Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 4 năm 2021 | 10:14

TT - Huế: Hơn 1.000 ha sắn mắc bệnh chưa có thuốc trị

Bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Hiện, chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh này.

Theo kế hoạch, năm 2021, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sản xuất cây sắn trên diện tích khoảng 4.198ha. Hiện nay, các địa phương đã trồng được khoảng 3.072ha và cây sắn đang giai đoạn mọc mầm, ra lá.

Năm 2021, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sản xuất cây sắn trên diện tích khoảng 4.198ha.
Năm 2021, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sản xuất cây sắn trên diện tích khoảng 4.198ha.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo, bệnh khảm lá sắn đang gây hại khoảng 1.003,78ha trên trên các giống sắn KM94, KM140 tại huyện Phong Điền 588,28ha, thị xã Hương Trà 405,5ha, huyện A Lưới 10ha; diện tích nhiễm <30%: 10ha, nhiễm 30-70%: 319ha, nhiễm >70%: 668,28ha; đã tiêu hủy 6,5ha.

Kiểm tra thực địa các diện tích trồng sắn tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) và phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà), cơ quan chức năng nhận thấy tại đây, nhiều diện tích sắn mới trồng xuất hiện các khảm vàng loang lổ trên lá. Một số khu vực nặng khiến lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm, sinh trưởng kém. Hiện hầu hết các diện tích trồng sắn hai địa phương nêu trên đã nhiễm bệnh.

Trực tiếp đi kiểm tra tình hình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp kiểm tra và yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp kiểm tra và yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn.

 

Theo đó, trước mắt tiến hành nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng. Đặc biệt là các địa phương đang có diện tích nhiễm bệnh khảm lá như phường Hương Xuân, Hương Văn, Hương Vân, Hương Chữ, Tứ Hạ (thị xã Hương Trà); xã Phong Hiền, Phong An, Phong Mỹ, Phong Sơn (huyện Phong Điền); xã Hồng Hạ, Hương Nguyên (huyện A Lưới). Ngăn chặn triệt để việc buôn bán hom sắn nhiễm bệnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giống từ các vùng về trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, để ngăn chặn bệnh khảm lá sắn các đơn vị phải thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng bị bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác điều tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện sớm và chỉ đạo biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ bọ phấn (môi giới truyền bệnh) gây hại trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý và phòng trừ để hạn chế bệnh khảm sắn lây lan. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nhổ bỏ các cây sắn đã nhiễm bệnh; tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra phát hiện bệnh sớm và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Được biết, bệnh khảm lá sắn là một đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.

Hiện, chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá.

 

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top