Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 6 năm 2022 | 11:11

Cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm

Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư quan trọng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng nông sản.

Do vậy, để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn nhà nông tuân thủ đúng các nguyên tắc kỹ thuật.

 

bvtv.jpg
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các cây trồng khác tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo sang vùng sản xuất hữu cơ đã được chứng nhận.

Cần “hàng rào” kỹ thuật

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Lào Cai rất nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới xuất khẩu. Với “hàng rào” kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các vùng sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo uy tín cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tại thị trường quốc tế.

Đến nay, Lào Cai đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có giá trị kinh tế cao như vùng chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới... Các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng được mở rộng, diện tích được chứng nhận hữu cơ quốc tế được nâng lên (3.500 ha quế, 600 ha chè); việc cấp mã số vùng trồng được tích cực triển khai, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, tại một số vùng sản xuất hàng hóa vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, lạm dụng thuốc BVTV. Việc duy trì chứng nhận hữu cơ tại các vùng chè, quế gặp khó khăn do chưa xây dựng được vùng đệm an toàn, gây hiện tượng phơi nhiễm thuốc tại các vùng giáp ranh, ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm, có nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận, mất vùng nguyên liệu hữu cơ.

Cụ thể, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà vừa đưa ra thông tin cảnh báo về tình trạng tồn dư hóa chất trong các sản phẩm tại các vùng nguyên liệu. Đây là một trong những doanh nghiệp xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cây quế tại Lào Cai đạt các tiêu chuẩn quốc tế, như Organic (hữu cơ) và UEBT/RA (thương mại sinh học có đạo đức). Hiện nay, doanh nghiệp thu mua 60% sản lượng quế vỏ toàn tỉnh.

Theo ông Keiji Taniguchi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, châu Âu và Mỹ kiểm soát rất chặt tồn dư hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm nhập khẩu. Nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc BVTV, sắp tới sản phẩm quế đối mặt với nguy cơ không thể xuất khẩu sang những thị trường này. Từ năm 2020 đến nay, công ty đã phát hiện một số hoạt chất phổ biến trong mẫu nguyên liệu quế thu mua từ Lào Cai, như Glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và Chlorpyrifos (có trong các loại thuốc trừ sâu). Qua điều tra, công ty nhận thấy nông dân ít sử dụng các loại thuốc BVTV trực tiếp cho cây quế, nhưng sử dụng nhiều cho nhiều loại cây trồng khác, dẫn tới lây nhiễm chéo sang diện tích trồng quế. Công ty mong ngành nông nghiệp phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân, đồng thời kiểm tra, giám sát việc sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây trồng nói chung và cây quế nói riêng để đảm bảo phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng quế tỉnh Lào Cai.

Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng, một số hoạt chất thuốc BVTV được phát hiện trên cây quế có thể do lây nhiễm chéo khi người dân sử dụng đối với các cây trồng khác ở vùng giáp ranh. Điều đáng nói ở đây là 2 hoạt chất Glyphosate có trong thuốc trừ cỏ và Chlorpyrifos trong các loại thuốc trừ sâu đã sớm bị “gạch tên” khỏi danh mục các loại thuốc được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Đồng nghĩa với đó, hiện trạng sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục vẫn âm thầm diễn ra trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các vùng sản xuất.

Không chỉ với sản phẩm quế hữu cơ, các vùng sản xuất hàng hóa khác như chè, chuối, dứa, rau quả… cũng cần được kiểm soát tốt về việc sử dụng thuốc BVTV. Đây là việc làm bắt buộc để đảm bảo các loại nông sản có thể không chỉ hướng tới thị trường quốc tế, mà còn phục vụ thị trường nội địa yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lào Cai cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sản xuất an toàn và tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV.

Cũng theo bà Hà, hiện nay, vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn hữu cơ gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với tình trạng lây nhiễm chéo từ các vùng sản xuất lân cận do chưa xây dựng được vùng đệm an toàn. Bởi vậy, đối với các doanh nghiệp liên kết tại các vùng sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các vùng đang xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP cần khẩn trương xây dựng các dải cách ly (vùng đệm), đồng thời phối hợp quản lý tốt quy trình sản xuất tại dải cách ly và vùng giáp ranh với cánh đồng thông thường. “Ngoài ra, cần phải xác định rõ, ngay cả các vùng sản xuất khác, dù chưa được chứng nhận theo các tiêu chuẩn cũng cần sử dụng thuốc BVTV theo đúng nguyên tắc”, bà Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chất lượng là yêu cầu bắt buộc và không phải trách nhiệm riêng của ngành trồng trọt. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp, tăng cường các biện pháp quản lý thuốc BVTV; kiểm tra, thu giữ thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc ngoài danh mục; kiểm soát chặt chẽ các hoạt chất cấm sử dụng và các hoạt chất loại bỏ khỏi danh mục (Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate) tại các vùng sản xuất, đặc biệt là các vùng giáp ranh với vùng sản xuất đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng thuốc sai quy trình, thu hoạch không đúng thời gian cách ly…

