Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2022 | 9:43

Vụ 100 container điều xuất sang Italy: Bài học đắt giá

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam mới đây rúng động bởi phi vụ lừa đảo hàng chục container điều xuất khẩu sang Italy, số tiền có khả năng mất trắng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Ngô Khắc Lễ, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), các DN cần thận trọng hơn với những DN đối tác mới giao dịch lần đầu. Phải tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất.

Vụ lừa đảo lớn nhất trong 30 năm của ngành điều

Đến nay, phi vụ lừa đảo xuất khẩu điều vẫn còn nhiều bí ẩn. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhận định, đây là vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận trong ngành điều hơn 30 năm nay.

Theo ông Nhựt, trên thương trường, những dạng lừa đảo kiểu này là có, nhưng đơn lẻ, không nghiêm trọng như lần này. Với các DN bị hại, nếu bị mất hàng, thiệt hại không nhỏ.

Vụ việc này xảy ra khi 5 DN xuất khẩu điều thông qua môi giới của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt ký hợp đồng xuất khẩu đi Italy với số lượng 100 container hạt điều, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.

 

02.jpg
Phân loại nhân hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

 

DN phát hiện hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh ngân hàng được cung cấp bởi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu); ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, cho dù ngân hàng Việt Nam đã gửi nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không nhận được thông tin trả lời; ngân hàng tại Italy thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc; chứng từ gốc không biết thất lạc nơi đâu.

Trước những dấu hiệu trên, một số DN chưa kịp vận chuyển đã khẩn cấp đề nghị ngân hàng ngăn chặn thu hồi chứng từ để dừng vận chuyển container. Có DN ký xuất hơn 40 container kịp thu hồi 17 container hàng, chịu mất quyền kiểm soát số còn lại. Tổng cộng, trong 100 container ký xuất, tới thời điểm này, các DN và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ đồng. Cảnh sát tài chính đang vào cuộc.

Để giải quyết vụ việc, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các hãng tàu vận tải 36 container hạt điều đang thất lạc hồ sơ gốc để phối hợp giữ hàng, tạo điều kiện cho luật sư xử lý dứt điểm giúp DN lấy lại hàng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã khẩn cấp có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đề nghị các Bộ trưởng của Italy quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DN Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các DN Italy.

Phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, qua vụ việc, các DN khi tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước. Các DN nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Các DN cũng cần lưu ý biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Theo các chuyên gia kinh tế, các khuyến cáo không bao giờ thừa, bởi hoạt động thương mại quốc tế vô cùng phức tạp. Và thực ra, đối với lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá, DN Việt Nam cũng đã từng va vấp không ít vụ việc tương tự.

Cần cơ chế hỗ trợ DN xử lý rủi ro

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết: Theo thông tin tôi có được thì các giao dịch thương mại này được thanh toán theo hình thức D/P (Documentary against Payment). Nghĩa là ngân hàng của người bán gửi bộ chứng từ cho ngân hàng người mua để thông báo cho người mua thanh toán và nhận bộ chứng từ để đi nhận hàng.

Nếu người mua không đến nhận chứng từ thì ngân hàng này thông báo cho ngân hàng người bán để chờ chỉ thị và thông thường là gửi trả lại bộ chứng từ cho ngân hàng người bán để người bán xử lý.

Tuy nhiên, tại sao bộ chứng từ lại ra khỏi ngân hàng người mua và đây là câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra về nguyên nhân ai đó có chứng từ để đi nhận hàng.

Ngân hàng là tổ chức không dễ được thành lập và hoạt động bị kiểm soát rất chặt chẽ và chưa có chứng cứ để kết luận mà vấn đề còn đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Không có chứng cứ từ người bán về việc gửi chứng từ như thế nào nên không kết luận được việc này, song, thông thường là người bán phải gửi đầy đủ chứng từ. Về phía nhà vận chuyển, không có vấn đề gì phải rút kinh nghiệm vì họ làm đúng thông lệ và luật pháp quốc tế.

