Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 13:57

Vải thiều Lục Ngạn sẵn sàng vào vụ

Nhằm hướng đến vụ vải thiều thành công, chính quyền và người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ.

 

Đến nay, công tác triển khai cơ bản hoàn thành, chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong huyện đã sẵn sàng vào vụ, đưa quả ngọt vươn xa.

 

2.JPG
Cán bộ xã Giáp Sơn hướng dẫn người dân chăm sóc vải thiều.

 

Người dân, DN chủ động

Về Lục Ngạn những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận rõ không khí khẩn trương chuẩn bị cho vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều, tất cả đều hướng đến mùa vụ hiệu quả kinh tế cao.

Đang chăm sóc vườn vải của gia đình, chị Nguyễn Thị Khương (thôn Phúc Thành, xã Quý Sơn) chia sẻ: Với kinh nghiệm nhiều năm trồng vải thiều theo quy trình VietGAP, gia đình đã tìm tòi, chuyển đổi hơn 2ha sang phương pháp hữu cơ. Đây là mô hình sản xuất đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học. Vườn vải cũng được bố trí camera ghi hình 24/24 giờ, đáp ứng nhu cầu giám sát, hậu kiểm của khách hàng. Đến nay, Lục Ngạn có 2 hộ tham gia mô hình, tổng diện tích hơn 5ha. Đây là giải pháp mới, bảo đảm chất lượng quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, trở thành xu hướng phát triển vải thiều trong những năm tới. 

Năm nay, gia đình ông Vi Văn Hồng (thôn Muối, xã Giáp Sơn) có 2ha vải thiều, sản lượng đạt khoảng 6 tấn quả. Những ngày gần đây, ông thường xuyên có mặt trong vườn dọn dẹp, chăm sóc quả. Chỉ tay về phía tuyến đường bê tông mới hoàn thành, ông chia sẻ, đường dài hơn 1,5km, rộng 7m vừa được người dân trong thôn hiến đất, đóng góp công sức, tiền của “cứng hóa”, nối Quốc lộ 31 vào thôn.

Tiếp lời, ông Thăng Văn Báo, Trưởng thôn Muối cho biết: “Với cách làm trên, gần hai năm nay, các hộ trong thôn đã hiến hơn 3.000m2 đất, đóng góp hàng tỷ đồng mở rộng, cứng hóa hơn 13km đường trục thôn, ngõ xóm bảo đảm lưu thông, vận chuyển vải thiều. Dịp này, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đang tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm chất lượng quả cung ứng cho thị trường.

Các DN xuất khẩu, chợ đầu mối lớn trong cả nước cũng chủ động khảo sát, đánh giá chất lượng, sản lượng và thị trường tiêu thụ.

Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) khẳng định: “Những ngày gần đây chúng tôi đã đón 5 thương nhân Trung Quốc đến thăm vườn, nắm bắt thông tin về vụ vải. Bước đầu, các bạn hàng đánh giá cao chất lượng, mẫu mã quả nên đã đặt mua khoảng 500 tấn cung cấp cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc. Đáp ứng nhu cầu này, công ty đã dự trữ hơn 100 nghìn thùng xốp; dự kiến mở 20 điểm cân, thu mua vải thiều.

Bảo đảm dịch vụ phụ trợ

Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm nay, toàn huyện có gần 15.000ha vải thiều, tổng sản lượng khoảng 80.000 tấn. Trong đó vải chín sớm là 1.800ha, chiếm 12,1%, hơn 13.400ha vải thiều chính vụ, chiếm 87,9%. Ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân trồng khoảng 15.000ha theo quy trình VietGAP, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã cấp 18 mã số vườn trồng cho 394 hộ, tổng diện tích 217,89ha đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đơn vị tư vấn độc lập của Trung Quốc cũng chứng nhận vải thiều Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường nước bạn. Thời gian thu hoạch, tiêu thụ vải thiều dự kiến diễn ra từ ngày 20/5 đến 30/7. 

Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, các dịch vụ phụ trợ cũng được quan tâm chuẩn bị. Trong đó, Điện lực huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các đường dây trung, hạ thế trên địa bàn. Theo đó, huyện đã được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mới 28 trạm biến áp, hoán đổi 25 trạm biến áp hạ áp nông thôn chống quá tải, phòng tránh sự cố trên địa bàn. Quan điểm của đơn vị là khẩn trương duy tu, bảo dưỡng định kỳ, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân và các cơ sở sản xuất. Ông Vũ Văn Tiến, Phó giám đốc Điện lực Lục Ngạn, cho biết: “Trên địa bàn hiện có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, 42 cơ sở sản xuất đá cây công suất lớn. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tránh sử dụng đồng thời các thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, bảo đảm cấp điện ổn định cho người dân, DN trong vụ vải thiều.

Trước thực trạng thường xuyên xảy ra ùn ứ, ách tắc cục bộ trên Quốc lộ 31 trong những năm trước, Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn, thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng đội, cán bộ phụ trách. Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường 10 chiến sĩ giúp huyện điều tiết giao thông. Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện sẽ cùng thanh niên tình nguyện và các đơn vị quân đội trên địa bàn phối hợp phân luồng, chỉ dẫn giao thông, điều tiết phương tiện lưu thông qua các đường tránh như Quốc lộ 279, tuyến Bình Sơn (Lục Nam) – Nam Dương (Lục Ngạn), tuyến nối đường tỉnh 293 với cảng Mỹ An (Lục Ngạn), đường nối các xã Quý Sơn, Phượng Sơn (Lục Ngạn) và Đông Hưng (Lục Nam). Tuyên truyền, cho các điểm cân vải thiều ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, không đỗ xe dưới lòng đường, tránh gây ùn ứ, ách tắc cục bộ. Các đội Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Hành chính tăng cường quản lý địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.

 

Ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, khẳng định: Năm nay, ngoài việc tiếp tục cùng Sở Công Thương phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), TP. Bắc Giang, trong tháng 6 tới, UBND huyện sẽ cùng các đơn vị trực thuộc các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương tổ chức các quầy hàng giới thiệu, cung cấp vải thiều Lục Ngạn và một số sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại Hà Nội. Đẩy mạnh quảng bá, đưa vải thiều đến tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

 

 

 

Văn Thương
Ý kiến bạn đọc
Top