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm

 

tbvtt1.jpg

Ảnh minh họa: Phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có 4.021 tên thương phẩm, trong đó, thuốc bảo vệ thực vật hóa học có 3.287 (chiếm 81,74%), thuốc bảo vệ thực vật sinh học có 734 tên thương phẩm (chiếm 18,26%).

Thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng chính là phòng, trừ sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất, sản lượng, bảo quản nông sản. Nếu thiếu đi loại vật tư nông nghiệp này, hơn nửa sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị thất thoát do tác hại của sâu, bệnh và cỏ dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tác động xấu đến đời sống, thu nhập của người nông dân. Không thể phủ nhận vai trò của thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ở nhiều địa phương hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng lúc) mà phần lớn chỉ mới chú trọng đến vấn đề công dụng của thuốc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, tâm lý của phần lớn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ thích dùng những loại thuốc có tác động nhanh, trong khi nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc nguồn gốc sinh học an toàn môi trường nhưng do tác dụng chậm lại ít được lựa chọn sử dụng.

Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người gần như không quan tâm đến các thông tin hướng dẫn trên nhãn, do đó không xác định được thời điểm gây hại của dịch hại vào thời điểm cần xử lý, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật thường tăng hơn so với hướng dẫn. Một số trường hợp trộn nhiều loại thuốc với nhau, không bảo đảm thời gian cách ly dẫn đến các hiện tượng kháng thuốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt qua ngưỡng an toàn.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hướng dẫn nhà nông, các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật các biện pháp kỹ thuật khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tính đến 30/11/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện ký cam kết phối hợp thực hiện “hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” với 10 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật.

Trong đó, thực hiện tập huấn cho hơn 142 nghìn nông dân, 14 nghìn đại lý về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Xây dựng hơn 1.300 bể chứa và bể lưu chứa, thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Triển khai xây dựng các mô hình trên lúa, hồ tiêu, cà-phê, chè, cây ăn quả, cây rau với diện tích hơn 150 nghìn ha. Cùng với đó là cam kết mở rộng quy mô, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học.

Trong đó, xây dựng “Chương trình Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký đạt 30%, tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng lên 20%.

Để hỗ trợ nhà nông các biện pháp kỹ thuật khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã tham gia vào chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả do Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam phối hợp thực hiện.

Mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, từ đó giúp nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng thuốc một cách có trách nhiệm của nông dân, giảm tình trạng lạm dụng thuốc. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng.

Trên cơ sở đó, chương trình sẽ được triển khai với ba nội dung chính: Tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho nông dân và cán bộ tại địa phương, tập trung vào các nguyên tắc sử dụng thuốc, kỹ thuật pha thuốc, phun thuốc và xử lý thuốc, nguyên tắc IPM (Integrated Pest Management-IPM-quản lý dịch hại tổng hợp), hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc và hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc sau sử dụng... Những kết quả tích cực từ mô hình sẽ là cơ sở lan tỏa sang các địa phương tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các địa phương khác trên cả nước.

Cùng với việc hợp tác với các địa phương đẩy mạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật cần liên tục, thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đầu vào của thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cho phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc thế hệ mới và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tiếp tục đưa ra lộ trình cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội để tiếp tục loại bỏ các loại thuốc không phù hợp quy định pháp luật. Hiện nay, nông dân vẫn là đối tượng chính mà cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp hướng tới, do vậy vấn đề đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho người nông dân hết sức quan trọng.

Cần xây dựng lộ trình tập huấn cụ thể cho người nông dân cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải hướng tới việc tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, để sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu về an toàn, hiệu quả và hướng tới xuất khẩu.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu vấn đề, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao.

Trả lời các đại biểu tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XV, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; đồng thời, nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top