc biệt lại còn gieo trồng bằng hạt. Bởi để cây sâm Ngọc Linh sống được ở vùng đất Sơn La, ngoài việc đòi hỏi kỹ thuật, công chăm sóc thì vấn đề vốn đầu tư và thời gian cũng là câu chuyện đáng để nghĩ tới mà không phải ai cũng dám đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, thời điểm tôi còn đang là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, khi đó nghe doanh nghiệp trình bày về kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh cũng thấy bất ngờ. Bởi không phải doanh nghiệp nào ở vùng Tây Bắc này cũng dám đầu tư vào loại cây dược liệu khó trồng này. Trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt thì ít nhất cũng phải 8 năm mới cho thu hoạch củ, thậm chí là 10 năm và chưa biết chất lượng củ khi đó có đảm bảo không. Trong khi việc trồng sâm Ngọc Linh như vậy chính là một sự đánh đổi đầy mạo hiểm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ khẳng định, đến thời điểm này có thể khẳng định cây sâm Ngọc Linh trồng được ở Sơn La. Như cây gần 2 năm tuổi nhổ lên đã cho củ bằng nửa ngón tay cái. Hiện tại doanh nghiệp đang có gần 10.000 cây sâm Ngọc Linh được gieo bằng hạt từ tháng 11/2019 và trồng bằng cây giống giờ đã có độ tuổi từ 2 đến 7 năm tuổi.

Triển vọng cây sâm Lai Châu

Các nhà khoa học Viện Dược liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam qua kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã kết luận sâm Lai Châu thuộc sâm Panax Vietnamensis fodicus var cùng dòng với sâm Ngọc Linh với 52 loại saponin (saponin là chất chống ung thư). Yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn và quý nhất thế giới.

Với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh ta, sâm Lai Châu có trong tự nhiên thuộc các dải núi Pu Ta Leng kéo dài đến dải núi Pu Si Lung với độ cao thích hợp từ 1.500-3.000m so với mực nước biển, thuộc các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, có hàng trăm nghìn héc-ta được các nhà khoa học đánh giá phù hợp phát triển sâm Lai Châu.

 

sam-lai-chau.jpg

Vườn sâm Lai Châu được trồng tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Ảnh tư liệu

 

Huyện Mường Tè có diện tích tự nhiên gần 267.500ha, trong đó, tỷ lệ che phủ rừng chiếm gần 66%, là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh; có vị trí địa lý, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện Mường Tè đã vận dụng linh hoạt những chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp và người dân trồng sâm Lai Châu.

Đồng chí Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, trên địa bàn huyện, cây sâm Lai Châu được xác định phù hợp ở các xã biên giới với diện tích lên đến hàng chục nghìn héc-ta. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng của Trung ương và của tỉnh, huyện Mường Tè sẽ thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu.

Huyện luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và người dân giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, người dân tham gia trồng sâm Lai Châu được tiếp cận các chính sách của địa phương về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện các nghị quyết, chính sách, Đề án Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách. Hàng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiềm năng phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè bước đầu được các nhà đầu tư, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các xã phát huy. Ông Ngô Tân Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sâm Pu Si Lung cho biết: Hiện, công ty đang triển khai dự án trồng rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ. Qua tư vấn của các nhà khoa học cùng định hướng của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè, công ty đã triển khai phát triển cây sâm Lai Châu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn cho thấy, trung bình 1ha sẽ trồng được khoảng 25.000 cây sâm Lai Châu, sau 5 năm sẽ thu hoạch khoảng 800kg sâm tươi. Hiện nay, trên thị trường, củ sâm từ 5-6 năm tuổi có trọng lượng khoảng 20 củ/kg có giá bán từ 80-100 triệu đồng/kg.

Qua thực tế triển khai trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ cho thấy cây sâm Lai Châu rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; với đặc tính của sâm Lai Châu chỉ phát triển dưới tán rừng sẽ hạn chế tình trạng phá rừng và nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Loại cây này không còn là cây nông nghiệp xóa đói giảm nghèo mà là cây làm giàu cho nông dân các dân tộc vùng trồng sâm của huyện. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng và tổ chức nghiên cứu, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu. Trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn công ty sẽ tạo công ăn, việc làm cho bà con; đồng thời chuyển giao giống, kỹ thuật để người dân có thể tham gia trồng sâm phát triển kinh tế.

Bà Lò Phù Mé, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết: Trước kia trên địa bàn xã tại dãy núi Pu Si Lung, cây sâm Lai Châu có rất nhiều, nhưng do người dân khai thác không hợp lý nên giờ rất hiếm. Tại một số bản như: Sín Chải B, Chà Gá... người dân đã trồng sâm dưới tán rừng. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh và huyện, xã khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện phát triển kinh tế dưới tán rừng. Hiện đã có một nhà đầu tư triển khai trồng sâm Lai Châu và một số cây dược liệu khác trên địa bàn. Tuy nhiên, việc trồng sâm Lai Châu đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật cao, cấp ủy, chính quyền xã đã đề nghị các nhà đầu tư phải thực hiện tốt công tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Đồng thời có phương án, lộ trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống để người dân trong xã có thể tham gia trồng sâm Lai Châu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Huyện Mường Tè đã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 36 hộ nông dân đang liên kết, tổ chức trồng cây dược liệu, trong đó diện tích vườn sâm Lai Châu đã phát triển được trên 5,6ha tại các xã: Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ, Ka Lăng. Với những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên phù hợp và chủ trương của tỉnh, huyện Mường Tè sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân và thu hút các nhà đầu tư thực hiện liên kết trồng sâm Lai Châu tại các xã có tiềm năng, lợi thế. Cây sâm Lai Châu trở thành một trong những cây nông nghiệp chủ lực của huyện, với mục tiêu hướng đến là sản phâm hàng hóa quý, được chế biến sâu có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng biên giới giàu mạnh.

