Ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Edward Ward tại Việt Nam, xoay quanh các vấn đề giao thương, thương mại nông sản giữa hai nước.
Theo đó, Bộ trưởng và ngài Đại sứ đã trao đổi những thông tin hữu ích trong việc giao thương thủy hải sản, lâm sản và chăn nuôi, thú y.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các loại nông sản của Việt Nam và Vương quốc Anh không những không có tính cạnh tranh mà còn có sự bổ trợ lẫn nhau, mục đích hướng tới việc người tiêu dùng 2 nước có thể thưởng thức đặc sản của 2 nền văn hóa.
Về vấn đề kiểm dịch động vật giữa 2 nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giao thương vì lợi ích của người nông dân 2 quốc gia. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ thiết bị, nâng cao năng lực chuyên ngành kiểm dịch động vật để tạo thuận lợi cho công tác kiểm dịch thời gian tới.
Trao đổi về vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, đánh bắt thủy sản là một ngành truyền thống lâu đời của Việt Nam với lợi thế chiều dài hơn 3.000 km bờ biển. Việc Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng đã làm thiệt hại đáng kể tới kinh tế và thu nhập của ngư dân Việt Nam.
Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện những thể chế để đưa ngành khai thác từ truyền thống, tự phát thành một ngành khai thác có tổ chức bằng việc tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết, quy định về bảo vệ môi trường, đại dương.
Việc cài đặt thiết bị theo dõi hành trình giám sát để tàu cá không vi phạm hải phận nước ngoài cũng như truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt đang được thực hiện theo đúng lộ trình mà Việt Nam đã đề ra.
“Những cải cách đó không chỉ để EC gỡ thẻ vàng cho Việt Nam mà chúng tôi quan niệm đó là trách nhiệm trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng như bảo tồn nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bênh cạnh đó, Bộ trưởng bày tỏ lòng mong muốn ngài Đại sứ tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các Viện, trường của Vương quốc Anh với các Viện, trường của Việt Nam để chuyển giao, tiếp cận, áp dụng những khoa học công nghệ mới trong các lĩnh vực kể trên.
Trao đổi tại buổi lễ, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Ông Gareth Edward Ward cho biết, rất ấn tượng với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai nước vẫn đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển thương mại nông sản. Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều hoạt động hợp tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực thú y và lâm nghiệp. Hai nước có thể tăng cường hợp tác hơn nữa thông qua việc xóa bỏ một số rào cản thương mại.
“Tôi vẫn nhớ ấn tượng tốt trong những lần thăm các khu rừng quốc gia tại Việt Nam. Những khu rừng của Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái và sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người dân”, ông Gareth Ward chia sẻ.
Ngài Đại sứ cũng khẳng định Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo để giúp Việt Nam hoàn thiện khâu truy xuất nguồn gốc gỗ cũng như tạo sinh kế dưới tán rừng cho bà con nông dân tại địa phương trong thời gian tới.
Về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, ông Gareth Ward hy vọng 2 nước sẽ tiếp tục có những hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh động vật nuôi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…