Mô hình trồng xen canh vừa giữ được đất màu không bị xói lở, phân bón không bị trôi khi có mưa lớn, vừa tăng thêm được thu nhập từ những loại cây xen canh để lấy ngắn nuôi dài.
Những mô hình hiệu quả từ việc trồng xen canh
Anh Phan Bá Thắng (SN 1977, xóm Liên Đức, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, Nghệ An) sau khi nhận đất đấu thầu đã đầu tư trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi Diễn, ổi lê và mít Thái.
Đây là những loại cây lâu năm, mất 3-4 năm mới cho thu hoạch, do đó, khi bưởi chưa khép tán, mít chưa phát triển khoảng đất trống giữa hàng với hàng, cây với cây nếu để hoang thì rất lãng phí.
Sau khi tìm hiểu anh Thắng đã trồng các loại cây ngắn ngày khác như bí xanh, bí đỏ, dưa chuột…Khi các loại cây ăn quả lớn, tán khép kín, gia đình anh đã chuyển sang nuôi gà, vịt, lợn vừa đảm bảo nguồn thu, vừa có nguồn phân bón bổ sung cho đất. Bằng cách này gia đình anh Thắng đã thu được hàng chục triệu đồng mỗi năm từ những cây xen canh và gia cầm.
Cũng với mô hình trồng xen canh mà gia đình chị Trương Thị Vy (dân tộc Thổ), ở xóm Đại Thành, xã nghèo vùng sâu Văn Lợi thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá. Chị Vy cùng với 5 hộ nông dân ở trong xóm đã tham gia áp dụng mô hình trồng xen canh cây họ đậu trong ruộng mía trồng mới trên diện tích 4ha do Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN) tỉnh Nghệ An đầu tư.
Chị Trương Thị Vy thu hoạch đậu trong ruộng mía. Ảnh: Xuân Thống
Để tận dụng trên cùng diện tích đã canh tác mía, gia đình chị Vy đã trồng xen canh thêm cây họ đậu gồm cây lạc và cây đậu. Vì vậy, thu nhập gia đình chị cao hơn so với kiểu canh tác truyền thống trước đây.
“Gia đình có 20 sào mía, trước kia mỗi năm thu nhập được 6-7 chục tấn mía, nay trồng xem kẽ lạc với đậu mỗi năm thu nhập thêm vài tạ lạc, vài tạ đậu. Tổng thu nhập trồng xen lạc với đậu thì mùa thu hoạch vừa qua tăng thêm gần 20 triệu đồng” - chị Trương Thị Vy cho hay.
Hay như mô hình trồng bưởi da xanh xen cây chè của các hộ dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An áp dụng. Mô hình trên bưởi da xanh dưới trồng chè chát đã và đang mang lại thu nhập cao, lợi đủ đường cho nhiều hộ dân ở đây.
Ông Bùi Anh Dũng ở thôn 2-9 xã Bồng Khê huyện Con Cuông cho biết, gia đình đã chuyển đổi 3.000m đất màu sang trồng 100 gốc bưởi da xanh xen canh trên cây chè. Cách trồng bưởi da xanh xen canh cây chè càng có nhiều cái lợi. Cây chè vẫn cho thu nhập đều hàng năm mà không ảnh hưởng đến cây bưởi da xanh. Nhờ trồng bưởi da xanh giá bán ổn định, thu nhập cao nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn trước nhiều.
Từ 4 năm nay, vợ chồng ông Phan Trọng Sâm, bà Hồ Thị Cẩn trú tại thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) với 750 m2 trồng xen canh gối vụ nhiều loại cây cải mồng gà, cải mỡ và chủ yếu là cải ngọt. Từ tháng 10 trở đi trồng cà dừa, sau khi thu hoạch nhiều đợt từ tháng chạp đến tháng 3 năm sau sẽ cắt ngang cây và tiếp tục mùa khác thu tiếp những lứa cà tái sinh. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng xen canh đỗ cô ve, đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ đen, dưa chuột.
Với cách làm mới năng động, sáng tạo tháng nào vợ chồng ông cũng có nguồn thu ổn định từ trồng rau với mức thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Lựa chọn loại cây trồng phù hợp nâng giá trị
Có thể khẳng định, việc trồng xen canh các loại cây ngắn ngày trên những diện tích cây trồng lâu năm, hoặc trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng một diện tích đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với việc chỉ trồng một loại cây trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.
Tuy nhiên, nông dân cũng cần phải có kiến thức về các loại cây, thời gian trồng, thời gian thu hoạch để khi trồng xen canh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để việc trồng xen canh đem lại hiệu quả cao thì cần lưu ý về thổ nhưỡng, đặc tính của từng loại để có sự lựa chọn phù hợp; chọn đối tượng trồng xen canh phù hợp với từng gia đoạn phát triển của cây trồng chính. Ngoài ra, khi trồng xen canh, cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng, sự phù hợp giữa cây được trồng xen canh với cây trồng chính, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.
Hơn nữa trồng xen canh cũng là một quy luật thực vật, để trên cùng một diện tích đất trồng trọt cần phải có nhiều loại cây trồng khác nhau để sâu bệnh cây này không phá hoại sang được cây kia, thậm chí còn có thể loại bỏ sâu bệnh cho nhau.
Ông Trịnh Hữu Hiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết, mô hình đa canh, xen canh vừa tăng thu nhập cho diện tích mía đang trong lúc khởi đầu cũng cải tạo thêm chất đất để sau này cho cây mía tốt hơn. Chúng tôi triển khai mô hình này nhằm khuyến cáo cho bà con làm thế nào đó vừa tiết kiệm đất đầu tiên khi mía còn nhỏ, thứ 2 nữa làm cải tạo đất để cho cây mía vừa có thêm dinh dưỡng vừa có thu nhập cao cho bà con nông dân trên một đơn vị diện tích.
Lãnh đạo xã Bồng Khê, Con Cuông cho hay: “Việc chuyển đổi đất màu trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó có trồng bưởi da xanh xen canh với các loại cây khác đang là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền người dân cải tạo những vùng đất sản xuất kém hiệu quả trước đây chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó có bưởi da xanh.
Mô hình trồng xen canh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân, điều này được minh chứng bằng thu nhập và điều kiện sống của bà con ngày càng thay đổi. Do đó, rất cần vào sự hướng dẫn cụ thể từ các ngành chức năng để việc trồng xen canh của bà con mang lại hiệu quả cao nhất.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.