Thêm vào đó, cũng có phần do thiếu cơ chế hỗ trợ DN xử lý các vấn đề rủi ro vì trước đây, đã từng xảy ra những vụ tương tự. Tuy nhiên, sau đó không thấy đơn vị nào đứng ra phân tích chi tiết vụ việc, rút ra bài học kinh nghiệm cho cộng đồng DN… Như vậy, khó có thể đảm bảo sẽ không tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai.

Do đó, DN cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất.

Bài học đắt giá

Thống kê từ VIAC cho hay, riêng trong năm 2021, đơn vị này tiếp nhận, thụ lý 270 vụ tranh chấp mới, trong đó, số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 18%, tranh chấp có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài chiếm 39% và tranh chấp trong nước chiếm 43%.

Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mọi giao thương của DN xuất - nhập khẩu bị đình trệ, thậm chí là mất khách hàng, nên khi có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn và từ những thị trường uy tín... rất dễ khiến các DN chủ quan, mất cảnh giác và vội vã đón nhận. Rủi ro pháp lý từ sự việc 100 container xuất khẩu điều, thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD có thể coi là một ví dụ. Qua đó, rút ra những bài học cảnh giác cho các DN xuất - nhập khẩu để phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo trong kinh doanh.

Theo ông Ngô Khắc Lễ, đại diện VIAC kiêm Phó Tổng thư ký VLA, ý định lừa đảo từ kẻ gian có thể hình thành trước hoặc trong quá trình giao dịch dựa vào những tình huống cụ thể.

Ông Lễ cũng khuyến cáo các DN một số biện pháp để có thể hạn chế đến mức tối đa hành vi lừa đảo trong kinh doanh. Theo đó, đầu tiên cần sự thận trọng hơn với những DN đối tác mới giao dịch lần đầu. Phải tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Có thể kiểm tra nhanh qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh (bản mềm, có màu) của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp.

Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Việc lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các DN xuất khẩu. Bởi đối tác có uy tín, thương hiệu làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng, giảm thì họ vẫn mua hàng của mình.

Song song đó, hãy cảnh giác khi thấy giá rẻ với điều kiện thanh toán ưu đãi. Vì việc này rất hiếm khi xảy với giao dịch lần đầu mà không ẩn chứa ý định gì. Thêm nữa, DN nên điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty; đồng thời, có thể kết hợp với địa chỉ thư điện tử công cộng để dễ dàng hơn khi xác định người, công ty sau này vì họ phải đăng ký dịch vụ điện thoại, thư điện tử riêng ở nước sở tại. Nên đưa vào hợp đồng tên người liên hệ, số fax, địa chỉ e-mail của công ty khi giao dịch chính thức.

Các DN xuất - nhập khẩu cũng nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Nhiều DN ngại thuê do chưa quen, hoặc sợ tốn kém nhưng thực tế cho thấy, so với tổn thất thì không đáng là bao và phải coi đây là “đầu tư cho kiến thức” để tránh rủi ro chứ không phải là “chi phí” của  DN. Nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên chi tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.

Ngoài ra, DN cần tổ chức cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, các sự kiện, hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài.

Điều không kém phần quan trọng là cần cố gắng kiểm soát “lòng tham” trong kinh doanh. Vì đó là mục tiêu mà đối tác xấu nhắm đến ngay từ đầu như cho giá tốt, mời đi du lịch miễn phí...; cũng như trong quá trình làm ăn với nhau thời gian dài, sau đó, có thể sẽ tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn, đến mức nào đó, dùng sơ hở có từ trước, hoặc mới phát sinh và vì đã “tin nhau” để gian lận, lừa đảo.

Cuối cùng, sau khi xác định là bị lừa đảo, DN nên thông báo cho bạn hàng, hiệp hội mà mình tham gia để phòng tránh chung; đồng thời, gửi thông tin cho hiệp hội mà kẻ lừa đảo là hội viên để tố cáo; bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có.

