Tỉnh Tuyên Quang có văn bản gửi các sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021, về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp
Mục tiêu tỉnh Tuyên Quang đặt ra là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
Phấn đấu hết năm 2021 đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gồm: Khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đưa một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Lắng nghe doanh nghiệp
Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hiện, toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.045 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 22 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến giữa tháng 8/2021, có 165 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong 7 tháng đầu năm, mức đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước là 537,6 tỷ đồng…
Để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều chính sách đã được tỉnh triển khai kịp thời, như: hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động hưởng chính sách theo Nghị định 68/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ miễn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ về tính dụng ngân hàng và nhiều chính sách hỗ trợ khác…
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã cùng bàn các giải pháp giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các giải pháp như: sớm tiêm vắc xin Covid-19, cho các đối tương ưu tiên; đề xuất tiếp tục kéo dài các gói hỗ trợ đã ban hành cho các doanh nghiệp, xem xét sửa đổi, cải cách các điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng; thúc đẩy quảng bá du lịch nội tỉnh, nội địa; hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và có giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương ổn định cuộc sống…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời đề nghị, UBND tỉnh phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm tốt nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Ông Lâm đề nghị, các sở, ngành dự báo tốt tình hình dịch bệnh, tổ chức triển khai phòng chống có hiệu quả, không lơ là, chủ quan, quy trách nhiệm cho bí thư, trưởng thôn các thôn bản, tổ dân phố, chủ tịch xã trong việc quản lý công dân ra vào địa bàn. Có giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả tiêm phòng vắc xin từ ngoại giao, đến huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp để tăng tỷ lệ người được tiêm vắc xin trên địa bàn.
Các sở, ngành, địa phương tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân, đặc biệt là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đồng thời, có giải pháp thu hút, mở rộng các khu, cụm công nghiệp; có phương án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.