Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 18:48

Xăng 4 lần giảm giá, nhiều mặt hàng chưa hạ nhiệt, đâu là nguyên nhân?

Tại Tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - Thực trạng và giải pháp" diễn ra vào chiều 4/8, nhiều khách mời là các chuyên gia đã đưa ra nhận định và nguyên nhân khiến doanh nghiệp "té nước theo mưa", hay "lên nhanh, xuống chậm”.

 Toàn cảnh buổi toạ đàm.

 

Tại tọa đàm, trả lời câu hỏi, xăng, dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp thì nhiều mặt hàng vẫn điềm nhiên giữ giá, neo cao. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và lần này cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân là do đâu?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết, trước hết, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, trước tiên, tôi rất đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Cục Quản lý giá về chu trình, độ trễ của giá cả trên thị trường là như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng có một số nguyên nhân khác. Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lạiphản đối, không đồng tình. Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay.

 Chuyên gia Cấn Văn Lực.

 

Thứ hai, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa. Thứ ba, rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý. 

Về thông tin, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu có giải pháp quản lý hiệu quả hơn, không giải quyết được điểm nghẽn trên, thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay "lên nhanh, xuống chậm" sẽ rất khó chấm dứt. Ông Cấn Văn Lực nhận định như thế nào và có đề xuất gì để có thể hạn chế được tình trạng này?

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, cái này là vấn đề lâu nay của chúng ta. Và một trong những điểm nghẽn mà tôi đã nhiều lần chia sẻ chính là chi phí về logistics của chúng ta. Tôi hiểu là Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm cái này bởi vì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.

Cái thứ hai cũng rất quan trọng mà cái lúc nãy tôi có đề cập là văn hóa kinh doanh. Khâu trung gian rõ ràng là không thể đánh quả, không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Ép giá người nông dân, bởi người nông dân của chúng ta luôn là người yếu thế. Nhiều khi là các lái buôn ép giá. Chỗ này tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng. Mà rõ ràng cũng phải có biện pháp chế tài như lúc nãy các anh, các bộ ngành chia sẻ.

Thứ ba, tôi thấy nước ngoài làm rất tốt và chúng ta nên học tập, đó là muốn gì thì muốn là phải công khai, minh bạch. Tôi biết chắc chắn rằng đến khâu này giá bị đội lên chừng này, đến khâu kia giá đội lên chừng kia. Như thế tôi biết chắc khâu nào cần phải xử lý. Chúng ta không đánh dàn trải bởi như thế lại không công bằng đối với những khâu trung gian khác.

Tôi rất mong muốn tới đây chúng ta phải thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Đây là cơ hội vàng, cơ hội ngàn năm có một để chúng ta thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, giúp công khai, minh bạch. Tôi rất ủng hộ phương án vừa qua liên quan đến thanh toán phí không dừng của Bộ Giao thông vận tải, có sự chỉ đạo rất quyết liệt. Rõ ràng bây giờ đường không bị ách tắc nữa rồi. Thứ hai là rất công khai, minh bạch và xin thưa, đấy là một trong hai biện pháp rất quan trọng theo nghiên cứu của quốc tế để phòng, chống tham nhũng. Không tiền mặt lập tức chuyện phòng, chống tham nhũng sẽ được đẩy lên rất tốt.

Ý cuối cùng, như anh Phú (chuyên gia Vũ Vinh Phú-PV) vừa nêu, tức là sự vào cuộc của các cơ quan bộ ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao. Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của chúng ta cao quá. Đương nhiên doanh nghiệp tính luôn vào giá thành. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, giá đất của chúng ta đâu đó vào khoảng 20-25% là chi phí giao dịch, tức là người ta tính vào giá mua nhà, bán nhà và cuối cùng người dân, người mua nhà phải chịu. Tôi nghĩ rằng cái này là một khâu rất quan trọng.

Về các chi phí trung gian, chuyên gia Vũ Vinh Phú có ý kiến thêm: Kinh nghiệm các nước, ví dụ như Hàn Quốc xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Hiện nay, một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi lò mổ, rồi vào siêu thị thì một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất. Tất cả cái đó cho vào giá chứ đâu nữa. Cho nên đây là vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài.

 Chuyên gia Vũ Vinh Phú.

 

Cần có một chương trình nghị sự về vấn đề này. Thậm chí ở các nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn. Ví dụ một cân đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác. Nhưng mà mình thì hình như ngược lại. Hay là ở các nước, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ. Nhưng tôi theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay thì thấy ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, trong đó có những yếu tố loại trừ như VAT không kể. Nhưng yếu tố chủ quan của siêu thị đẩy giá lên là có. Những chi phí tạo mã là bình thường đối với các siêu thị.

Như thế, phải xem lại vấn đề này. Toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại. Chúng ta tiết kiệm chung cho xã hội nhưng đồng thời các bên đều thắng. Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi vì nếu họ thua lỗ thì làm gì có sản phẩm mà ăn, mà xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top