Cây cao su còn được người dân gọi với tên “vàng trắng” vì giá trị kinh tế mà nó mang lại khá cao. Tuy nhiên, một khi loài cây này gặp rủi ro, nó cũng khiến người dân phải lao đao theo.
Đó là thực trạng đang diễn ra tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế - nơi còn được mệnh danh là “thủ phủ” cây cao su của địa phương này.
Được người dân trồng từ những năm 1995
Theo tìm hiểu, khoảng từ năm 1995, người dân xã Phong Mỹ bắt đầu đưa cây cao su vào trồng tại địa phương. Những năm từ 1995 - 1997, địa phương này trồng được gần 100ha cây cao su.
Đỉnh điểm của việc gieo trồng cây cao su ở xã Phong Mỹ là những năm từ 2001 - 2006. Theo đó, thời điểm này, xã Phong Mỹ đã trồng thêm khoảng 1.000 ha cao su.
Trao đổi với Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ Nguyễn Hữu Chung, cho biết, thời điểm hiện tại, khoảng 1.600 hộ dân của xã Phong Mỹ đã trồng cây cao su với diện tích 1.310 ha.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, trong những năm qua, với thu nhập giao động từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, cây cao su đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Qua đó, có thể nói, cây cao su đã “chung tay” góp phần đưa Phong Mỹ trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (được công nhận theo Quyết định 2434/QĐ-UBND ngày 18/9/2020 do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký ban hành).
Từ mô hình phát triển kinh tế bỗng trở thành gánh nặng cho người dân
Phong Mỹ là xã thuộc vùng gò đồi, với diện tích đất tự nhiên 38.863 ha. Cùng với mô hình trồng cây lâm nghiệp, phát triển kinh tế vùng gò đồi, kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp, trồng cây cao su đã trở thành mô hình phát triển kinh tế và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Thông qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc rõ nét.
Dẫu vậy, ngày 18/9, sau khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền đã khiến người trồng cây cao su tại xã Phong Mỹ bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người dân cũng đang phải lao đao vì sự đổ ngã của cây “vàng trắng” này.
Cụ thể, sau cơn bão số 5 vừa qua, UBND xã Phong Mỹ thống kê được 1218,3 ha trồng cây cao su bị gãy đổ gây thiệt hại ước tính lên đến khoảng 250 tỷ đồng. Trong số đó, có 372,5 ha trồng cây cao su bị thiệt hại trên 70%, 448,1 ha bị thiệt hại từ 30 - 70 % và 397,8 ha thiệt hại dưới 30 %. Điều này đã khiến người dân trồng cây cao su đang phải đối mặt với những khó khăn.
“Có khoảng 30 hộ dân chịu thiệt hại nhiều nhất, mỗi hộ có khoảng 10 - 15 ha cây cao su bị gãy, đổ sau bão số 5 với mức độ khác nhau. Chúng tôi cũng đã thống kê cụ thể về tỷ lệ gãy đổ cây cao su trên địa bàn theo 3 mức độ là trên 70% diện tích, từ 30 - 70% và dưới 30%”, ông Chung cho hay.
Ngậm ngùi trước khu vực trồng cây cao su của gia đình bị gãy đổ la liệt, một người dân thôn Hưng Thái, xã Phong Mỹ cho biết, gia đình ông đầu tư trồng gần 10 ha cao su từ những năm 1995 - 1996 và đến nay đã thu hoạch được 3 - 4 năm. Tuy nhiên, bão số 5 đã khiến gia đình người đàn ông này gần như quay trở lại vạch xuất phát. Giờ đây gia đình ông đang cố gắng tranh thủ liên hệ các đơn vị để thu mua cây cao su qua đó vớt vát phần nào vì sợ ít hôm nữa nhà máy sẽ đủ nguyên liệu thì họ sẽ không mua nữa.
Được biết, trong số những người trồng cao su tại xã Phong Mỹ, có người dân đến từ địa phương khác đến đây lập nghiệp. Đối mặt với việc cây cao su bị gãy đổ, họ đang lâm vào tình cảnh khó khăn với khoản nợ từ ngân hàng đã vay để đầu tư trước đó.
Hướng giải quyết
Có mặt tại xã Phong Mỹ, PV bắt gặp nhiều người đến từ tỉnh Quảng Trị đang vào mua thân cây cao su bị gãy đổ sau bão số 5. Những người này cho biết, họ mua cây cao su ngay tại vườn với giá từ 30 - 50 nghìn đồng/cây, tùy theo đường kính, độ tuổi của cây.
Ông Nguyễn Hữu Chung cho biết, trước tình cảnh cây cao su bị gãy đổ trên diện rộng, địa phương đã liên hệ một số công ty ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam để thu mua cây gãy đổ cho người dân.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, các công ty sẽ thu mua với giá 900.000 đồng/tấn đối với những cây có đường kính trên 12 cm; đối với những cây có đường kính nhỏ hơn 12cm sẽ được bán để làm củi đốt với giá thu mua là 450.000 đồng/tấn.
“Vì lượng cao su gãy đổ trên địa bàn quá nhiêu nên có thể phải 2 - 3 tháng mới có thể thu mua xong và hoàn trả lại mặt bằng cho người dân canh tác trở lại. Chúng tôi cũng đã đôn đốc các đơn vị thu mua, kêu gọi nhân lực tại địa phương để tiến hành công việc này một cách nhanh nhất có thể. Cùng với đó, địa phương đã thông báo đến người dân ngưng bán cây cao su cho tư thương để bán cho các công ty chúng tôi đã làm việc, như vậy, giá cả sẽ tốt hơn”, ông Chung cho hay.
Cùng với đó, xã Phong Mỹ kêu gọi người dân nhanh chóng dọn dẹp và tiếp tục thu hoạch đối với những diện tích cao su không bị gãy đổ; những địa điểm đã cưa cắt xong cây gãy đổ, người dân được khuyến cáo có biện pháp trồng cây bổ sung, chuyển đổi cây trồng và thực hiện xen canh cây ngắn ngày để có thêm thu nhập.
Song song với điều này, UBND xã Phong Mỹ đang tiến hành báo cáo đề xuất với các cấp để có thể hỗ trợ người dân trồng cây cao su bị đổ gãy sau bão số 5. “Chúng tôi đã báo cáo với huyện về tình hình thiệt hại sau bão số 5 trong đó có lưu ý về cây cao su. Huyện yêu cầu địa phương có tờ trình riêng để có biện pháp hỗ trợ người dân về vấn đề này”, ông Chung cho hay.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…