Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 6 năm 2020 | 15:34

Vụ Hè Thu có nguy cơ hạn nặng

Từ đầu năm đến nay, một số khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương…

Ngày 5/6, tại Quảng Ngãi, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai công tác thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Hè Thu, mùa - 2020 khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
 
Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính phát biểu tại Hội nghị
Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính phát biểu tại Hội nghị

 

Nguồn nước trữ tại các hồ chứa hiện đang ở mức thấp
 
Vụ Đông Xuân 2019-2020 mưa trên địa bàn các tỉnh Duyên hải Trung Bộ xuất hiện ít hơn so với một số năm qua, riêng các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận từ tháng 12/2019 đến cuối tháng 4/2020 hầu như không có mưa.
 
Vào thời điểm đầu vụ ĐX 2019-2020, dung tích các hồ trung bình đạt trên 70% dung tích thiết kế (DTTK), tuy nhiên, một số hồ lớn thuộc các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận dung tích chỉ đạt 30-40% DTTK. Đến cuối vụ ĐX, dung tích các hồ chứa còn lại phổ biến từ 60-80% DTTK.
 
Vào thời điểm cao nhất (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020) có 2.990ha cây trồng, chủ yếu là lúa ĐX bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước (TT Huế 178ha, Quảng Nam 500ha, Bình Định 230ha, Phú Yên 684ha, Khánh Hòa 450ha, Ninh Thuận 398ha, Bình Thuận 550ha). Hiện tại, diện tích cây trồng vụ ĐX đã thu hoạch xong, diện tích bị thiệt hại bởi hạn hán, thiếu nước không đáng kể do đã có giải pháp ứng phó kịp thời.
 
Về ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, hiện đang có 34.724 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt (Quảng Bình 3.300 hộ, Quảng Ngãi 1.625 hộ, Phú Yên 1.100 hộ, Ninh Thuận 2.399 hộ, Bình Thuận 26.300 hộ).
 
Đối với khu vực Tây Nguyên, vào đầu vụ ĐX 2019-2020, dung tích các hồ chứa đạt trên 90% DTTK. Đến cuối vụ ĐX dung tích các hồ còn lại khoảng 62% DTTK. Thời điểm cao nhất (cuối tháng 4/2020) đã có 27.387ha cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước (Kon Tum 638ha, Gia Lai 1.903ha, Đắc Lăk 10.471ha, Đăk Nông 12.922ha và Lâm Đồng là 1.453ha). Từ tháng 5, trong vùng Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa nên diện tích cây trồng thiếu nước giảm. Về ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, hiện đang có 6.968 hộ thiếu nước sinh hoạt (Đắc Lăk 2.802 hộ, Kon Tum 2.285 hộ, Gia Lai 1.283 hộ, Lâm Đồng 595 hộ).
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, Quảng Ngãi hiện có 755 công trình thủy lợi (gồm 124 hồ chứa nước, 490 đập dâng, 135 trạm bơm, 06 đập ngăn mặn) và 4.275km kênh các loại với nhiệm vụ tưới thiết kế khoảng 90.466,0ha. Do công trình xây dựng đã lâu, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, thường xuyên chịu tác động thiên tai làm nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo nguồn nước nên năng lực tưới thực tế là 59.983,0ha, đạt 66,3% so với năng lực thiết kế.
 
Hiện lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn khoảng 40% DTTK
Hiện, lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn khoảng 40% DTTK.

 

Cuối mùa mưa năm 2019, lượng nước trữ tại các hồ chứa nước chỉ đạt dung tích 86% so với thiết kế. Từ đầu năm 2020 đến nay, hầu như không có mưa trên địa bàn tỉnh, lượng mưa thấp hơn khoảng 60% so với TBNN trong khi đó nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao hơn TBNN khoảng 0,50C đến 1,50C nên đến ngày 04/6/2020, lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 40% DTTK, trong đó có một số hồ chứa nước lớn lượng nước còn lại rất ít so với DTTK như: Hồ Liệt Sơn, hồ Sở Hầu, hồ Đá Bàn chỉ còn 20%, hồ Mạch Điểu còn 25%, hồ Diện Trường còn 40% (riêng hồ chứa nước Nước Trong còn khoảng 60% DTTK).
 
