Việc truy xuất nguồn gốc được coi là một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch hóa của toàn bộ chuỗi cung ứng cho nông sản. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản.
Đồng thời, truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường dễ dàng truy cập và theo dõi thông tin nông sản từ nơi nuôi trồng, khai thác cho tới khi vận chuyển, chế biến và tung ra thị trường, góp phần xóa bỏ thực trạng “mù mờ” của nền nông nghiệp.
Xóa bỏ thực trạng “mù mờ”
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN), trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thì truy xuất nguồn gốc được coi là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản, giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Để đón đầu xu hướng này, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì triển khai, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.
Cổng này sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Hiện nay, Bộ KH&CN đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.
Dẫn câu nói của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan “một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nêu thực trạng hiện nay người sản xuất còn “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất. Điều này dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung-cầu, người tiêu dùng cũng mất niềm tin vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối của chuỗi nông sản…
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, trước hết cần minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng.
“Minh bạch thông tin là yêu cầu bắt buộc. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần phải chủ động minh bạch thông tin, tránh việc ‘mù mờ’. Mọi người thường nghĩ truy xuất nguồn gốc là bị thanh tra, kiểm tra, bị bắt buộc phải làm, nên đại bộ phận làm chống đối, nhưng đây là sai lầm nghiêm trọng”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến.
Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc hiện nay cũng gặp phải thực trạng khó khăn từ nhiều phía, trong đó cơ quan quản lý nhà nước chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các sai phạm khi truy xuất nguồn gốc; quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản.
Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận người dân chưa biết cách bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình. Còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối; nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng. Tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra còn khá phổ biến, các tiêu chí quy định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực đề nghị Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời có những công cụ phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phầm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Việt Nam chưa tuân thủ quy chuẩn nào
Ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết: Hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào.
Ông Đoan cho biết: "Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhưng tính xác thực lại thấp. Tôi đã thử nghiệm truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm trong một siêu thị lớn thấy đa phần mới chỉ là điện tử hóa tem nhãn. Trên mã tem mới hiện thông tin về sản phẩm chứ không phải lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm. Tình trạng này rất phổ biến. Khách hàng cũng không hiểu đó chỉ là tem nhãn chứ không phải truy xuất nguồn gốc".
"Sản phẩm nào cũng là 7 ngày với phân bón và 10 ngày với thuốc bảo vệ thực vật, dù đó là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật gì. Trong khi có những loại phân bón, yêu cầu thời gian cách ly chỉ 3 ngày hay thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu cách ly 14 ngày", ông Đoan dẫn chứng.
Ông Đoan cho biết, các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Thậm chí một sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc rất bài bản là vải thiều Hải Dương, khi quét tem truy xuất nguồn gốc cũng không có các thông tin đầy đủ về sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng, không có đơn vị sơ chế, vận chuyển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, truy xuất nguồn gốc chính là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người dùng, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam. "Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc đối với nông sản xuất khẩu", ông Linh nói.
Tuy nhiên, một thực tế được bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hội Nông nghiệp số Việt Nam nêu, có rất nhiều doanh nghiệp coi việc truy xuất nguồn gốc giống như bị thanh kiểm tra, là việc buộc phải làm. Vẫn còn còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo. Nhà vườn có sổ tay sản xuất, đến kỳ đánh giá tiêu chuẩn VietGap hay mã vùng trồng, nhiều người đưa ra theo kiểu đối phó mà không hiểu đây là hồ sơ kinh nghiệm để đúc rút trong sản xuất. "Họ không hiểu rằng truy xuất nguồn gốc chính là công cụ xây dựng thương hiệu cho chính mình, uy tín của doanh nghiệp", bà Thực khẳng định.
Để truy xuất nguồn gốc nông sản, cần đến các công cụ số. Nhưng theo bà Thực, "muôn vàn khó khăn" khi thực hiện chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc. Khó khăn lớn nhất là quản lý nhà nước còn yếu kém, có rất nhiều quy định về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng với nông sản lại chưa làm nghiêm.
"Có tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra khá phổ biến. Hiện có rất nhiều app nhưng không có sự thống nhất, thiếu tính tin cậy", bà Thực nói và cho rằng vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, liên quan đến mọi người, mọi nhà, không có lý do gì để kéo dài mãi tình trạng này.
Về giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản Việt, bà Thực cho rằng Nhà nước cần có các khung chính sách sát thực tế, kiểm soát nghiêm việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc. Có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Ông Đoan cũng thông tin thêm, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Dự kiến sẽ ra mắt vào quý V năm 2022.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia là nhiệm vụ triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Áp dụng truy xuất nguồn gốc cả với thị trường nội địa
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, hầu hết các nước đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đói với nông sản nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các loại trái cây; cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, với, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa 100 triệu dân. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản; giúp người nông dân - chủ thể chính của tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao khả năng đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
“Chính vì thế, truy xuất nguồn gốc hơn bao giờ hết là nội dung hết sức quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tới đây, việc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.