Ngành điều với “bẫy” số 1 thế giới

Năm 2022, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu là giữ ổn định về lượng, tăng chất và tăng giá với kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2021.

Năm 2021, vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, ngành điều tiếp tục tăng trưởng 14% so với năm 2020, đạt kim ngạch 3,659 tỉ USD. Đến nay, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu (chiếm 80% thương mại điều nhân toàn cầu), có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu.

Những năm gần đây, nổi lên vấn đề các nước châu Phi, nơi chủ yếu xuất khẩu điều thô cho Việt Nam từng bước đầu tư vào chế biến và đánh thuế điều thô xuất khẩu ở mức 5%. Ông Nguyễn Minh Họa, Giám đốc Công ty TNHH Bimico, Phó Chủ tịch Vinacas, cảnh báo, tình trạng vài năm gần đây, một số DN gia tăng nhập khẩu điều nhân sơ chế từ châu Phi.

“Tốc độ nhập khẩu dòng hàng này tăng hơn 100%, sản lượng điều nhân sơ chế nhập khẩu lên đến hơn 88.200 tấn vào năm 2021. Đây là điều nhân mới bóc vỏ cứng, chưa bóc vỏ lụa được nhập về để lấy C/O (xuất xứ hàng hóa) Việt Nam nhưng do kỹ thuật chế biến chưa bằng ta nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân xuất khẩu nói chung. 

Dòng hàng này được các nước châu Phi khuyến khích nên không chịu thuế xuất khẩu và còn được chính phủ trợ cấp vài trăm USD/tấn, cộng thêm chi phí vận chuyển thấp (5 container điều thô mới chế biến được 1 container điều nhân). Với những lợi thế đó, nếu Việt Nam tiếp tục mở cửa cho nhập khẩu điều nhân sơ chế bình thường như với điều thô sẽ giúp ngành điều chế biến châu Phi phát triển nhanh chóng, cạnh tranh trực tiếp với điều nhân Việt Nam”, ông Họa phân tích và đề xuất rất cần một hàng rào kỹ thuật đối với dòng hàng này để tránh rơi vào tình trạng tiếp tay cho đối thủ mạnh lên.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, ngành điều có nhiều thuận lợi khi nhu cầu tăng ở hầu hết các thị trường nhập khẩu do kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với xu hướng tăng sử dụng đạm thực vật. Tuy nhiên, vẫn có một số thách thức do yêu cầu của thị trường về chất lượng an toàn thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội ngày càng cao trong khi ngành điều vẫn còn nhiều DN nhỏ, cần sự hỗ trợ để đáp ứng được. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ấn Độ, Tanzania và mới nổi gần đây là một số nước châu Phi như Mozambique, Ghana... ở khâu chế biến, phân phối, thương hiệu trong khi họ lại chủ động được vùng nguyên liệu.

“Qua nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, ngành điều Việt Nam chỉ mới tham gia 18% chuỗi giá trị điều toàn thế giới. Những phân khúc cao như điều chế biến thành phẩm và phân phối chiếm 80% giá trị chưa phải là lợi thế của DN Việt Nam. Do đó, DN Việt Nam cần quan tâm đến việc chế biến sâu, nâng cao thương hiệu hơn là mở rộng diện tích, tăng sản lượng”, ông Phú nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khuyến cáo, các DN ngành điều không để rơi vào cái bẫy của chính mình khi tự bằng lòng với vị trí số 1 thế giới. Người đứng đầu ngành nông nghiệp gợi ý ngành điều nên mở cuộc thi phát triển sản phẩm mới, dù thành quả 5-10 năm tới mới được thu về. Ngoài ra, không chỉ nhân điều mà những phần khác từ cây điều, hạt điều cần được nhìn ra giá trị để khai thác nhằm nâng cao giá trị cũng như kết hợp hạt điều với nhiều loại thực phẩm khác để nâng giá trị lẫn nhau.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top