Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 8 năm 2022 | 14:30

“Vương quốc sầu riêng” Tây Nguyên: Nâng tầm giá trị

Nhiều loại trái cây Việt Nam, trong đó có sầu riêng, đã hiện diện tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... nhưng số lượng xuất khẩu không nhiều bằng thị trường Trung Quốc.

Theo Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hơn 16%/năm - cho nên việc chính thức ký Nghị định thư với đối tác Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp sầu riêng Việt Nam có đầu ra bền vững.

Xuất khẩu chính ngạch giúp nâng tầm giá trị sầu riêng

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước có khoảng 90.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương đứng thứ hai cả nước (sau Tiền Giang) về diện tích lẫn sản lượng, khoảng 15.000ha và hơn 115.000 tấn quả mỗi vụ.

Lâu nay, hơn 70% quả sầu riêng tại Đắk Lắk chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, việc có con đường chính ngạch để xuất khẩu sẽ nâng tầm giá trị của loại trái cây này trong tương lai. Những ngày giữa tháng 8 vừa qua, chúng tôi đến huyện Krông Pắc, nơi được mệnh danh là “vựa sầu riêng” của vùng đất cao nguyên. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ vườn cho biết, họ rất vui.

 

z3665836257573_0b588c1453046a924093ef514cb7bc3b.jpg
Vườn sầu riêng sản xuất theo quy trình VietGAP của nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hường.

 

Ông Trần Anh Dư, chủ vườn sầu riêng ở thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, nói: “Nghe tin Việt Nam ký kết với Trung Quốc thì mừng vì giá cả ổn định, không phải lo ứ đọng, mong bà con yên tâm sản xuất loại cây trồng có giá trị này”.

Còn ông Lê Văn Thành, một chủ vườn khác, chia sẻ thêm: “Có nghe nói về việc xuất khẩu chính ngạch, trái sầu riêng chính ngạch thì quá tốt, giá cả hấp dẫn và bền vững hơn. Trước kia toàn xuất đường tiểu ngạch nên không tránh khỏi tình trạng bấp bênh cho đầu ra, khiến người sản xuất đôi khi thua thiệt”.

Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi khiến sầu riêng mất mùa, nhưng giá cả đầu mùa lại đang ở mức tốt,  40 - 50 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi năm ngoái, có thể bù lại phần sản lượng bị hao hụt. Bà Trần Thị Mỹ Loan, một chủ vựa thu mua trái cây ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc), cho biết, giá thu mua sầu riêng hiện đã lên hơn 50 nghìn đồng/kg. Việc trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm bước tăng trưởng cho ngành hàng được xem là thế mạnh của ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, góp phần cải thiện thu nhập cho hàng nghìn nông hộ nơi đây.

Trong quá trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc để tìm đầu ra cho quả sầu riêng thì Đắk Lắk đã chuẩn bị 1.500ha sầu riêng có mã vùng trồng, đảm bảo đủ điều kiện để đối tác phê chuẩn, chấp nhận. Nhưng diện tích có mã vùng trồng mới chỉ chiếm 10% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch. Vì vậy, những giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng đang được nỗ lực thực hiện, bắt đầu từ những vùng trồng. 

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, Nghị định thư kiểm dịch vào Trung Quốc đã nhanh chóng tác động tích cực đến thị trường thu mua sầu riêng ở địa phương này nói riêng và cả nước nói chung. Tuy chớm vào chính vụ nhưng thương lái đã đến tận vườn đặt cọc, chốt giá và nông dân thì đang nghe ngóng biến động về giá cả để chốt bán sầu riêng ngay tại vườn với tâm trạng phấn khởi hơn những năm qua. Vì từ đây, loại cây trái này đã rộng đường sang thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng như Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Sầu riêng là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong số các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam, do vậy, nơi nào có “duyên” với loại cây này thì cơ hội xóa đói giảm nghèo càng rộng mở. Huyện Krông Pắc - nơi được coi là vựa sầu riêng lớn nhất của Đắk Lắk - đang thực sự đứng trước cơ hội lớn.

Từ những năm 1970, cây sầu riêng đã có mặt ở Krông Pắc, nhưng phong trào trồng sầu riêng bắt đầu rộ lên từ năm 2004, khi Công ty Cà phê Phước An liên kết với Công ty Dona thử nghiệm trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê của mình. Đến năm 2007, Công ty bán lại diện tích sầu riêng (khoảng 200ha) cho các nông hộ tự chăm sóc và thu hoạch.

Ông Nguyễn Long Sơn ở thôn Phước Hòa (xã Ea Yông) cho hay: Bắt đầu từ năm 2010, sầu riêng ở đây cho thu hoạch và bán ra chủ yếu cho Công ty Đoàn Kết, sau đó thương lái ở TP. Buôn Ma Thuột về mua lại và phân phối cho nhiều vùng ở Đắk Lắk cũng như một số tỉnh, thành kề cận trên địa bàn Tây Nguyên - miền Trung với số lượng ít và nhỏ lẻ. Đến năm 2013, nhiều thương lái ở miền Tây bắt đầu lên Đắk Lắk thu mua sầu riêng, nhất là ở địa bàn huyện Krông Pắc, để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Cây làm giàu

Theo ông Sơn, ở đây đang hình thành mạng lưới/cơ sở thu mua, xuất khẩu sầu riêng một cách chuyên nghiệp và sôi động. Đến vụ, các thương lái miền Tây đến vườn kiểm tra độ già của trái, sau đó thu hoạch và tập kết về kho để phân loại, đóng gói tiêu thụ. Những lô hàng chín sớm được đưa đến các tỉnh, thành phía Bắc và vùng Duyên hải miền Trung. Còn lại chủ yếu là sầu riêng Dona được vệ sinh sạch sẽ trước khi đóng gói đưa vào container để xuất sang Trung Quốc. Tất nhiên là theo đường tiểu ngạch, nhưng phải thừa nhận đây là thị trường truyền thống, đóng vai trò kích cầu mạnh mẽ giúp ngành hàng này phát triển nhanh chóng về diện tích cũng như sản lượng hằng năm.

Đến nay, huyện Krông Pắc đã nâng diện tích trồng sầu riêng lên hơn 4.000 ha, trong đó có hơn 2.600 ha đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 45.000 tấn/vụ.

Ông Lê Văn Thành, chủ vườn sầu riêng ở thôn Phước Hòa (xã Ea Yông) cho hay, đây là loại cây trồng giúp bà con nông dân thoát nghèo hiệu quả và bền vững, bởi đầu tư vào sầu riêng không lớn như các loại trái cây khác. 1ha sầu riêng chỉ đầu tư khoảng 150 triệu đồng,  thu nhập lên tới 700 - 800 triệu đồng. Với con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang rộng mở như hiện nay, ngành hàng sầu riêng chắc chắn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhà vườn ngày càng nâng cao.

 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, hiện đã có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành gửi mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu theo yêu cầu của Nghị định thư để phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối chiếu khi các lô hàng từ Việt Nam cập cảng.

Sầu riêng của Việt Nam được đánh giá là có chất lượng rất cao, kể cả mùi vị và hàm lượng các dưỡng chất. Tuy nhiên, việc được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vừa là thành công nhưng cũng là thách thức, người nông dân sẽ phải chuẩn bị rất kỹ càng.

Theo ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức hai hội nghị tập huấn tại Tiền Giang và Đắk Lắk về các nội dung liên quan đến Nghị định thư này cho các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đóng gói, từ đó các tổ chức, cá nhân sẽ tuân thủ các quy định một cách tốt nhất.

Đình Đối - Hùng Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top