Đó là ý kiến của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) tại phiên thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cách thích ứng của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: internet).
Thách thức lớn
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã lên tới đỉnh điểm, tạo ra nhiều thách thức cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian qua, đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục mất giá, nếu Việt nam đồng (VND) vẫn giữ ổn định với USD thì hàng của Trung Quốc đã rẻ, sẽ còn rẻ hơn, lúc này, hàng Việt rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục điều chỉnh lãi suất tăng, trong khi lãi suất huy động USD tại Việt Nam là 0%, sẽ xảy ra việc một lượng lớn USD tại Việt Nam sẽ chuyển sang Mỹ để hưởng chênh lệch lãi suất. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tìm cách rút dòng vốn khỏi Việt Nam để đầu tư về Mỹ.
Cùng với đó, các mặt hàng về linh phụ kiện điện, điện tử của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì đây là mặt hàng Việt Nam có giá trị xuất rất lớn sang Trung Quốc. Một phần đáng kể các linh kiện này của Trung Quốc được xuất sang Mỹ, khi Mỹ áp thuế các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm, kéo theo sự suy giảm của xuất khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt, nếu xảy ra việc hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Việt Nam, dán nhãn Việt Nam rồi xuất sang Mỹ để tránh thuế quả thực rất nguy hiểm.
Các chuyên gia lo ngại, khi bị áp thuế một lượng hàng rất lớn không xuất khẩu được vào Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm đưa vào các nước mà mình có ưu thế cạnh trạnh, trong đó có Việt Nam. Lúc này, sẽ gây ra hiện tượng phá giá và bóp méo thị trường, ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm trong nước.
Biến cơ hội thành chiến thắng
Theo một số chuyên gia, khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế thì các nhà nhập khẩu Mỹ có thể đi tìm nguồn hàng khác, tức sẽ có sự dịch chuyển thương mại. Xét về góc độ nào đó, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất vì các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh nhiều nhất với hàng Trung Quốc.
Trong gần 5.900 dòng sản phẩm giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc mà Mỹ áp thuế 10%, thì các sản phẩm cùng mã của Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD. Đây là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế khi Trung Quốc bị áp thuế buộc các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang nhập từ Việt Nam.
Theo ông Lê Phú Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại xuất nhập khẩu THT Việt Nam, khi xảy ra chiến thương mại, cơ hội cho hàng Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ là rất lớn. Cùng với đó, có thể sẽ đẩy dòng đầu tư nước ngoài về Việt Nam. Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đã và đang có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam bởi chi phí ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ. Do vậy, nếu Việt Nam biết lựa chọn, phân biệt thì sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển.
Bất động sản, công nghiệp, dệt may hưởng lợi
Mới đây, Công ty Nghiên cứu và Tư vấn JLL đánh giá, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến bất động sản công nghiệp Mỹ, Trung sẽ giảm tốc, nhưng tạo cơ hội để bất động sản công nghiệp Việt Nam gặt hái sự tăng trưởng nhờ vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động phải chăng.
Việc Trung Quốc tăng giá thuê đất công nghiệp để đáp trả Mỹ sẽ khiến các nhà sản xuất tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Như vậy, căng thẳng thương mại sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy bất động sản công nghiệp của nước ta.
Theo các chuyên gia, ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Khi đồng NDT mất giá mạnh so với USD, kéo theo NDT cũng mất giá so với VND, lúc này giúp các doanh nghiệp Việt nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Tư đó, có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ giá cả cạnh tranh. Kéo theo đó, thu hút được thêm vốn đầu tư FDI, tăng xuất khẩu, tạo được nhiều việc làm mới.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP.HCM cho biết, mới đây có ít nhất khoảng chục doanh nghiệp của hiệp hội này đã tăng sản lượng và có thêm các đơn hàng mới từ thị trường Mỹ.
Ngành chế biến gỗ trước cơ hội vàng trong cuộc chiến thương mai Mỹ - Trung (Nguồn: internet)
Ngành chế biến gỗ trước cơ hội vàng
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng, thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 732 triệu USD, tăng chưa tới 4% so với 8 tháng đầu năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng trưởng tới 20%, đạt 2,4 tỷ USD.
Hiện, gần 50% trị giá đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Với mức thuế mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc. Lúc này, các DN Mỹ phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, nếu có thể chứng minh năng lực và nắm bắt được cơ hội thì các DN Việt Nam có cơ hội mở rộng được thị phần tại Mỹ.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ông cảm nhận rất rõ những thay đổi, bởi, thời gian gần đây khách hàng từ Mỹ đến tìm hiểu rất nhiều. Phòng kinh doanh báo giá không kịp cho khách. Do đó, nếu nắm bắt được cơ hội này, chắc chắn doanh số xuất khẩu của các DN trong năm 2019 sẽ có sự tăng trưởng đáng kể.
Cơ hội thu hút vốn FDI
Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất lớn nhất của Samsung với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm. Hiện, Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng có thể xem là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách để chủ động cải thiện tình trạng của chính mình đối với hai nước. Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng.
Theo nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là cuộc chiến dài hơi và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để có ứng phó kịp thời.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam khẩn trương tìm hiểu thị trường Mỹ, đặc biệt là với các loại hàng hoá của Trung Quốc nằm trong danh mục bị áp thuế để tìm cơ hội đa dạng hoá danh mục xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư FDI lớn tại Trung Quốc để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam khi thị trường Trung Quốc và Mỹ đều bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam, dán nhãn Việt Nam rồi xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu để điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.
Làm tốt công tác dự báo
Phát biểu trong phiên thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, tôi muốn nhấn mạnh đến 1 yếu tố bên ngoài có tầm ảnh hướng rất lớn đối với chúng ta, đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang. Xâu chuỗi các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Mỹ - Trung cho thấy cuộc chiến Mỹ - Trung đã bộc lộ một bản chất là một cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần túy về thương mại.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Việt Nam cần làm tốt công tác dự báo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Như vậy, chúng ta cần xác định rõ đây là cuộc chiến tổng lực lâu dài đối với cả hai bên, cả về thương mại kinh tế nói chung, cả về an ninh, quân sự và đối ngoại. Việt Nam với vị thế đặc biệt là sát cánh và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc hiện là hai thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất, nhì của Việt Nam.
Còn theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), các xung đột thương mại Mỹ - Trung và một số nước khác vẫn chưa thấy có dấu hiệu dừng lại, thậm chí có thể căng thẳng hơn, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thị trường xuất nhập khẩu và thị trường tiêu thụ, tiêu dùng trong cả nước. Cần đặc biệt chú ý để phân tích, có dự báo trước mắt cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có giải pháp thích hợp nhằm đảm bảo thị trường và đảm bảo sản xuất trong nước ổn định.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.