Vasep cho biết, nhờ cú lội ngược dòng những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã vượt mục tiêu với trên 8,9 tỷ USD.
Xuất khẩu thuỷ sản năm qua tăng 6% so với năm 2020, được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá là kết quả vượt mong đợi. Trước đó, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 8,8 tỷ USD.
Cá ngừ đại dương được tàu cá Đà Nẵng đưa vào bờ ngày 15/10/2021. Ảnh: Nguyễn Đông
Vasep cho biết, Covid-19 từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản, nhất là trong quý III. Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà ngành này có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, sau khi tăng mạnh 23% trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản tháng 12 tiếp tục tăng 29%, đạt trên 940 triệu USD. Trong tháng cuối năm, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh 6-110%.
Năm qua, Mỹ vẫn là bạn hàng tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% kim ngạch, với trên 2 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước đó. Riêng tháng 12/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 176 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.
Thị trường EU chiếm 12% tổng kim ngạch, với trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong khi xuất khẩu sang các nước thuộc khối hiệp định CPTPP thu về khoảng 2,2 tỷ USD, gần tương đương năm 2020.
Xét về mặt hàng, nhờ tăng đột phá trong tháng 12, với mức tăng trưởng khoảng 80%, xuất khẩu cá tra cả năm 2021 về đích vượt xa dự đoán, với trên 1,6 tỷ USD, tăng 10%.
Xuất khẩu tôm năm qua cũng đạt 3,88 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu cá ngừ đạt 757 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt trên 600 triệu USD. Các chuyên gia nhận định, sản phẩm tôm vẫn là "át chủ bài" của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.