Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 8 năm 2020 | 13:11

Tuyên Quang: Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thúc đẩy tiêu thụ

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2025, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang luôn đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Phát triển mạnh vùng nông nghiệp hàng hóa

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Chiêm Hóa đã tập trung phát triển, nâng cao các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương như cây lạc, cây mía, cây cam, chuối. Hiện nay, toàn huyện có trên 673 ha cam, năng suất trên 12 tấn/ha, sản lượng trên 6.822 tấn; diện tích mía nguyên liệu trên 2.000 ha/năm, sản lượng trên 219.000 tấn; diện tích lạc trồng 2.707 ha, sản lượng trên 8.900 tấn; cây chuối diện tích trên 1.000 ha, sản lượng trên 8.000 tấn...

 

lãnh-đạo-tỉnh-cùng-các-sở-ban-ngành-tỉnh-huyện-chiêm-hóa-thăm-mô-hình-trồng-ớt-tại-xã-tân-thịnh.jpg
Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh, huyện Chiêm Hóa thăm mô hình trồng ớt tại xã Tân Thịnh.

Đi đôi với trồng trọt, ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, huyện đã chỉ đạo chuyển sang các loại giống gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế địa phương gắn thị trường tiêu thụ, trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với đàn trâu trên 28.900 con, huyện thực hiện duy trì đàn trâu theo hướng phát triển ổn định, bền vững, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống và phát triển trâu hàng hóa tại các xã trên địa bàn huyện. Đến hết quý II-2020, toàn huyện có 17 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu tập trung từ 10 con trở lên.

Trước kia, gia đình ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ chỉ chăn nuôi trâu theo hình thức nhỏ lẻ 1 đến 2 con/năm. Khi được UBND xã triển khai mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tổ chức cho nhân dân đi học tập các mô hình ở tỉnh bạn, ông Tuyên đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng sắn, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ, đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò. Sau gần 4 năm thực hiện mô hình, từ 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, ông đã thành lập Hợp tác xã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hình thức liên kết chuỗi chăn nuôi.

Bên cạnh đó, huyện Chiêm Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2025, với tổng diện tích nuôi thủy sản 1.208 ha. Trong đó, diện tích nuôi trên hồ thủy điện Chiêm Hóa 446 ha, diện tích ao hồ là 762,5 ha; toàn huyện có 505 lồng, bè nuôi các loại thủy sản, trong đó 55 lồng cá đặc sản (cá chiên, cá lăng chấm), 54 lồng cá có giá trị kinh tế cao cá diêu hồng, cá quả... và 396 lồng cá truyền thống. Sản lượng thủy sản đạt trên 2.110 tấn/năm, trong đó, giá trị sản xuất cá đặc sản chiếm 32% tổng giá trị sản phẩm thủy sản.

Từ khi tham gia Hợp tác xã thủy sản, các hộ dân thôn Hợp Long 2 (xã Yên Nguyên) đều được nhập giống đảm bảo chất lượng từ Trung tâm Thủy sản tỉnh, sản phẩm làm ra được liên kết tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Thiết, thôn Hợp Long 2, cho biết: “Gia đình tôi nuôi cá truyền thống mấy chục năm nay, giống cá con chủ yếu đánh bắt từ sông, nên mỗi lứa nuôi chỉ vài chục con/chuồng. Khi tham gia hợp tác xã, con giống chúng tôi nhập từ trung tâm uy tín, chất lượng đảm bảo, gia đình tôi nâng số lượng con giống lên vài trăm con/lứa; thu nhập tăng cao hơn nhiều so với trước.

Đến nay, huyện Hàm Yên hiện đã hình thành vùng chuyên canh cam, chè, gỗ nguyên liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích vùng cam sành là hơn 7.200 ha, sản lượng cam bình quân đạt 80.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm đạt từ 650 đến 1.000 tỷ đồng/năm. Điểm nổi bật là tại khu vực 8 xã phía Bắc của huyện đã được quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất cam với thương hiệu cam sành nổi tiếng.

 

vùng-sản-xuất-thanh-long-vietgap-tại-xã-yên-phú-hàm-yên.jpg
Vùng sản xuất thanh long VietGAP tại xã Yên Phú (Hàm Yên)

 

Gia đình chị Lý Thị Biển, thôn 1 Thuốc Thượng (xã Tân Thành) trước đây là hộ nghèo trong thôn. Từ năm 2003 đến nay, gia đình chị đã tập trung phát triển kinh tế từ trồng cam. Hiện, vườn cam của gia đình chị có 2.000 gốc, mỗi vụ thu hoạch 60 - 70 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 200 - 300 triệu đồng.

Ngoài ra, Hàm Yên cũng đã xây dựng vùng sản xuất mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Tuyên Quang; phát triển vùng trồng chè trên 2.130 ha và vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với sản lượng hàng năm đạt trên 53.000 tấn; đẩy mạnh trồng rừng, đạt gần 13.000 ha rừng...

 

cá-lồng-đang-trở-thành-sản-phẩm-chủ-lực-của-huyện-na-hang.jpg
Cá lồng đang trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Na Hang

 

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Na Hang đã có bước phát triển, đạt mức tăng trưởng trên 4%/năm; nhiều vùng  sản xuất hàng hóa với các vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả như vùng sản xuất chè Shan tuyết với 1.308 ha tại các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; vùng sản xuất rau an toàn 25 ha và 30 ha lê tại xã Hồng Thái; vùng nuôi trồng thủy sản ở hồ sinh thái Na Hang có 104 hộ và 2 doanh nghiệp tham gia với 809 lồng cá các loại.

Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm nông nghiệp của từng địa phương. Huyện sẽ mở rộng vùng sản xuất đậu tương, đậu xanh, lúa nếp cái hoa vàng tại các xã có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi đàn gia súc (đàn trâu, đàn bò, đàn dê); khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi cá trên hồ sinh thái gắn với chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, huyện sẽ từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho người dân…

Chú trọng kết nối tiêu thụ nông sản

Ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có hơn 100 hộ làm bánh gai, trong đó có gần 30 hộ chuyên làm bánh để bán hàng ngày phục vụ nhu cầu du khách. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, việc thực hiện đúng cam kết của các hộ dân về đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện còn tích cực tuyên truyền về sản phẩm đặc trưng của địa phương trên các phương tiện thông tin. Tới nay, sản lượng sản xuất bánh mỗi ngày của thị trấn ước đạt 2.400 cặp; mỗi hộ sản xuất bánh gai có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

 

thành-viên-htx-chè-pà-thẻn-xã-linh-phú-thu-hái-chè.jpg
Thành viên HTX Chè Pà Thẻn, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) thu hái chè.

 

Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ (xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa) cho biết, sản phẩm cá kho của gia đình tôi được lưu truyền từ đời ông cha, được thị trường tin dùng, mỗi tháng chúng tôi xuất bán ra thị trường từ 20 - 30kg cá kho. Sản phẩm cá kho của gia đình chúng tôi đã được là sản phẩm đặc trưng của xã, qua Chương trình OCOP sản phẩm cá kho của gia đình được nhiều người biết tới. Hiện, sản phẩm của gia đình đang được xã, huyện hỗ trợ về đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, được tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện trong năm nay.

 

người-dân-xã-tân-long-yên-sơn-đầu-tư-lồng-nuôi-cá-trên-sông-lô.jpg
Người dân xã Tân Long (Yên Sơn) đầu tư lồng nuôi cá trên sông Lô

 

Theo Chi cục Thủy sản, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đạt 4.331 tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng là gần 4.000 tấn, riêng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao là trên 316 tấn; trên địa bàn tỉnh hiện có 2.119 lồng, bao gồm 980 lồng nuôi cá đặc sản, 1.139 lồng nuôi các loại cá truyền thống.

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tích cực khảo sát, tìm kiếm, kết nối các tổ chức, cá nhân thu mua, kinh doanh dịch vụ thủy sản trong và ngoài tỉnh để giới thiệu tới các hộ nuôi trồng nhằm đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá đặc sản, cá giá trị kinh tế cao; phối hợp với các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tổ chức đi giới thiệu, tiêu thụ cá đặc sản đến các địa phương.

Anh Trịnh Xuân Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Duy Phát xây dựng được 2 điểm bán thực phẩm sạch tại Hà Nội. Tại các cửa hàng này, ngoài các nông sản đặc sản của khắp các vùng miền, anh Thanh ưu tiên bày bán nhiều nông sản của Tuyên Quang “mùa nào thức nấy”. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, anh liên kết với một số hộ chăn nuôi thủy sản tại huyện vùng cao Na Hang, đặt mua các loại cá bống, cá chiên, cá lăng, cá trắm đen, cá rô phi… Trung bình mỗi tháng, các cửa hàng của cơ sở anh Thanh nhập từ 3 - 5 tạ cá các loại.

Cơ sở chăn nuôi thủy sản Tín Nguyệt, thôn Nà Liềm (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) cũng vừa được kết nối với Cửa hàng thực phẩm sạch (số 2 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để cung cấp các loại cá do cơ sở này và nhiều hộ chăn nuôi vùng hồ Tuyên Quang sản xuất. Anh Lộc Văn Tín, chủ cơ sở cho biết, gia đình anh có 6 lồng nuôi cá, cộng với việc thu mua của 5 - 6 hộ trong khu vực nên lượng cá thương phẩm cung cấp mỗi ngày ổn định từ 2 - 3 tạ, được chủ cửa hàng và người tiêu dùng rất hài lòng.

Ngoài các điểm bán hàng tại Hà Nội, hiện nay nhiều cửa hàng thực phẩm sạch khu vực thành phố Tuyên Quang cũng liên tục đặt hàng các cơ sở chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để có nguồn cung tươi và ổn định, như cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Hương, cửa hàng thực phẩm sạch Hoàng Kim…

Ông Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, UBND huyện Hàm Yên luôn khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ. Đến nay, trên địa bàn huyện có 756 ha cam VietGAP, 17 ha cam hữu cơ; trên 20 ha chè VietGAP.

Nhờ có vùng sản xuất tập trung mà việc liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện được thực hiện dễ dàng, thuận tiện, nhiều nhà mày đã xây dựng mối liên kết, phối hợp tiêu thụ nông sản cho người dân khá ổn định như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, HTX Chè Tân Thái 168 và HTX Chè xanh Làng Bát (xã Tân Thành)...

Ông Nguyễn Văn Tái, thôn 5 Làng Bát, người có 10 năm trồng chè chia sẻ, nhờ có sự liên kết phát triển và sự định hướng của các cấp chính quyền địa phương, ông đã chuyển đổi hơn 1 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn 1 ha chè của nhà ông đến vụ thu hoạch đều được các HTX thu mua, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, có nông sản mà không bán được thì người nông dân vô cùng khó khăn; mặt khác, có thị trường tiêu thụ mà không có nguồn hàng cung cấp là mất cơ hội. Thiết nghĩ, việc phát triển sản xuất gắn với thúc đẩy thiêu thụ, Tuyên Quang cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không ngừng nâng cao, đưa nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đạt thêm nhiều thành tích.

 

 

Đình Hợi (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top