Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất dù được Đảng,...
Ngày 1/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Đây là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều nhất, với nhiều chính sách nhất.
Chỉ tiêu cao mà nguồn lực chưa rõ
Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) cho rằng, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cần thiết.
Hiện, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các khu vực khác trong cả nước ngày càng có xu hướng gia tăng. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua các dự án, đề án còn tách rời giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực tế chưa thực sự được coi trọng đầu tư thỏa đáng. Vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam tuy được đề cao nhưng thiếu nguồn lực đầu tư.
Đề án chưa tính đến liên kết giữa các vùng với đồng bào dân tộc thiểu số để tạo đà cho phát triển của vùng này.
Chỉ tiêu về thu nhập còn khá cao, đến năm 2025, mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi tăng gấp 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026. Điều đó có nghĩa tốc độ tăng về thu nhập của vùng này ở giai đoạn năm 2020 đến năm 2025 phải tăng 14-15%/năm. Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 phải tăng khoảng 20%/năm, đây là mức tăng trưởng gấp 2 lần so với mức bình quân của cả nước. Do vậy, để đạt được tốc độ 15%/năm giai đoạn 2020-2025 và 20%/năm giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 mà đề án đề ra, đề nghị cần chỉ rõ nguồn lực và cơ chế chính sách để thực hiện.
Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc
Theo đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình), hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất...
Từ thực tế đó, để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, theo đại biểu Giang, cần chú trọng đến việc tác động để kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay. Để đạt được mục đích hiệu quả trên thì điều quan trọng thiết yếu là chủ trương, chính sách trong ban hành nghị quyết cần đề cập chú trọng quan tâm vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông. Có các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất.
Trong hỗ trợ đầu tư, cần chú trọng tập trung đến việc hưởng lợi chung. Khi điều kiện sống của đồng bào đã được đáp ứng một cách cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục. Đồng thời, cần phải tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tình trạng nguồn lực bị phân tán, dàn trải như thời gian vừa qua.
Ngoài ra, trong nghị quyết cũng cần quan tâm đến việc đầu tư nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng đối tượng cho vay vốn phục vụ sản xuất. Các cấp quản lý cần ban hành chủ trương, chính sách phù hợp, bồi dưỡng, tập huấn cho người dân có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Chú trọng phổ cập công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số để họ nhanh chóng tiếp cận tri thức, kết nối các cơ hội việc làm và bán hàng đến các thị trường trong nước và quốc tế. Chính những yếu tố trên là cơ hội để người dân, đồng bào dân tộc thiểu số có cơ sở vững chắc, bền vững trong phát huy tiềm năng, lợi thế, vươn lên tự chủ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, cần phải có giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bền vững. Khi văn hóa dân tộc được bảo tồn, sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy văn hóa phát triển nhanh chóng, tạo ra giá trị văn hóa mới tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Cần quan tâm đến bình đẳng giới
Theo đại biểu Giang, trong nghị quyết cần có cơ chế quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề nóng và nan giải trong những năm qua. Thực tế thấy, tỷ lệ lao động nữ của 53 dân tộc thiểu số không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 26,82%, cao gấp đôi so với tỷ lệ này của lao động nam dân tộc thiểu số và cao hơn gấp 5 lần so với lao động nữ là người Kinh.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm của lao động nữ dân tộc thiểu số chậm và gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản từ phong tục, tập quán, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật hạn chế, rào cản ngôn ngữ và khả năng tiếp cận thụ hưởng từ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế, cải thiện việc làm.
Vì thế, trong giải pháp về vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái, cần tiếp tục đầu tư chính sách hỗ trợ cho thôn bản, chính sách cho phụ nữ dân tộc thiểu số được khám thai theo định kỳ và sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Có chính sách cho Chi hội Phụ nữ thôn bản vùng dân tộc thiểu số; chính sách cử tuyển và tuyển dụng phụ nữ dân tộc thiểu số vào làm việc tại các cơ quan chính quyền địa phương sau khi tốt nghiệp. Bởi khi phụ nữ được tham gia vào chính quyền, các tổ chức cộng đồng, họ sẽ được góp ý kiến trước quá trình hoạch định đường lối, chủ trương. Từ đó, chủ trương, chính sách sẽ mang yếu tố giới, không bị xa rời cuộc sống.
Ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng giải pháp tuyên truyền chính sách pháp luật về giới, bình đẳng giới cho cả phụ nữ và nam giới để bảo đảm họ hiểu và có ý thức chấp hành pháp luật.
Chưa đề cập đến vấn đề dân tộc và không gian sống
Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), về căn cứ xây dựng đề án, nên thêm một căn cứ, đó là căn cứ quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo. Vấn đề dân tộc ở đây là quyền tự quyết của các dân tộc cần được thể hiện đầy đủ, từ quan điểm, luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc.
Về tôn giáo, thực tế các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều dân tộc gắn với tôn giáo, cho nên phải hết sức quan tâm đến nội dung này khi xử lý các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi chưa thấy vấn đề dân tộc, tôn giáo gắn chặt với nhiều dân tộc”, đại biểu Việt nhấn mạnh. Chưa nhìn nhận đúng mức vấn đề chữ viết và tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến đánh giá và nhìn nhận cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn bất cập. Chưa nhìn nhận người dân tộc thiểu số thành thạo chữ viết, tiếng nói của mình như biết một ngoại ngữ. Theo Hiến pháp, tiếng Việt là tiếng phổ thông, cộng đồng 54 dân tộc chọn tiếng Việt là tiếng phổ thông. Vì vậy, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số làm như thế nào thì nhìn nhận chưa đúng mức. Chính vì vậy, trong bản kê khai và sơ yếu lý lịch bây giờ kê khai biết ngoại ngữ thì mình cũng chưa dám đề ở đây là biết thứ tiếng nói của dân tộc mình.
Hạn chế thứ hai là không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bị thu hẹp mà không bảo đảm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Đề án nhấn mạnh quá nhiều về kinh tế mà chưa xem xét đúng mức nội dung này. Do đó, cần bổ sung là tôn trọng, bảo đảm không gian sống, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được sống trong không gian sống của mình, được sống từ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc.
Chiều 18/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.