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Sơn La luôn khuyến khích và ủng hộ các tập thể, cá nhân phát triển các vùng trồng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở kết quả đánh giá, khảo nghiệm từ phía các cơ quan chuyên môn, tỉnh Sơn La sẽ đề xuất nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh này theo quy mô lớn. Đồng thời, sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn chuẩn bị các thủ tục theo đúng quy định để tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý cho củ sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La.

Với kết quả đánh giá chất lượng tốt, Sơn La đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây trồng mà người dân các xã vùng cao khó khăn của Sơn La có thể dựa vào đó để nâng cao thu nhập. Trước mắt tại bản Sam Ta, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ miễn phí cho các hộ trong bản cây giống 1 năm tuổi để trồng. Đồng thời, tỉnh Sơn La sẽ tiến tới việc tăng diện tích và nhân rộng mô hình này, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu từ trồng cây dược liệu nói chung, cây sâm Ngọc Linh nói riêng.

Sa Pa trồng sâm Ngọc Linh để thay thế các loại cây nông nghiệp kém hiệu quả

Năm 2019, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được tỉnh đầu tư thực hiện mô hình “Trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh” với 300 cây sâm giống gốc. Sau gần 3 năm triển khai trồng và chăm sóc, đến nay Vườn đã nghiên cứu, thực hiện nhân giống được hơn 2.000 cây bằng phương pháp lấy hạt của cây gốc để gieo trồng.

Theo đánh giá ban đầu, cây sâm Ngọc Linh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sinh trưởng, phát triển tốt trên địa bàn thị xã Sa Pa. Đây là điều kiện để Vườn Quốc gia Hoàng Liên có thể chuyển giao kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh cho người dân địa phương, nhằm thay thế các loại cây nông nghiệp kém hiệu quả; đặc biệt là sẽ hướng tới việc trồng thay thế, giảm dần diện tích cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong rừng đặc dụng thuộc khu vực Vườn Quốc gia.

 

sam-ssp.jpg

Quả sâm Ngọc Linh để nhân giống.

 

Với mô hình nhân giống hiện nay, dự kiến từ năm 2023 trở đi Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ nhân giống được khoảng 2.500 cây sâm Ngọc Linh mỗi năm để cung cấp cho nhân dân trồng.

Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao (thuộc Phụ lục I, nhóm IA theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ). Tại Lào Cai, loài này chưa được trồng với quy mô lớn do việc tiếp cận nguồn giống chuẩn rất khó khăn và chưa có những khảo nghiệm đánh giá mức độ phù hợp của sâm Ngọc Linh trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Do vậy, việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ giúp đánh giá, tiến tới cung cấp giống để nhân rộng trong thời gian tới.

Mới đây, Hội Nông dân thị xã Sa Pa vừa hỗ trợ trồng thử nghiệm mô hình cây sâm Lai Châu cho hội viên tại phường Sa Pả.

 

sam-sapa.jpg

Hỗ trợ hội viên nông dân phường Sa Pả trồng cây sâm Lai Châu trong nhà lưới. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Ông Nguyên Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết, mô hình sẽ là cơ hội để hội viên nông dân thị xã làm quen với loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình hướng tới việc mở rộng diện tích trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân và làm giàu thêm nguồn nguyên liệu, dược liệu quý hiếm cho Sa Pa, nhằm phục vụ nhu cầu về cây dược liệu quý cho các vùng và công ty dược liệu trong cả nước.

Mô hình thử nghiệm ban đầu được đầu tư trồng 200 cây sâm Lai Châu, với 2 hộ gia đình nông dân tại tổ dân phố số 4, phường Sa Pả tham gia. Cùng với việc hỗ trợ cây giống, Hội Nông dân thị xã Sa Pa sẽ phối hợp với một số cơ quan chuyên môn để tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho các hộ dân trong việc trồng, chăm sóc để cây sâm có thể phát triển một cách tốt nhất. Được biết, toàn bộ kinh phí cho mô hình được hội thực hiện xã hội hoá.

Hiện, sâm Lai Châu đang có giá bán trên thị trường dao động từ 20-50 triệu đồng/kg, tuỳ thuộc vào độ tuổi của cây.

Cây sâm Lai Châu là loài có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh. Nghiên cứu định lượng saponin toàn phần bằng phương pháp cân cho thấy hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh tương đương nhau (khoảng 20%); kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ra sâm Lai Châu là nguồn gen đặc biệt quý hiếm tại Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Do đó, sâm Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top