Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 7 năm 2021 | 12:32

Vải thiều Lục Ngạn thắng lớn do chủ động, linh hoạt trong tiêu thụ

Khi vải thiều đang vào vụ thu hoạch thì huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất hiện một số ca Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu hoạch và tiêu thụ. Với sự chủ động, linh hoạt của cả hệ thống chính trị mà vụ vải thiều năm 2021 đã đại thắng.

Vải thiều thắng lớn

Tại Hội nghị tổng kết vụ sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2021 diễn ra vào sáng ngày 27/7, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều của huyện đạt 15.450 ha (tăng 160 ha so với năm 2020), sản lượng đạt 144.826 tấn.

Thị trường tiêu thụ nội địa đạt 51.298 tấn, sản lượng xuất khẩu đạt 93.528 tấn. Giá vải bình quân đạt 22.500 đồng/kg, tổng giá trị sản xuất đạt 3.259 tỷ đồng (tăng 407 tỷ đồng so với năm 2020), doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 1.544 tỷ đồng.

 

 

 Toàn cảnh Hội nghị.

 

Trước đó, Lục Ngạn đã tập chung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, các địa phương chủ động bảo vệ vùng vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19; quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng; bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ liên kết, hợp tác xã, nhà vườn trồng về quản lý mã số vùng an toàn, quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng dịch bệnh…

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nhưng do làm tốt công tác bảo vệ vùng vải thiều an toàn dịch bệnh, mỗi ngày có hàng trăm thương nhân trong và ngoài huyện đến thu mua vải thiều, cao điểm có 400 điểm thu mua/ngày và hàng nghìn lượt xe thu mua.

Chủ động từ xa

Để đạt kết quả nói trên, Lục Ngạn đã chủ động, linh hoạt trong việc lãnh, chỉ đạo, vừa sản xuất, tiêu thụ vải thiều nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng dịch.

Ngay từ đầu vụ (lúc này chưa có dịch-PV), Lục Ngạn đã ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2021. Đầu tháng 5/2021, khi dịch trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, để kịp thời ứng phó, UBND huyện đã xây dựng, ban hành Kế hoạch về thực hiện các biện pháp hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch Covid-19, trong đó nhận định rõ tình tình dịch bệnh, đánh giá thị trường và xây dựng cụ thể, chi tiết các kịch bản, phương án tổ chức thực hiện.

 

 Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị.

 

Thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều của huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Phối hợp Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến “Xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm 2021” vào ngày 8/6/2021.

Thường xuyên liên hệ, kết nối, trao đổi với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước giới thiệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn; trong đó, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… đã tạo điều kiện tốt nhất về đơn giản hóa thủ tục hành chính khi thông quan, xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, tạo “luồng xanh” ưu tiên xe chở vải thiều được kiểm dịch, thông quan thuận lợi.

Tổ chức 6 hội nghị làm việc với các thương nhân Việt Nam thu mua vải thiều để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ.

Trước khi vào vụ, UBND huyện đã sớm đề xuất với tỉnh có văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho 190 thương nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam để đến huyện Lục Ngạn thu mua vải thiều.

Thành lập các lực lượng, bộ phận thường trực hỗ trợ hoạt động tiêu thụ trong suốt vụ thu hoạch vải thiều; thiết lập và công khai hệ thống điện thoại đường dây nóng, các kênh kết nối giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn, lãnh đạo huyện, xã với các doanh nghiệp, HTX, thương nhân tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (thông qua nhóm zalo) để thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thu mua, vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn 24/24h, nắm bắt nhanh những thông tin phản ánh của doanh nghiệp, HTX, thương nhân và người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập và những kiến nghị, tham gia góp ý... để có phương án giải quyết kịp thời.  

 

 

Thành lập 7 Tổ công tác liên ngành hỗ trợ, kiểm tra, xử lý vi phạm về an ninh trật tự, an toàn giao thông, thương mại, phòng chống dịch Covid-19 trong vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện; 02 Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thùng xốp, nước đá công nghiệp trên địa bàn huyện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về việc găm hàng, tăng giá đột biến.

Linh hoạt kịp thời

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch Covid-19 (từ 15/6/2021) tại thôn Bằng Công, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng, kích hoạt các phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều trong tình hình phải tạm thời áp dụng biện pháp khoanh vùng, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Với các xã, thôn không nằm trong khu vực khoanh vùng dập dịch vẫn tiêu thụ bằng hình thức bán tươi hoặc sấy khô. Đối với các xã, thôn phải áp dụng biện pháp khoanh vùng, thực hiện sấy khô tại chỗ. Tuy nhiên, do sản lượng vải thiều còn nhiều, huyện đã xây dựng phương án riêng hỗ trợ tiêu thụ theo hình thức bán tươi trên cơ sở đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.

Lựa chọn các tổ chức, cá nhân thu mua vải thiều đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch ký cam kết thu mua (thông báo cho xã số lượng thu mua trước 01 ngày); việc thu mua vải thiều tươi phải được thực hiện tại hộ gia đình theo đúng địa điểm đã đăng ký, thu mua đúng với giá thị trường và mức giá tối thiểu đã cam kết; không ép giá, trừ lùi cân.

 

 Vải thiều Lục Ngạn đảm báo chất lượng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính.

 

Thương nhân và lái xe, người tham gia vào quá trình thu mua, vận chuyển phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 (test nhanh) và xấy xác nhận vận chuyển do huyện cấp; cử lực lượng Công an kiểm tra, giám sát tại các điểm thu mua đảm bảo thực hiện đúng quy định 5K trong phòng chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiêu thụ diễn ra đúng kịch bản

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, trong khi dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, đặc biệt với vải thiều trên 200.000 tấn có nguy cơ phá sản, một áp lực rất lớn cho vấn đề tiêu thụ, rất nhiều khó khăn khác đặt ra.

Trong bối cảnh như vậy, tỉnh đã có bài học từ năm 2020, do đó, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã lường trước và xác định nguy cơ, khó khăn trong công tác sản xuất, đặc biệt là công tác sản xuất tiêu thụ vải thiều. Bắc Giang tranh thủ sự ủng hộ từ Trung ương, triển khai các biện pháp quyết liệt trong tổ chức sản xuất tạo nên vụ vải thiều thành công trên mọi phương diện. Năm nay là năm sản lượng, chất lượng cao nhất, tiêu thụ ở nhiều thị trường khó tính.

 

 

 12 tập thể và 16 cá nhân được UBND huyện Lục ngạn tặng giấy khen.

 

Ông Tuấn cho biết thêm, đây là vụ vải thiều đặc biệt, với nhiều cung bậc, các kịch bản mà tỉnh, huyện xây dụng đều diễn ra đúng kịch bản. Qua đây, đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp, danh nhân, các HTX, các tổ chức đoàn thể chính trị, các cơ quan báo chí đã góp phần thành công vụ vải thiều của tỉnh.

Tại Hội nghị, UBND huyện Lục Ngạn đã tặng giấy khen Chủ tịch UBND huyện cho 12 tập thể và 16 cá nhân có thành tích hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lục Ngạn. 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top