Vụ Hè Thu hạn nặng
 
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm đến nay, một số khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm (TBNN), đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương. Mùa khô ở khu vực Trung Bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 8/2020, nguồn nước trữ tại các hồ chứa hiện đang ở mức thấp nên có nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng trong vụ Hè Thu 2020.
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiên về pha nóng trong khoảng 2-3 tháng tới, từ khoảng nữa cuối năm 2020 khả năng duy trì ở trạng thái trung tính. Nhiệt độ trung bình từ tháng 6-9/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ khoảng 0,5-1,0oC.
 
Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa tháng 6/2020 phổ biến thấp hơn từ 10-25% so với TBNN; tháng 7-8 phổ biến cao hơn từ 10-40% so với TBNN.
 
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, tổng lượng mưa dự báo từ tháng 6-9/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, đạt mức trung bình 200 - 300 mm/tháng.
 
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Hè Thu 2020, diện tích đất trồng lúa có khả năng bỏ đất trống không sản xuất do thiếu nước khoảng 44,3 nghìn ha; trong đó Bình Thuận khoảng 26,7 nghìn ha, Ninh Thuận khoảng 10,8 nghìn ha, Bình Định khoảng 5,0 nghìn ha, Quảng Ngãi khoảng 1,8 nghìn ha.
 
Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi gieo trồng 58.143 ha (lúa 35.170 ha, màu và cây trồng khác 22.973 ha); nhưng do hạn hán, thiếu nước tưới, nên các địa phương trong tỉnh đã chủ động không sản xuất 1.854 ha, chuyển đổi cây lúa sang cây trồng cạn 710 ha.
 
Với tình hình nắng nóng kéo dài và không mưa như hiện nay thì khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước là rất cao, dự kiến có khoảng 12.714,0 ha cây trồng bị thiếu nước và thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 12.000 người. Hiện tại, các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo các Phương án được duyệt ngay từ đầu năm 2020.
 
Hiện dung tích các hồ chứa của các tỉnh từ Quảng Bình đến T.T Huế đạt 59% DTTK, thấp hơn  năm 2018 khoảng 5%, gần tương đương so với các năm 2016, 2019.
 
Hiện dung tích các hồ chứa trong vùng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt 45% DTTK, thấp hơn các năm 2018, 2019 khoảng 19%.
 
Dung tích trữ hiện tại các hồ chứa khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 26-41% DTTK. Mùa mưa trong khu vực đã bắt đầu từ tháng 5, sản xuất vụ Mùa trong thời gian mùa mưa nên nguồn nước sẽ cơ bản được đảm bảo.
 
Giải pháp phòng, chống hạn
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các bộ ngành Trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đối với các tỉnh Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi; tiếp tục trình Chính phủ quan tâm hỗ trợ và đầu tư kinh phí cho các địa phương thực hiện các giải pháp cấp nước ổn định, lâu dài (xây dựng các hồ chứa nước lớn để tích trữ, phân phối, điều tiết nguồn nước; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị xuống cấp...). Trước mắt, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên chủ động triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống hạn hán, phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, dân sinh vụ Hè Thu năm 2020, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
 
Về giải pháp trước mắt, theo dõi chặt chẽ việc vận hành các nhà máy thủy điện theo lịch điều tiết tại các thông báo đã được Bộ NN&PTNT ban hành; tiếp tục xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước theo đúng qui định hiện hành.
 
Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, ở những vùng đủ nước cần đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giãn, dừng cho diện tích lúa để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
 
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
 
Thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện số 601/CĐ-TTg ngày 12/5/2020 về việc tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top