Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 4 năm 2021 | 7:4

Trồng khoai tây cho hiệu quả cao

Hiện, một số xã ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đang liên kết, kết nối với doanh nghiệp trồng khai tây. Nhờ có đầu ra ổn định, kết hợp với khoai được mùa nên người trồng có lợi nhuận từ 3,5 đến 4 triệu đồng/sào.

Khoai tây Atlantic được mùa

Để tạo thói quen cho người dân trong việc sản xuất hàng hóa và nhân rộng diện tích khoai tây chế biến, vụ đông năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Sơn Động triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây chế biến Atlantic.

Khoai tây Atlantic là giống cho năng suất cao, chín sớm, thời gian sinh trưởng 85-100 ngày, củ tròn, mắt nông, vỏ có màu trắng ngà, kích thước củ khá đồng đều, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu chế biến công nghiệp khoai tây chiên lát.

Mô hình được thực hiện thí điểm ở hộ bà Lào Thị Toan, thôn Sầy, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động. Khi tham gia bà Toan được hỗ trợ 70% giá giống, 50% phân bón NPK 16:16:8 và 50% thuốc bảo vệ thực vật.

 

 Khoai tây Atlantic đem lại năng suất cao cho người dân.

 

Sau 95 ngày trồng, mới đây mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt 17 tấn/ha, toàn bộ sản phẩm được Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Tân Nông ký kết thu mua với giá 7.600 đồng/kg. Hạch toán sơ bộ, mỗi ha khoai tây cho thu lãi 83 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 14 triệu đồng.

Ông Hà Đức Thảo, Phó trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Khuyến lâm (Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang), người trực tiếp chỉ đạo mô hình, cho biết, vụ đông năm 2020, diễn biến thời tiết đầu vụ khá thuận lợi cho việc xuống giống và sau khi trồng thời tiết cũng tương đối thuận lợi cho cây khoai tây nảy mầm. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các hộ tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Toàn bộ diện tích trong mô hình đều được xuống giống đồng loạt, trồng tập trung trong 2 - 3 ngày; đảm bảo tốt thời vụ trồng; có khả năng nảy mầm cao và tập trung sau trồng. Trong suốt quá trình từ khi trồng đến giai đoạn thu hoạch, mô hình luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật nên toàn bộ diện tích khoai tây không bị ảnh hưởng bởi các đối tượng sâu bệnh hại, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Việc triển khai thành công mô hình sản xuất khoai tây Atlantic cho năng suất, chất lượng cao, liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm không những nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, mà còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển phong trào sản xuất cây vụ Đông. Liên kết trong sản xuất, còn giải quyết nỗi lo được mùa mất giá cho nông dân, hướng tới một nền sản xuất ổn định.

Được mùa người dân phấn khởi

Không chỉ giống khoai tây Atlantic ở xã Tuấn Đạo cho hiệu quả, hiện nay, nhiều hộ trồng khoai tây ở xã An Lạc (Sơn Động) đang rất phấn khởi vì được mùa. Năm 2021, xã An Lạc có khoảng 51 hộ trồng khoai tây, trên diện tích hơn 40 ha, tập trung ở cánh đồng Nà Ó, Biểng, Kim Bảng. Do từng có kinh nghiệm trồng khoai tây, nên việc chăm sóc được người dân nắm rõ.

 

 Công ty Cổ phẩn sản xuất và Thương mại Tân Nông về tận ruộng thu mua khoai tây cho người dân.

 

Bà Trần Thị Sinh, thôn Nà Ó (xã An Lạc), cho biết, năm nay gia đình trồng 10 sào khoai tây, sau 3 tháng trồng và chăm sóc năng suất đạt từ 8 tạ đến 1 tấn củ/sào. Do được doanh nghiệp cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nên thu hoạch đến đâu được Công ty đưa xe về thu mua tận ruộng, với giá 7.200 nghìn đồng/1kg. Trừ chi phí, gia đình bà thu lãi hơn 40 triệu đồng.

Vụ đông năm 2020, huyện Sơn Động liên kết với Công ty Cổ phẩn sản xuất và Thương mại Tân Nông Bắc Giang và Công ty Orion Việt Nam trồng hơn 100 ha khoai tây chế biến, chủ yếu tập trung ở các xã An Lạc, Tuấn Đạo, thị trấn An Châu, Vân Sơn, Phúc Sơn…

Ông Mã Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc, cho biết, trước đây, sau thu hoạch lúa, người dân chủ yếu trồng ngô đông hoặc bỏ đất trống. Từ khi có sự liên kết với doanh nghiệp, cây khoai tây đã trở thành cây trồng chính vụ. Với giá khoai tây 7.200 đồng/1kg, tính bình quân, mỗi sào đem lại lợi nhuận từ 3,5 đến 4 triệu đồng. So với các loại rau màu khác thì khoai tây cho thu nhập cao hơn.

 Nông dân xã An Lạc thu hoạch khoai tây.

 

Có thể thấy mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng chứng minh được hiệu quả và là hướng đi đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Bởi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ không chỉ giúp nông dân gia tăng chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất, mà còn góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân.

Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định. Ngoài ra, người dân còn có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top